Chị Nguyễn Thị Thu Hoài quay video quảng cáo sản phẩm Hương hồng hạc đạt OCOP 4 sao trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Lan Anh
Sở hữu sản phẩm Hương hồng hạc đạt chứng nhận OCOP 4 sao, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Sapo (xã Khánh Nhạc) đã tiếp cận sàn thương mại điện tử từ năm 2019. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Thu Hoài, đại diện Công ty cho biết, thời điểm đó, việc xây dựng quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử còn khá mới mẻ nên cơ sở đã tạm khóa các tài khoản bán hàng online, tập trung vào ổn định sản xuất, mở rộng các điểm bán trực tiếp và phân phối đại lý. Tháng 2/2025, do nhu cầu phát triển thị trường, các tài khoản bán hàng trên nền tảng số bắt đầu được kích hoạt trở lại.
Theo chị Hoài, chỉ sau vài năm, các nền tảng số đã có sự thay đổi chóng mặt về cơ chế, chính sách, buộc chủ cơ sở phải thích ứng liên tục. Hiện tại, cơ sở tập trung vào bán tại sàn Shopee và Tiktok shop, tuy nhiên sản lượng hàng bán ra chưa được như kỳ vọng, chỉ chiếm khoảng 15%, trong khi thuế và phí sàn khá cao, chiếm khoảng 25% doanh thu. Bên cạnh đó, sự thay đổi thuật toán của các nền tảng cũng làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, bởi nhân sự chưa được đào tạo một cách bài bản về bán hàng trên nền tảng số.
“Bán hàng trên sàn thương mại điện tử phải liên tục đổi mới cách tiếp cận khách hàng qua các video, hình ảnh, tiếp nhận phản hồi; nhất là thời gian đầu, nếu muốn sản phẩm được biết đến rộng rãi hơn cần đầu tư nhiều cho chi phí quảng cáo”, chị Hoài cho biết.
Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản Thanh Nguyễn ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động bán hàng tại chỗ và online. Ảnh: Hồng Minh
Công ty TNHH sản xuất và thương mại Sapo không phải là trường hợp duy nhất gặp khó khăn khi đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ. Nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh, có chất lượng tốt, bao bì bắt mắt vẫn loay hoay tiếp cận với nền tảng.
“Tôi đã thử đưa sản phẩm lên sàn Tiktok shop, tuy nhiên phí sàn quá cao, chưa kể chi phí vận chuyển, rủi ro hoàn hàng, đổi trả, cơ sở khó cân bằng chi phí nên thời gian tới chúng tôi vẫn ưu tiên phân phối cho đại lý”, anh Vũ Anh Toản, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại mật ong sú vẹt biển Kim Sơn (xã Bình Minh) cho biết.
So với phân phối trực tiếp cho các cửa hàng, đại lý, chủ thể bán hàng trên nền tảng số cần đáp ứng đóng gói tiêu chuẩn theo quy định sàn, kho bãi… cũng là một thách thức lớn. Thêm vào đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm đặc sản có đặc thù dễ hư hỏng, khó duy trì chất lượng khi vận chuyển xa trong thời gian dài, làm tăng rủi ro trong giao hàng và hậu mãi.
Công nhân đóng gói các sản phẩm Trà hoa vàng của Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia trước khi xuất xưởng. Ảnh: Minh Đường
Trên thực tế, việc đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử tương đối dễ dàng với các chủ thể OCOP. Tuy nhiên, câu chuyện vận hành là vấn đề nan giải khi phải tính bằng năm để xây dựng thương hiệu sản phẩm, đầu tư cho quảng cáo, khuyến mãi, chăm sóc khách hàng. Nếu không, sản phẩm dễ bị chìm giữa "biển thông tin" và khó tiếp cận với người tiêu dùng mục tiêu. Trong khi, tại không gian số, các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm nhập khẩu giá cạnh tranh đem lại vô số lựa chọn cho người mua chỉ với một từ khóa tìm kiếm.
"Mỗi chai tinh dầu 5ml hiện bán trực tiếp tại xưởng có giá 25.000 đồng nhưng bán online chỉ khoảng 20.000 đồng, đã bao gồm phí sàn, thuế, chi phí quảng cáo, bao bì đóng gói, nhân lực. Nếu so về giá, gần như sản phẩm OCOP tinh dầu mùi già Quốc Thịnh bán lẻ trên sàn khó cạnh tranh được. Trong khi tiêu thụ trực tiếp cho các công ty lớn sẽ ổn định đầu ra, có kế hoạch sản xuất rõ ràng về sản lượng sản xuất, ít rủi ro nên hiện tôi chưa đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử", anh Trần Văn Quốc (xã Lai Thành) cho biết.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chương trình OCOP hướng tới tạo ra các sản phẩm OCOP chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, an toàn thực phẩm, khai thác và phát huy những giá trị văn hóa, giá trị truyền thống của địa phương. Vì thế, các sản phẩm phải được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, để đáp ứng được mọi thị trường tiêu thụ, trong đó có nền tảng bán hàng trực tuyến… Tuy nhiên, việc quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trong điều kiện kinh tế số vừa là thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn đối với các chủ thể, các tổ chức kinh tế nông thôn là các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình. Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đa số có quy mô sản xuất nhỏ nên gặp khó khăn về vùng nguyên liệu, chưa đa dạng về chủng loại, khả năng mở rộng quy mô còn khó khăn, nguồn nhân lực ít am hiểu công nghệ, khó đáp ứng các đơn hàng lớn và liên tục…
Trước thực tế nhu cầu mua sắm sản phẩm OCOP ngày càng cao, các ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện, đánh giá, công nhận các sản phẩm theo kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; thực hiện phân cấp quản lý và tổ chức đánh giá phân hạng theo sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp. Đồng thời, tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy các chủ thể phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, gia tăng giá trị và bền vững trong phát triển kinh tế nông thôn.
Bùi Thị Lan Anh