Tìm kiếm giải pháp mang lại lợi ích cho người lao động

Tìm kiếm giải pháp mang lại lợi ích cho người lao động
2 giờ trướcBài gốc
Nỗ lực thương lượng để tăng lương cho người lao động
LĐLĐ TP. HCM tặng quà cho công nhân, người lao động tại công trình trọng điểm thành phố. Ảnh: Chân Phúc
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam, thuộc Khu công nghệ cao TP HCM cho biết, mới đây, sau hơn 3 tháng trao đổi, thương lượng giữa Công đoàn và Ban Giám đốc công ty, hai bên đã thống nhất việc tăng lương cho toàn thể người lao động trong công ty.
Mức tăng áp dụng cho từng vị trí làm việc thấp nhất từ 300.000 đồng đến cao nhất là 773.000 đồng/người/tháng. Ngoài việc tăng lương cho gần 3.500 lao động của công ty, một số vị trí còn được tăng phụ cấp lương từ 60.000 đồng - 150.000 đồng/người/tháng. Điều đặc biệt là việc tăng lương, phụ cấp lương này được “hồi tố”, áp dụng từ ngày 1/7/2024.
Theo ông Lưu Kim Hồng, sau khi Nhà nước có quyết định tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, mặc dù mức lương cơ bản của công ty đã cao hơn mức 4,96 triệu đồng/tháng (mức lương tối thiểu vùng I), hằng năm công ty đã tăng lương cơ bản cho tất cả người lao động, nhưng tâm lý của người lao động vẫn muốn được tăng lương khi Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Nắm bắt tâm lý đó, Công đoàn cơ sở đã đề nghị thương lượng với công ty để tăng lương cơ bản cho người lao động. Sau hơn 3 tháng trao đổi, thương lượng qua lại, thậm chí có lúc khá căng thẳng, cuối cùng ban giám đốc công ty đã thống nhất với mức tăng lương, phụ cấp lương theo phương án của Công đoàn cơ sở đưa ra. Chưa hết, dù công ty có đề nghị phải bảo mật thông tin, nhưng Công đoàn cơ sở đã căn cứ theo các quy định của pháp luật, đề nghị công ty phải công khai thỏa thuận tăng lương và mức tăng để toàn thể người lao động của công ty được biết.
“Sau khi đã thống nhất mức tăng lương, phụ cấp lương, Công đoàn cơ sở cũng đã gửi thư tới toàn thể người lao động, trong đó nêu rõ, nếu chỉ tính mức tăng thấp nhất là 300.000 đồng/người/tháng thì với gần 3.500 người, hằng tháng công ty phải chi thêm hơn 1 tỉ đồng tiền lương. Trong khi đó, hiệu quả công việc, hiệu suất làm việc của chúng ta chưa tăng tương ứng để công ty được bù lại phần đó. Vì vậy, Công đoàn cơ sở mong toàn thể người lao động có cái nhìn hai chiều, cố gắng làm việc để công ty thấy, khi được tăng lương, người lao động cũng cố gắng làm việc. Chỉ cần mỗi người cố gắng một chút thì gần 3.500 người sẽ cho kết quả tốt hơn, đó là tiền đề để chúng tôi thương lượng cho những lần sau”, ông Hồng chia sẻ
Tìm kiếm lợi ích cho số đông đoàn viên
LĐLĐ Nha Trang trao phiếu khám sức khỏe định kỳ được hỗ trợ giá cho lao động nữ. Ảnh: Nguyễn Dũng
Chị Nguyễn Thu Hương, nhân viên một trường học trên địa bàn thành phố Nha Trang (Khánh Hóa) muốn tìm hiểu về chế độ liên quan đến công việc của mình nhưng không biết liên hệ ai, liên hệ các văn phòng luật thì chị lo ngại chi phí không đủ.
Cũng như chị Hương, nhiều đoàn viên, người lao động ở Nha Trang trước đây đều chung tâm tư đó. Thông qua những lần gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, ông Ngô Anh Duyệt, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nha Trang hiểu được “sự thiếu” này của đoàn viên, đồng thời bàn với Công đoàn thành phố chủ động kết nối với Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa để tìm phúc lợi cho đoàn viên.
Sau thời gian thỏa thuận, tháng 8/2024, LĐLĐ thành phố Nha Trang và Trung tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa ký kết chương trình phúc lợi giai đoạn 2024-2029 với nội dung lập tổ tư vấn pháp luật miễn phí hỗ trợ đoàn viên công đoàn Nha Trang, phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đoàn viên.
Theo lãnh đạo LĐLĐ thành phố Nha Trang, đây là 3 trong số 4 chương trình phúc lợi được Công đoàn chủ động tìm kiếm để mang lại lợi ích cho đông đảo đoàn viên trong năm 2024. Cùng với các chương trình phúc lợi đang triển khai, mỗi năm gần 14.700 đoàn viên trên địa bàn tỉnh đều sẽ được thụ hưởng ít nhất một quyền lợi mà Công đoàn mang lại từ các chương trình phúc lợi.
Tuệ Phương
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tim-kiem-giai-phap-mang-lai-loi-ich-cho-nguoi-lao-dong-10293585.html