Các cổ phiếu nhóm khu công nghiệp cũng được hưởng lợi từ các dự án đầu tư công. Ảnh: tư liệu
Cổ phiếu vật liệu xây dựng, xây lắp khởi sắc
Theo nghị quyết, tuyến đường sắt tốc độ cao được xây dựng hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Nghị quyết cho phép Chính phủ quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc doanh nghiệp Việt Nam khác được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt. Trong đó, nghị quyết cũng yêu cầu tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp.
DOANH NGHIỆP XI MĂNG KỲ VỌNG SẼ PHỤC HỒI TRONG QUÝ IV
SSI Research trong báo cáo mới đây về doanh nghiệp xi măng kỳ vọng nhu cầu ngành này sẽ phục hồi trong quý IV và đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2025 nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng giấy phép xây dựng nhà ở được cấp trong 9 tháng năm 2024 tăng 135% so với cùng kỳ, đạt khoảng 31.600 căn. Ngoài ra, nhóm phân tích kỳ vọng sau khi giảm khoảng 18% trong 10 tháng năm 2024, đầu tư công sẽ phục hồi trong quý IV và tăng hơn 10% trong năm 2025.
Thông tin này ngay lập tức khiến giá các cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công được nhà đầu tư chú ý. Phiên giao dịch ngày 2/12, các nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng và xây lắp đều tăng vọt, như PLC tăng đến 6,8%, C4G có thêm hơn 5%, HHV và VCG cùng tăng trên 3%. HT1 trong hai phiên gần nhất cũng có thêm hơn 2%.
Theo giới phân tích, các nhóm cổ phiếu thượng nguồn, bao gồm xây lắp và vật liệu xây dựng, có thể nhận hiệu ứng tích cực sớm và nhanh nhất từ những thông tin mới. Trong nhóm này, các doanh nghiệp sản xuất thép (HPG), khai thác đá (CTI, KSB, NNC, DHA,...), xi măng (HT1, BCC...), hay nhựa đường (PLC) có thể hưởng lợi tùy thuộc vào vị trí Tìm cơ hội từ nhóm cổ phiếu hưởng lợi nhờ đầu tư công Các cổ phiếu nhóm khu công nghiệp cũng được hưởng lợi từ các dự án đầu tư công. địa lý các dự án đầu tư công được triển khai, năng lực của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, giá chào thầu.
Cộng hưởng từ dự án đường sắt tốc độ cao
Theo báo cáo của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, với mức đầu tư lớn, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hứa hẹn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán trong đó có ngành thép, khoáng sản, xi măng, xây dựng...
Theo nhóm phân tích, sắt thép có thể chiếm tỷ trọng cao nhất trong số các nguyên vật liệu của dự án, với ước tính cho quy mô đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 21 tỷ USD, vật liệu xây dựng khác khoảng 14,6 tỷ USD.
"Hưởng lợi rõ nhất là sắt thép vì Chính phủ sẽ ưu tiên sử dụng trong nước. Sắt thép cũng là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất cho dự án", báo cáo của Chứng khoán Yuanta đánh giá tác động của dự án đường sắt tốc độ cao viết thêm rằng, những doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát, Hoa Sen hay Nam Kim có thể hưởng lợi.
Ở nhóm vật liệu khác, đá, xi măng và gạch ốp lát là những nhóm được chú ý. Với nhóm này, khuyến nghị tập trung vào các doanh nghiệp còn trữ lượng lớn, thời hạn khai thác dài hoặc đang chuẩn bị được cấp phép mới, như DHA, KSB hay VLB.
Riêng với mảng xây lắp, Yuanta Việt Nam dự báo tổng thầu và bên tư vấn nhiều khả năng là doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng các nhà thầu trong nước vẫn có thể giành lấy các hợp đồng thầu phụ. Theo đó, một số doanh nghiệp niêm yết, như CTD, FCN, C4G, CC1, VCG được nhắc tới có thể hưởng lợi từ dự án.
Bên cạnh hai nhóm chính, giới phân tích cho rằng một số doanh nghiệp thiết bị điện hoặc bất động sản cũng có thể hưởng lợi từ chuyển động của dự án đường sắt tốc độ cao. "Nhìn xa hơn thì còn có ngành bất động sản được hưởng lợi khi giá trị quỹ đất dọc theo tuyến đường sẽ gia tăng giá trị" - nhóm phân tích từ Chứng khoán Yuanta bình luận.
Ngoài tác động từ dự án đường sắt tốc độ cao, FDI cũng là một "câu chuyện" có thể tạo ảnh hưởng tích cực tới thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm.
Theo Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco), vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đang tăng trưởng tốt trước xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 30/10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 19,58 tỷ USD, tăng gần 9%. "Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang xúc tiến hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực bán dẫn, chip, năng lượng tái tạo.
Điều này kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp Công nghệ - Viễn thông và Bất động sản Khu công nghiệp hưởng lợi", báo cáo cập nhật vĩ mô công bố đầu tháng 11 viết. Đồng thời, theo nhóm phân tích, các cổ phiếu nhóm khu công nghiệp cũng được hưởng lợi gián tiếp từ các dự án đầu tư công đang triển khai liên quan đường xá, hạ tầng./.
Minh Tuấn