Tìm giải pháp phát triển thị trường carbon

Tìm giải pháp phát triển thị trường carbon
5 giờ trướcBài gốc
Ban chủ tọa điều phối phiên thảo luận.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu được xem là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại trong thế kỷ 21 với những tác động tiêu cực, đe dọa sự tồn vong của các hệ sinh thái và cuộc sống của con người.
Đây là vấn đề toàn cầu đòi hỏi nỗ lực ứng phó của từng quốc gia cũng như sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều quốc gia đã áp dụng các chính sách và cơ chế nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường cacbon.
“Có thể thấy thị trường carbon đã thực sự phát triển theo Nghị định thư Kyoto năm 1997 và có rất nhiều quốc gia đã sớm đưa chế định này vào khung pháp lý”, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội thảo.
Đồng thời cho rằng, Việt Nam cũng đã thể hiện quyết tâm rất lớn để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cùng với Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, xác định lộ trình thí điểm vận hành thị trường carbon tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2025.
Phát triển thị trường carbon rừng là một hướng đi chiến lược để Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải, tạo nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ và phục hồi rừng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo, Trường đại học Ngoại thương
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Luật (Đại học quốc gia Hà Nội), cho biết, đặt trong bối cảnh Việt Nam, vấn đề tìm cách phát triển thị trường carbon là một điều hoàn toàn mới ở nước ta và thu hút sự quan tâm đông đảo từ cộng đồng.
Từ đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh khuyến khích nhiều nghiên cứu đi sâu vào vấn đề phát triển thị trường carbon vì tính mới, tính cấp thiết, tiếp cận dưới nhiều góc độ, cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Bàn về phát triển thị trường carbon rừng tại Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo, Trường đại học Ngoại thương, cho biết, Việt Nam đang từng bước xây dựng thị trường carbon, bao gồm cả thị trường carbon rừng với lộ trình thử nghiệm từ năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028 theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Tuy nhiên, hệ thống quản trị hiện tại vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu cốt lõi như minh bạch, trách nhiệm giải trình và giám sát hiệu quả - những yếu tố nền tảng của một thị trường hoạt động hiệu quả và bền vững.
Để phát triển thị trường carbon rừng hiệu quả, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà đề xuất cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và khung pháp lý liên quan đến thị trường carbon và thị trường carbon rừng, bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện địa phương và đa dạng mô hình thực hiện.
Đồng thời, cần phát triển một hệ thống cơ sở dữ liệu rừng quốc gia tích hợp phục vụ cho toàn bộ quy trình MRV (đo lường - báo cáo - xác minh), có khả năng thu nhận, lưu trữ, phân tích và hiển thị dữ liệu rừng đa nguồn.
Quang cảnh hội thảo.
Hệ thống này phải được thiết kế theo hướng mở, có tính liên thông và tích hợp với hệ thống giám sát rừng quốc gia (NFMS) hiện có, nhằm tránh trùng lặp trong thu thập dữ liệu, đồng thời đảm bảo tính kế thừa và cập nhật liên tục.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, phát triển thị trường carbon rừng là một hướng đi chiến lược để Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải, tạo nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ và phục hồi rừng.
Tuy nhiên, để thị trường vận hành hiệu quả và minh bạch, cần có cách tiếp cận toàn diện, dựa trên các nguyên tắc thiết kế toàn cầu và phù hợp với điều kiện thực tiễn trong nước.
CAO TÂN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/tim-giai-phap-phat-trien-thi-truong-carbon-post878748.html