Nhìn chung ăn thực vật sẽ đỡ phát khí thải nhà kính
Chúng ta đều biết rằng sản xuất hầu hết các loại thực phẩm đều tạo ra khí thải nhà kính, thúc đẩy biến đổi khí hậu. Những khí thải này đến từ hàng trăm nguồn khác nhau, chẳng hạn như máy kéo đốt nhiên liệu, sản xuất phân bón và vi khuẩn trong ruột bò. Nhìn chung, sản xuất thực phẩm đóng góp một phần tư lượng khí thải nhà kính do con người gây ra.
Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm loại bỏ nhiều khí nhà kính hơn lượng khí thải mà chúng thải ra, thường được gọi là thực phẩm "carbon âm". Những loại thực phẩm này giúp khí hậu tốt hơn so với thực phẩm thông thường. Việc sản xuất và ăn nhiều loại thực phẩm này có thể giúp giảm tác động carbon của thực phẩm. Thậm chí, trong một số trường hợp, thực phẩm này còn giúp phục hồi hệ sinh thái.
Khi thực vật phát triển, chúng lấy carbon dioxide (CO2) từ không khí, nhưng khi chúng ta (hoặc động vật) chuyển hóa những loại thực vật này, CO2 này thường được giải phóng thẳng trở lại không khí.
Tuy nhiên, do lượng khí thải liên tục, chúng ta cần loại bỏ carbon vĩnh viễn khỏi khí quyển, lưu trữ chúng sâu trong biển, đá, đất hoặc trong cây. Có một số sản phẩm thực phẩm và phương pháp sản xuất thực hiện được điều này. Trên thực tế, bạn đã có thể khiến toàn bộ chế độ ăn của mình trở thành carbon âm. Dù vậy, trong thế giới ngày nay, điều này đòi hỏi phải thay đổi đáng kể cách ăn uống của hầu hết mọi người.
Tảo bẹ
Khi tảo bẹ và các loại tảo lớn khác phát triển, chúng hấp thụ CO2. Một số phần của tảo bẹ tách ra và lắng xuống đáy đại dương sâu, nơi một phần carbon đó được lưu trữ. Lượng loại bỏ này tương đối nhỏ trên mỗi kg tảo bẹ. Do vậy, để thực phẩm từ tảo bẹ có lượng carbon âm, chuỗi cung ứng phải thật hiệu quả về thải carbon, từ việc vận chuyển, đóng gói đến chế biến.
Do đó, tảo bẹ có nguồn gốc tại địa phương dễ dàng trở thành carbon âm hơn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ tảo bẹ có thể tạo động lực để khôi phục các rừng tảo bẹ rộng lớn đã bị phá hủy. Điều này còn tạo ra lợi ích môi trường vượt xa việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Sản phẩm từ vi khuẩn
Vi khuẩn oxy hóa mêtan là một nhóm vi khuẩn được tìm thấy trong một số môi trường khác nhau, chúng tiêu thụ mêtan để lấy năng lượng. Điều này rất hữu ích vì mê-tan là một loại khí nhà kính mạnh. Theo tính toán, mỗi kg mê-tan ủ nhiệt gấp 30 lần so với CO2 trong khoảng thời gian 100 năm.
Nếu chúng ta ăn những loại vi khuẩn này, chúng ta sẽ chuyển hóa chúng, giải phóng ra CO2. Do đó, việc ăn các sản phẩm có chứa những loại vi khuẩn này sẽ chuyển đổi một loại khí nhà kính mạnh (mê-tan) thành một loại khí có hiệu ứng nhà kính yếu hơn (CO2). Những loại vi khuẩn này cũng cần các chất dinh dưỡng khác, như nitơ và phốt pho. Thế nhưng, nghiên cứu cho thấy những loại vi khuẩn này có thể sử dụng các luồng chất thải giàu chất dinh dưỡng được tái chế, chẳng hạn như chất thải thực phẩm hoặc phân động vật, làm nguồn dinh dưỡng.
Các sản phẩm từ những loại vi khuẩn này - chẳng hạn như bột protein hoặc chất thay thế thịt - rất có khả năng là carbon âm. Vào năm 2023, Finnish Solar Foods đã tung ra một loại kem tại Singapore có chứa một loại protein được làm từ một loại vi khuẩn khác. Điều đó cho thấy rằng có chỗ đứng trên thị trường cho các sản phẩm thực phẩm từ vi khuẩn.
Quả việt quất và cần tây
Ở vùng đất than bùn ẩm ướt, carbon hữu cơ có thể tích tụ nhanh hơn tốc độ phân hủy. Một số sản phẩm có thể được trồng trên đất than bùn ẩm ướt, gồm quả việt quất, quả nam việt quất và cần tây. Do đó, thực phẩm được trồng theo cách này có khả năng phát thải carbon âm, nếu chuỗi cung ứng của chúng cũng được thực hiện thật hiệu quả về thải carbon.
Điều này thường không xảy ra đối với quả việt quất tươi, thường được đóng gói trong nhựa và được vận chuyển bằng đường hàng không trên khắp thế giới khiến chúng trở thành loại thực phẩm có hàm lượng carbon cực cao. Mặc dù có những sản phẩm đất than bùn phát thải carbon âm, nhưng chúng rất hiếm và khó nhận biết tại các cửa hàng hiện nay.
