Tìm hiểu về Hà Tĩnh trong thời kỳ phong kiến

Tìm hiểu về Hà Tĩnh trong thời kỳ phong kiến
9 giờ trướcBài gốc
Sáng 22/11, Sở Nội vụ tổ chức tọa đàm “Hà Tĩnh dưới thời phong kiến” với sự tham dự của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa trên địa bàn.
Đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị quản lý văn hóa, cơ sở giáo dục cùng tham dự chương trình.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Mai Trường Sinh, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ tỉnh Phan Quốc Nam chủ trì buổi tọa đàm.
Đề dẫn hội thảo cung cấp thông tin, trước thế kỷ XI, Hà Tĩnh là một vùng biên viễn phía Nam của quốc gia Đại Việt. Đối mặt với dãy Hoành Sơn - biên giới với Chăm Pa nên Hà Tĩnh thường xuyên có nguy cơ bị tấn công và luôn phải đương đầu với những cuộc giao tranh, những biến cố lớn.
Tuy nhiên, Hà Tĩnh là vùng đất có phần chiều ngang hẹp nhất của đất nước, là nơi có thể tạo ra một điểm trung chuyển giữa miền Bắc và miền Nam nên triều đình nhà Nguyễn đã tiến hành xây đắp các thành trì và thiết lập hệ thống giao thông trạm dịch tại đây. Từ vị trí chiến lược hết sức quan trọng đó, Hà Tĩnh được mệnh danh là phên dậu của đất nước.
Sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền thắng lợi (năm 938), quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ chính thức ra đời. Trải qua 10 triều đại phong kiến nối tiếp nhau cai trị, cùng với các địa phương trên cả nước, vùng đất Hà Tĩnh có nhiều thay đổi về tổ chức địa giới hành chính và tên gọi.
Nơi đây là mảnh đất sản sinh, nuôi dưỡng những bậc vĩ nhân, kỳ tài trong lịch sử như: Nguyễn Biểu, Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Phan Huy Chú, Phan Huy Ích, Trần Trọng Kim, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hà Huy Tập…
Vùng đất này cũng hội tụ nhiều yếu tố văn hóa đa dạng, đặc sắc. Nằm ở nơi nhỏ hẹp nhất trên bản đồ đất nước nhưng vùng đất Hà Tĩnh lại “đậm đặc, cô đúc” những phẩm chất và đặc tính văn hóa đặc trưng của Việt Nam.
Phát huy những giá trị truyền thống, phẩm chất cao đẹp đó, các thế hệ người dân Hà Tĩnh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, góp phần để làm nên những thắng lợi vĩ đại trong thế kỷ XX, viết nên trang sử hào hùng cho dân tộc.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Tĩnh Nguyễn Trí Sơn đóng góp tham luận về nội dung "Lịch sử Hà Tĩnh qua các danh xưng giai đoạn 939 - 1945".
Trong sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Tĩnh đang ra sức đẩy mạnhthực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Trong giai đoạn hiện nay, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, việc tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và truyền thống cách mạng, bồi đắp niềm tự hào cho các thế hệ người dân Hà Tĩnh là điều hết sức cần thiết. Đây là cơ sở để các tầng lớp nhân dân không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, vai trò và trách nhiệm của bản thân, cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Tọa đàm khoa học "Hà Tĩnh dưới thời phong kiến" là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa trao đổi, chia sẻ những kết quả nghiên cứu, nhằm làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến mảnh đất, con người Hà Tĩnh qua các thời kỳ, đặc biệt là thời kỳ phong kiến.
Từ đó, giúp các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý đúc rút những kinh nghiệm, những bài học thực tiễn từ quá khứ để xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày một phát triển.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trần Xuân Lương cung cấp nhiều thông tin hữu ích về tiến sỹ Dương Trí Trạch và những đóng góp, tầm ảnh hưởng của danh nhân này đối với văn hóa đất Hồng Lam.
Tại buổi tọa đàm, đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung như: Lịch sử Hà Tĩnh qua các danh xưng; Hà Tĩnh dưới thời phong kiến qua cổ vật Trần Lê; việc dạy và học dưới thời phong kiến; ảnh hưởng của một số danh nhân đến văn hóa Hà Tĩnh; vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Hà Tĩnh trong giai đoạn 1930 - 1945; Hà Tĩnh trong công cuộc giành chính quyền về tay nhân dân…
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Mai Trường Sinh tiếp thu ý kiến của đại biểu tại buổi tọa đàm.
Kết thúc buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Mai Trường Sinh khẳng định chương trình là sự kiện có ý nghĩa thiết thực chào mừng các sự kiện văn hóa lớn như: kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024) và Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” sẽ được tổ chức trong thời gian tới.
Những thông tin tại buổi tọa đàm là các tài liệu, tư liệu quý được sử dụng để xây dựng phim tài liệu “Hà Tĩnh dưới thời phong kiến giai đoạn 939 - 1945”; làm rõ hơn, sống động hơn về mảnh đất và con người Hà Tĩnh trong một giai đoạn lịch sử quan trọng.
Đây cũng là những nội dung thiết thực với ngành lưu trữ trong việc thực hiện Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị các cá nhân, đơn vị tiếp tục sưu tầm, bổ sung nguồn tài liệu quý hiếm về Hà Tĩnh và thực hiện công bố những tài liệu này; đổi mới phương thức công bố tài liệu lưu trữ theo hướng sáng tạo, hiện đại, phù hợp xu hướng phát triển của công nghệ thông tin; đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cho toàn dân về vai trò, tầm quan trọng của các tài liệu lưu trữ. Từ đó, tăng cường sử dụng tài liệu lưu trữ để nghiên cứu; giảng dạy trong các trường học; hoạch định chính sách, phát triển kinh tế văn hóa, xã hội con người Hà Tĩnh trong thời gian tới…
Kiều Minh
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/tim-hieu-ve-ha-tinh-trong-thoi-ky-phong-kien-post277810.html