Tóm tắt: Bài viết làm rõ xuất xứ, hình thức, kết cấu, nội dung và ý nghĩa của thể Kệ, một loại hình văn học Phật giáo Việt Nam. Kệ ra đời nhằm truyền tải tư tưởng của các thiền sư đối với các đệ tử và chúng sinh. Hầu hết các bài Kệ đều được sáng tác trước khi thiền sư viên tịch. Kệ thị tịch là hình thức chủ yếu nhất, thể hiện tính triết học Phật giáo hoặc phương châm xử thế.
Với những đóng góp về phương diện văn học và tư tưởng, loại hình Kệ đã góp phần phổ biến và duy trì nội dung Phật giáo, cũng như triết lý mang tính triết học của nhà Phật.
Từ khóa: xuất xứ, hình thức, thể Kệ, văn học, Phật giáo.
Mở đầu
Có nhiều hình thức để phổ biến và truyền bá giáo lý Phật giáo hoặc nhận thức của các bậc thiền sư đối với xã hội. Các thiền sư có thể làm thơ ngắn hoặc đưa ra một vài ý tưởng được đúc rút trong những câu giải đáp súc tích.
Kệ chiếm số lượng đáng kể trong các loại hình khác của văn học Việt Nam nói chung và văn học Phật giáo nói riêng. Điều này đặt ra câu hỏi là tại sao lại xuất hiện Kệ, nó ra đời nhằm mục đích gì? Kệ bao gồm những nội dung và ý nghĩa gì?
Ảnh: Sưu tầm
1. Về khái niệm, xuất xứ và loại hình Kệ
Theo Từ điển bách khoa Việt Nam thì “Kệ, một thể văn của Phật giáo. Được phiên âm từ tiếng Sanskrit là “già tha”, “già đà”, có nghĩa là “tụng”, “phúng tụng”. Đó là những bài thơ ngắn gồm ít nhất 4 câu thơ trở lên. Nội dung Kệ thường là tóm tắt những đoạn kinh quan trọng, tương đối khó hiểu, mục đích để cho người đọc nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. Kệ cũng có một số bài thơ dài, có khi tới 100 câu, như Kệ trong “Diệu pháp liên hoa kinh”. Các thiền sư Việt Nam nổi tiếng, khi sắp qua đời thường để lại bài thơ để dặn học trò mình gọi là Kệ thị tịch”(1).
Nếu phân loại theo khái niệm của Phật Quang đại từ điển thì Kệ (nghĩa tiếng Hán: 揭; phiên âm: jie, qi, ji) có nghĩa là: “Thể văn vần được dùng trong kinh điển Phật giáo. Có hai loại là Già đà và Kì dạ. Hai loại này đều là Kệ tụng, nhưng ý nghĩa của chúng thì khác nhau. Già đà: Cũng gọi Cô khởi kệ, tức là phần văn vần trực tiếp chuyên chở ý nghĩa của giáo pháp, trước không có văn xuôi (trường hàng), mà nếu có thì nghĩa cũng không liên quan đến phần văn vần này. Kì dạ: “Cũng gọi là Trùng tùng kệ, tức là phần văn vần lặp lại ý nghĩa đã được trình bày trong đoạn văn xuôi ở trước”(2). Trên đây là nói theo nghĩa rộng, nhưng trong các kinh luận cũng có những trường hợp dùng cả 2 loại kệ tụng này. Còn nói theo nghĩa hẹp, thì Kệ là chỉ riêng cho tiếng Phạn Già đà, giá tha, kệ đà, kệ tha; dịch ý là phúng tụng, kệ tụng, tạo tụng, cô khởi tụng, bất trùng tụng kệ, tụng, ca dao. Kệ có rất nhiều thể loại, thường được dùng nhất trong kinh Phật gồm 2 hàng, 16 âm tiết (2 câu, mỗi câu 8 âm tiết), gọi là Thủ lô ca, hoặc gọi là Thông kệ. Ngoài ra còn có loại kệ không hạn định số âm tiết, gọi là Araya.
Như vậy, loại hình Kệ dù có biểu hiện ở nhiều thể loại khác nhau, song cũng chỉ tập trung ở hai loại là Già đà và Kì dạ. Tuy nhiên phổ biển hơn cả trong các nghi thức Phật giáo vẫn là Kệ Già đà. Ngoại trừ những bài Kệ ca tụng công đức của Phật và Bồ tát thì đa phần Kệ là sáng tác của các thiền sư.
