Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Trong vòng chưa đầy 48 giờ sau khi Nhà Trắng công bố kế hoạch thuế quan mới đối với các nước trên thế giới, bao gồm việc có thể sẽ áp mức thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ động điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, đây là cuộc điện đàm đầu tiên của Tổng thống Trump với một nhà lãnh đạo nước ngoài sau khi công bố kế hoạch thuế mới, thể hiện sự trân trọng và quan tâm của hai nhà lãnh đạo đối với quan hệ hai nước. Trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump cũng nói rằng ông đã có cuộc điện đàm “rất hiệu quả” với Tổng Bí thư Tô Lâm, đồng thời thay mặt đất nước, gửi lời cảm ơn, hi vọng được gặp trực tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian tới.
Việc lựa chọn hình thức cao nhất trong ngoại giao để đối thoại trực tiếp thể hiện sự nghiêm túc và thiện chí lớn của Việt Nam. Sự nghiêm túc và thiện chí ấy còn có thể thấy qua các hành động cụ thể của Việt Nam. Ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao các bộ ngành hiện thực hóa nội dung điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng Bí thư Tô Lâm, rà soát các sắc thuế, mở rộng chính sách tại Nghị định 73, rà soát để tăng cường nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng Việt Nam có nhu cầu, có lợi khi nhập khẩu. Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm đã lên đường tới Hoa Kỳ để tiếp tục cụ thể hóa nội dung điện đàm.
Tiếp đó, trong buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper hôm 6/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ khẳng định lại những thông điệp lớn của Tổng Bí thư, theo đó Việt Nam sẵn sàng đàm phán nhằm đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa Hoa Kỳ, tăng cường mua sắm các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Hoa Kỳ kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Đây có thể nói là những bước đi đúng đắn, đi trúng vào trọng tâm của chính sách thuế quan mới dưới thời Tổng thống Trump là tái cân bằng thương mại. Ở chiều ngược lại, khi ở trong bối cảnh thuế quan mới như hiện nay, chúng ta càng có thêm động lực để tăng tốc điều chỉnh, đổi mới.
Trưa 4/4/2025, Tổng thống ỹ Donald Trump cho biết , ông vừa “có một cuộc điện đàm rất hiệu quả” với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm. Ảnh chụp màn hình
Một là tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không thể để phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào đó. Theo công bố của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) sáng 6/4, quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ đạt 31,4 tỷ USD, chiếm hơn 30,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (102,84 tỷ USD). Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng rõ ràng không phải là thị trường duy nhất. Việt Nam cần cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, đặc biệt tận dụng các Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) đã ký kết, cũng như thúc đẩy ký kết các FTA mới, để mở rộng thị phần ở nhiều thị trường khác còn nhiều cơ hội như châu Âu, Trung Đông, Trung Á, Đông Á, Nam Mỹ, Ấn Độ, các nước ASEAN. Trên phương diện này, sự hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp trong việc tái cấu trúc thị trường là hết sức quan trọng, từ thông tin định hướng, tư vấn tới xúc tiến hương mại và cả trên phương diện tiếp cận vốn…
Hai là cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững. Rào cản thương mại, chính sách thuế quan và kinh nghiệm từ sự đứt gẫy dòng chảy thương mại trong đại dịch COVID-19 cho thấy rõ mức độ rủi ro của bất kỳ nền kinh tế nào phụ thuộc quá lớn vào ngoại thương. Đối với Việt Nam, một nước xuất khẩu lại còn phụ thuộc quá lớn vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì các động lực tăng trưởng trong nước như đầu tư và tiêu dùng càng cần được chú trọng hơn nữa. Những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công thời gian qua đã được đánh giá cao và cần phát huy hơn nữa. Còn ở khía cạnh tiêu dùng, chúng ta có thể học hỏi thêm bài học từ Canada và Pháp. Khi căng thẳng với Hoa Kỳ gia tăng, trên các mạng xã hội ở nước này đã dấy lên phong trào mua hàng trong nước sản xuất. Đây là cơ hội tạm thời để thúc đẩy sản xuất trong nước, nhưng về lâu dài, việc tích cực chuyển đổi theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị mới thực sự là hướng đi bền vững trong bối cảnh mới.
Nói tóm lại, sau khi Nhà Trắng công bố chính sách thuế quan mới, cuộc điện đàm giữa nguyên thủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã mở ra kênh đối thoại. Việt Nam cũng đã, đang và tiếp tục giải quyết các mối quan tâm của Hoa Kỳ trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Năm 2025, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây càng phải là thời điểm dành cho những nỗ lực làm sâu sắc quan hệ hợp tác Đối tác Chiến lược Toàn diện, thay vì thực thi chính sách ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Hà Ngọc/Báo Tin tức