Các loại hạt, ô liu và cam quýt
Trồng cây cho hạt trên đất trồng trọt giúp lưu trữ carbon. Trong 20 năm qua, diện tích trồng cây cho hạt trên toàn cầu đã tăng gấp đôi và phần lớn sự mở rộng này diễn ra trên đất trồng trọt. Ngay cả khi tính đến toàn bộ chuỗi cung ứng, sản phẩm hạt thông thường mà bạn sẽ mua trong các cửa hàng hiện nay loại bỏ khoảng 1,3 kg CO2 trên mỗi kg.
Quá trình loại bỏ CO2 này kéo dài cho đến khi cây trưởng thành, thường là vào khoảng 20 năm tuổi. Nếu cây được sử dụng để làm ra các sản phẩm gỗ có tuổi thọ cao vào cuối vòng đời của chúng, lượng carbon này có thể được lưu trữ lâu hơn nhiều.
Thực phẩm canh tác tái tạo
Nhiều hoạt động tái tạo, chẳng hạn như không cày đất hoặc trồng hàng rào, có thể làm tăng lượng carbon được lưu trữ trong đất hoặc trong thảm thực vật. Ví dụ, công ty canh tác tái tạo Wildfarmed của Anh báo cáo rằng họ đã loại bỏ 1,5 kg CO2 cho mỗi kg lúa mì từ những hộ trồng trọt mà họ hợp tác sản xuất. Một số công ty có chuỗi cung ứng hiệu quả về carbon đã tuyên bố rằng họ đã biến sản phẩm của mình thành sản phẩm carbon âm. Ví dụ, Gipsy Hill Brewery ở London tuyên bố sản xuất bia carbon âm và đã thực hiện đánh giá vòng đời chặt chẽ để chứng minh điều này.
Tuy nhiên, đối với các loại thực phẩm phát thải nhiều, chẳng hạn như thịt bò, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các hoạt động tái tạo khó có thể đạt được mục tiêu carbon âm. Hơn nữa, một số hoạt động tái tạo có thể làm tăng lượng khí thải ở những nơi khác trong hệ thống thực phẩm. Ví dụ, một trang trại ở Argentina, nơi gia súc gặm cỏ thưa giữa các bụi cây, đã chứng nhận thịt bò của họ loại bỏ 0,3 kg CO2 trên mỗi kg. Để đạt được điều này, cần 500 m2 đồng cỏ và đất trồng trọt cho mỗi kg thịt bò. Nếu mỗi trang trại chăn nuôi bò sử dụng nhiều đất như vậy, chúng ta sẽ cần phải chuyển đổi thêm ba tỉ ha đất (ngang diện tích châu Phi) thành đất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu thịt bò hiện tại của chúng ta.
Nhu cầu về xác định carbon âm
Nhìn chung, rất khó để xác định các loại thực phẩm có lượng carbon âm ngày nay. Nhưng vấn đề này đang được giải quyết. Các chương trình giám sát và dán nhãn carbon khắt khe thường tính đến toàn bộ vòng đời của sản phẩm, đang được triển khai trên toàn thế giới. Ví dụ, tại New Zealand, các trang trại hiện cần định lượng lượng khí thải nhà kính của họ. Còn tại Pháp, chính phủ đang lên kế hoạch triển khai dán nhãn carbon trên toàn quốc. Khi các chương trình này được triển khai đầy đủ và được hỗ trợ bởi các quy định, mọi người sẽ dễ dàng xác định được thực phẩm có lượng carbon âm hơn.
Thực phẩm tiết kiệm đất
Mặc dù thực phẩm có lượng carbon âm có nhiều tiềm năng, nhưng chúng có thể chỉ chiếm một phần nhỏ trong chế độ ăn của chúng ta. Thực tế, ta không có đủ sản phẩm có tiềm năng carbon âm và các hoạt động tái tạo có lẽ không thể bù đắp cho các loại thực phẩm phát thải cao. Vì vậy, chúng ta cũng cần các chiến lược khác để giảm phát thải carbon.
Nếu chúng ta ngừng canh tác đất, đất có khả năng sẽ trở lại thành rừng hoặc đồng cỏ tự nhiên. Vì vậy, nếu bạn có thể sản xuất cùng một lượng thực phẩm với ít đất hơn, thì đất được giải phóng khỏi nông nghiệp có khả năng sẽ hấp thụ carbon.
Một cách để tiết kiệm đất là tăng năng suất: sản xuất nhiều hơn trên cùng một diện tích đất. Tuy nhiên, năng suất tăng giỏi lắm chỉ là vài phần trăm mỗi năm và tiết kiệm không đủ đất để tạo ra một sản phẩm carbon âm. Cần phải có tính toán khác hiệu quả hơn.
Một số sản phẩm sử dụng quá nhiều đất so với các sản phẩm thay thế, do đó việc hoán đổi chúng có thể tạo ra lượng khí thải âm. Điều này là do bằng cách tiết kiệm đất, bạn đang giải phóng đất để trồng cây xanh giúp hấp thụ carbon từ không khí. Ví dụ, trung bình, thịt bò sử dụng 100 m2 đất cho mỗi 100 đơn vị protein, trong khi các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như đậu hoặc đậu phụ sử dụng khoảng 5 m2 cho cùng một lượng protein.
Một phân tích cho thấy nếu tất cả chúng ta ngừng tiêu thụ động vật và chuyển hẳn sang dùng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chúng ta có thể trả lại 3,1 tỉ ha đất nông nghiệp cho rừng và đồng cỏ tự nhiên. Đây là con số bằng diện tích của Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Úc cộng lại.
Anh Tú