Về xuất xứ của các bài Kệ, trong cuốn Thiền sư Việt Nam, thì có thể đã ra đời gắn liền với những lời dặn của thiền sư, vào khoảng thế kỷ VIII. Theo đó, khi thiền sư sắp qua đời, họ nói Kệ dặn dò môn sinh của mình, như Thiền sư Vô Ngôn Thông:
Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sinh
Tâm vô sở sanh pháp vô sở trụ.
Nhược đạt tâm địa sở trụ vô ngại
Phi lộ thượng căn thận vật khinh hứa.
Dịch nghĩa
Tất cả các pháp đều từ tâm sinh
Tâm không chỗ sinh, pháp không chỗ trụ,
Nếu đạt tâm địa chỗ trụ không ngại
Chẳng gặp thượng căn dè dặt chớ dạy (3).
Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đăng Na thì Kệ được các Thiền sư Việt Nam viết nhiều loại hình, khá đa dạng. Tác giả cho rằng: “Có Ngài viết kệ 2 câu, mỗi câu 5 hoặc 7 âm tiết, như các vị Đại sư: Khuông Việt, Thiền Lão, Viên Chiếu,… Có vị lại viết kệ không vần như Thiền sư Cứu Chỉ; có vị viết kệ 6 câu, mỗi câu 4 âm tiết như Thiền sư Bản Tịnh, có vị dùng hình thức thơ ngũ ngôn tứ tuyệt hoặc thất ngôn tứ tuyệt để viết kệ, như Đại sư Khuông Việt và các vị Thiền sư: Đinh Hương, Không Lộ, Ngộ Ấn, Bảo Giám,… chúng thường được dùng kệ Vấn và kệ Đáp - Cô khởi kệ để diễn đạt những vấn đề cốt tủy về triết học Thiền tông, như sinh tử - niết bàn, sắc - không, tâm - thân, phàm - thánh, hữu - vô”(4).
Kệ do các thiền sư của nhiều trường phái khác nhau sáng tác như Vô Ngôn Thông, Thảo Đường hoặc Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Các bài Kệ thường mang chức năng lễ nghi, vì vậy đặt bài kệ trong hoàn cảnh sáng tác của các thiền sư mới thấy được giá trị và tầm ảnh hưởng.
2. Nội dung và ý nghĩa các bài Kệ
Về kết cấu, Kệ bao giờ cũng có cấu trúc phần đầu: giới thiệu về vấn đề mà Thiền sư muốn truyền tải, phần nội dung và phần kết luận. Hầu hết các bài Kệ đều được viết bằng chữ Hán và đa số thường không có nhan đề. Phần lớn các bài Kệ đều là Kệ thị tịch, tức là lời dặn dò của các Thiền sư trước khi qua đời.
Về nội dung, có khá nhiều vấn đề của giáo lý nhà Phật, cách xử thế, cách sống của thiền sư được truyền tải trong các bài Kệ. Phương châm sống mang tính giáo dục đối với thế hệ sau chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong loại hình Kệ.
Bài Kệ của Đinh Hương trưởng lão trước khi ông qua đời như sau:
Bản lai vô xứ sở
Xứ sở thị chơn tông Chơn tông như thị huyễn
Huyễn hữu tức không không
Dịch nghĩa:
Xưa nay không xứ sở Xứ sở là chân tông,
Chân tông như thể huyễn
Huyễn có là không không (5).
Bài Kệ cô đọng một cách súc tích cách tồn tại ở thế gian, có nghĩa là mọi phép mọi xứ sở, nơi hiện tồn của bản thân đều là không. Đây cũng là cách truyền đạt nội dung của Phật giáo ngắn gọn nhưng sâu sắc.
Ảnh: Sưu tầm
Kệ còn cho thấy nội dung giáo lý Phật giáo cụ thể. Điều này được thể hiện rải rác trong những bài Kệ của các thiền sư. Ví như bài kệ của thiền sư Đạo Huệ (?-1173):
Địa thủy hỏa phong thức,
Nguyên lai nhất thiết không.
Như vân hoàn tụ tán,
Phật nhật chiếu vô cùng.
Sắc thân dữ diệu thể,
Bất hiệp bất phân ly.
Nhược nhơn yếu chân biệt,
Lô trung hoa nhất chi.
Dịch nghĩa:
Đất nước lửa gió thức,
Nguyên lai thảy đều không.
