Các chuyên gia Hàn Quốc và quốc tế điều hành hội thảo. Ảnh: Đức Thắng/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ông Allen Ng đưa ra nhận định như vậy khi phát biểu tham luận tại Hội thảo quốc tế về nguyên nhân gây ra tỷ lệ sinh thấp ở châu Á và biện pháp giải quyết, diễn ra tại thủ đô của Hàn Quốc ngày 7/11.
Tại sự kiện, các chuyên gia từ một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Ai Cập, Singapore và Việt Nam đã cùng nhau tìm kiếm câu trả lời cho tình trạng mức sinh thấp. Các chuyên gia thảo luận các yếu tố như tâm lý xã hội, văn hóa, tôn giáo, sự khác biệt thế hệ và các giá trị phổ quát như gia đình theo hoàn cảnh riêng của mỗi quốc gia, cũng như giai đoạn phát triển kinh tế, lịch sử, văn hóa, chính trị và hệ thống pháp luật.
Theo chuyên gia Allen, khi trình độ phát triển kinh tế tăng lên, tổng tỷ suất sinh (TFR) sẽ tiếp tục giảm. Về giải pháp, ông Allen cho rằng cần phải hiểu các chuẩn mực văn hóa và sở thích cá nhân dẫn đến ý muốn sinh con, mạnh dạn loại bỏ các chính sách chỉ xem xét lợi ích tài chính và giải quyết những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ sinh thấp.
Tham gia hội thảo theo hình thức trực tuyến, Mikito Masuda - Giáo sư kinh tế tại Đại học Komazawa (Nhật Bản) cho rằng khi mức thu nhập kinh tế của hộ gia đình trở nên thịnh vượng hơn thì họ có xu hướng giảm việc sinh con để tập trung tài chính nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và nuôi dạy con đã sinh được tốt hơn.
Cùng đóng góp vào chủ đề này trong tham luận gửi tới hội thảo, nhà nghiên cứu Phạm Thị Minh Thủy, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Học viện Chính trị khu vực I - cho rằng cần có sự cân bằng giữa phát triển cá nhân và trách nhiệm xã hội. Thay vì áp lực kết hôn sớm, xã hội nên tạo điều kiện để người trẻ phát triển kỹ năng sống, quản lý tài chính và xây dựng mối quan hệ lành mạnh. Đây là nền tảng quan trọng cho một cuộc hôn nhân bền vững, góp phần vào giải quyết tình trạng nhân khẩu học của Việt Nam hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, bà Jin Seon Mi, thành viên Quốc hội của đảng Dân chủ (DP) đối lập chính ở Hàn Quốc, cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ sinh thấp là môi trường xã hội không ổn định và chi phí nhà ở cao. Những yếu tố này cùng với chi phí cao về giáo dục đang khiến nhiều người trẻ ngại kết hôn, xây dựng gia đình và sinh con. Ngoài ra, khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình cũng là trở ngại lớn đối với phụ nữ trong việc lựa chọn sinh con.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, tỷ lệ sinh thấp là xu hướng chung trên toàn cầu. Các quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đang trải qua tình trạng suy giảm đáng kể về tỷ lệ sinh. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á cũng đang chứng kiến tình trạng khẩn cấp quốc gia về dân số do tỷ lệ sinh ngày càng giảm.
Trần Quang (TTXVN)