Như mây lại tan hợp,
Phật nhật chiếu không cùng.
Sắc thân cùng diệu thể
Chẳng hợp chẳng chia lìa
Nếu người cần phân biệt,
Một cành hoa trong lò (6).
Hoặc đề cập đến pháp tu của Phật giáo, thiền sư chủ trương không dựa trên pháp tu nào cả. Câu kệ của sư Tông Diễn là một bằng chứng:
Phiên âm:
Hữu vô câu bất lập
Nhật cảnh bổn dương bô.
Dịch nghĩa:
Hữu với vô đều không lập
Thì mặt trời Huệ sẽ lên cao.
Theo tông chỉ này thì không có pháp nào để tu nữa vì “phiền não với Niết bàn cũng chưa từng mộng qua, vọng với chân đều không lập”(7). Đặc biệt, khi nhận thức được cái “hữu” và “vô” trong cuộc sống thì trí tuệ sẽ xuất hiện, giống như “mặt trời Huệ sẽ lên cao”.
Các bài Kệ còn cho thấy tính triết học và cách ứng xử trong cuộc sống cũng như trong quá trình tu tập của các Thiền sư. Một bài kệ mang tính triết học rất lớn phải kể đến là bài Kệ có tên Cáo tật thị chúng của thiền sư Mãn Giác (1052-1096):
Chữ Hán:
春去百花
落 春到百花開 事逐
眼前過 老從頭上來
莫謂春殘花落盡 庭
前昨夜一枝梅
Phiên âm:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai,
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch nghĩa:
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười,
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai (8).
Đã có nhiều bình luận xoay quanh bài kệ này. Tác giả Nguyễn Đăng Na cho rằng bài Kệ là một vấn đề mà trưởng lão Mãn Giác muốn thị chúng cho môn đệ hiểu rằng sinh, tử là quy luật chung, không trừ ai. Ai cũng có thể đến khởi điểm nhập vào vũ trụ: lạc (rụng- chết), là quy luật khách quan(9). Bất kể ai hiểu được quy luật vũ trụ và xã hội thì đều nhận thức được quá trình sinh, trụ, dị, diệt và vì thế có thể ung dung đón nhận trình tự đó. Thuận theo tự nhiên, theo quy luật thì con người mới đạt đến sự an lạc. Hơn nữa, xuân đến và xuân đi, tức là sự vận động biến đổi của vũ trụ qua mắt nhìn của người học Phật cũng đều là vô thường. Một khi có sự vô thường hiện diện và nhận thức được thì ta sẽ không còn phiền não.
Đề cập đến một phương diện khác của bài kệ trên, Cư sĩ Nguyên Giác đã viết như sau: “Tất cả các pháp thế gian (ở đây là trăm hoa) đều bị chi phối bởi bước chân của mùa xuân, nói lên lẽ vô thường của vạn pháp. Khi mùa xuân đến, trăm hoa đều nở, không gì cưỡng lại được. Khi mùa xuân đi, trăm hoa đều tàn, không gì cưỡng lại được. Tất cả các pháp thế gian đều mang tính sinh diệt. Ngay chính sự hiện diện của mùa xuân cũng là một pháp thế gian, nên cũng là một pháp sinh diệt”, tác giả lại viết: “Ngay khi vừa giác ngộ thì thấy được chuyện sinh tử và Niết bàn chỉ như giấc mộng đêm qua. …Trong cái thấy của Trí Huệ Phật, trong giây phút giác ngộ đó, sẽ thấy không có cõi sinh tử nào phải vượt qua, không có một Niết bàn nào phải tìm đến”(10). Điều này cho thấy triết lý Phật giáo được thể hiện rất đầy đủ trong bài Kệ của Thiền sư Mãn Giác.
Hình ảnh được tạo bởi AI
Thiền sư Đại Xá (1120-1180) đã sáng tác một bài Kệ khi bàn về vấn đề diệt trừ vô minh để tránh được phiền não:
Chân tính linh linh vô quái ngại,
Niết bàn sinh tử nhậm giá lung.
Thạch mã xỉ cuồng nhanh,
Thực miêu nhật nguyệt minh.
Đồ trung nhơn cộng quá,
Yên thượng nhơn bất hành.
Dịch nghĩa:
Chân tính sáng ngời không chướng ngại,
Niết bàn sinh tử mặc che lồng.
Ngựa đá nhe rang cuồng
Ăn mạ ngày tháng kêu.
Đướng cái người đồng qua,
Trên mây không kẻ đến (11).
Như vậy, khi nhận thức được sinh tử cũng là vô thường thì người ta sẽ đoạn trừ được vô minh, cũng có nghĩa là diệt trừ được phiền não. Đó cũng chính là ước vọng của người học Phật, trên con đường tu tập nhằm đạt được cảnh giới thoát khỏi vô minh, lìa bỏ phiền não và chứng thực được sự có mặt của Niết bàn. Không chỉ thế, Niết bàn còn là mục đích hướng đến cao nhất của Phật giáo.
Khi bàn về “vô minh”, thiền sư Viên Học (1053-1116) cũng đã nói kệ với học trò của mình:
Phiên âm:
Lục thứ thường hôn chung dạ khổ,
Vô minh bị phú cửu mê dung.
Trù dạ văn chung khai giác ngộ,
Lản thần tịnh sát đắc thần thông.
Dịch nghĩa:
Sáu thức tối tăm khổ đêm dài,
Vô minh che đậy mãi mê say.
Sớm tối nghe chuông lòng tỉnh giấc,
Thần lười dứt sạch, được thần thông (12).
Ở bài Kệ này, thiền sư cho ta biết về sáu thức và vô minh. Sáu thức bị vô minh che khuất nên con người bị rơi vào cảnh đau khổ lâu dài. Sáu thức ở đây bao gồm: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức. Thức được hình thành khi suy nghĩ, ký ức của con người có sự tiếp xúc và phân biệt với những sự vật, sự việc trong đời sống xã hội.
Bên cạnh khái niệm “vô minh”, quan niệm về sắc - không cũng là nội dung mà nhiều thiền sư bàn đến. Bài Kệ thị tịch của Thiền sư Minh Trí (?-1196) là một trường hợp:
Phiên âm:
Tùy phong thủy nguyệt minh,
Vô ảnh diệc vô hình.
Sắc tướng giá cá thị
Không không tầm hưởng thinh.
Dịch nghĩa:
Gió tùy trăng nước mây,
Không bóng cũng không hình,
Sắc tướng chỉ thế ấy,
Trong không tìm tiếng vang (13).
Nội dung sắc - không cũng được nhắc đến trong bài kệ của Thiền sư Viên Chiếu (999- 1090):
Phiên âm:
Thân như tường bích dễ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi.
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiện nhậm suy đi.
Dịch nghĩa:
Thân như tường vách đã lung lay,
Đau đáu người đời luống xót thay,
Nếu đạt tâm không, không tướng sắc,
Sắc không ẩn hiện mặc vần xoay (14).
Theo tư tưởng ở bài kệ, dễ nhận thấy Phật giáo cho rằng sắc là không và không cũng là sắc. Hiểu được khái niệm sắc - không, ta mới lĩnh hội được những tri thức cơ bản về Phật học. Trong kinh Bát nhã, sắc - không được viết: “Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế […] Tướng không của mọi pháp không sinh, không diệt… Cho nên trong chân không, không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức”(15). Có thể hiểu sắc - không là cái nhìn của Phật giáo về tính duyên sinh vô ngã của các pháp. Đặc tính này có mặt trong mọi khía cạnh của đời sống, xã hội. Sắc là những thứ chỉ hình tướng màu sắc, vật chất, còn không thể hiện cái không bao giờ xảy ra. Phải dùng cách nhìn của Phật giáo mới có thể hiểu rõ những thứ đang hiện tồn trước mắt ta cũng chính là không, không có, không tồn tại. Chỉ có duyên mới là điểm tựa để sắc và không nương tựa vào nhau. Vậy nên, câu kệ “Sắc không ẩn hiện mặc vần xoay” còn hàm ẩn nghĩa “vô thường” của thế gian
- tư tưởng mà Thiền sư Viên Chiếu truyền lại.
Ngoài ra, trong số ít các bài kệ, có thể thấy được sự tiên tri của các thiền sư về vấn đề vận nước:
Chữ Hán:
國 祚如等藤絡
南天裏太平 無爲
居殿閤 處處息刀兵
Phiên âm:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.
Dịch nghĩa:
Vận nước như dây quấn
Trời Nam sống thái bình
Rảnh rang trên điện các
Chốn chốn dứt đao binh
Hoặc có xen lẫn triết học của Đạo giáo khi các Thiền sư đề cập đến vấn đề “vô vi” như bài kệ của Thiền sư Chân Không:
Phiên âm:
Diệu bổn hư vô minh tự khoa,
Hòa phong xuy khởi biến ta bà.
Nhơn nhơn tận thức vô vi lạc,
Nhược đắc vô vi thủy thị gia.
Dịch nghĩa:
Diệu bổn thênh thang rõ tự bày,
Gió hòa thổi dậy khắp ta bà.
Người người nhận được vô vi lạc,
Nếu được vô vi mới là nhà.
Triết lý “vô vi” còn được đề cập trong bài kệ của thiền sư Hiện Quang (?-1120):
Phiên âm:
Na dĩ Hứa Do đức,
Hả tri thế ky xuân,
Vô vi cư khoáng dã
Tiêu diêu tự tại nhân.
Dịch nghĩa:
Hứa Do tập theo đức,
Nào biết đời mấy xuân,
Vô vi sống đồng ruộng,
Người tự tại thong dong.
Theo sư Hiện Quang, sống cuộc đời với đồng ruộng, hòa mình với thiên nhiên là một phương thức để đạt tới sự tự do, tự tại.
3. Nhận xét
Kệ là một loại hình văn học Phật giáo đặc biệt, đa phần được viết bằng chữ Hán nhằm truyền tải tư tưởng của các thiền sư Việt Nam. Phổ biến hơn cả trong các loại kệ của Phật giáo là Kệ thị tịch, được sáng tác vào thời điểm trước khi viên tịch của các nhà sư. Các bài Kệ ngắn gọn với nội dung dễ đọc, dễ nhớ.
Suốt chiều dài lịch sử, Kệ đã có những đóng góp không nhỏ đối với nền văn học trung đại Việt Nam. Dù thuộc nhiều trường phái khác nhau như Vô Ngôn Thông, Thảo Đường hay Tỳ Ni Đa Lưu Chi thì các thiền sư đều để lại kệ của mình cho các đệ tử để dạy chúng sinh. Nội dung cốt lõi mà các bài kệ đề cập đến chính là vấn đề giáo dục cho thế hệ sau về cách sống, xử thế. Vì vậy, Kệ mang tính truyền thừa giáo lý và định hướng giáo dục về phương châm sống và xử thế.
Các nội hàm khái niệm của Phật giáo như vô minh, vô thường, phiền não, sắc - không,… đều đã được truyền tải thông qua các bài Kệ. Đặt các bài Kệ trong bối cảnh sáng tác của các thiền sư và hoàn cảnh xã hội đương thời sẽ thấy được vai trò rất lớn của họ đối với việc duy trì và phát triển đạo Phật qua nhiều thế kỷ.
Tác giả: ThS. Mai Thị Huyền - Viện Sử học
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2025
***
Chú thích:
(1) Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 2, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2002, tr. 472.
(2) Phật Quang đại từ điển (佛光大辭典), tập 2, Hội văn hóa giáo dục, Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, 2000, tr. 2398.
(3) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 27.
(4) Nguyễn Đăng Na, Bài kệ của Trưởng lão Mãn Giác, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (107), 2011, tr. 28.
(5) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 55.
(6) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 122.
(7) Cư sĩ Nguyên Giác, Chú giải về thiền đốn ngộ, Nxb. Hội nhà văn, 2016, tr. 70.
(8) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 93.
(9) Nguyễn Đăng Na, Bài kệ của Trưởng lão Mãn Giác, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (107), 2011, tr. 28-36.
(10)Cư sĩ Nguyên Giác, Chú giải về thiền đốn ngộ, Nxb. Hội nhà văn, 2016, tr. 59, 60, 61.
(11) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 151.
(12) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 141.
(13) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 167.
(14) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 66.
(15) Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Chú thường tụng, Nxb. Hồng Đức, 2024, tr. 130-131.
(16) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 38.
(17) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 111.
(18) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 191.
Tài liệu tham khảo:
1. Cư sĩ Nguyên Giác, Chú giải về thiền đốn ngộ, Nxb Hội nhà văn, 2016.
2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Chú thường tụng, Nxb Hồng Đức, 2024.
3. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 2, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2002.
4. Nguyễn Đăng Na, Bài kệ của Trưởng lão Mãn Giác, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (107), 2011, tr. 28-36.
5. Phật Quang đại từ điển (佛光大辭典), tập 2, Hội văn hóa giáo dục, Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, 2000.
6. Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973.