Quan điểm đào tạo của HAGL & bầu Đức
Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) từng là CLB bất khả chiến bại ở giai đoạn 2003 và 2004. Đó là thời điểm mà tình yêu bóng đá của bầu Đức (Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức) được quy đổi bằng những bản hợp đồng bom tấn. Kiatisak Senamuang, Dusit Chalermsan hay những tuyển thủ quốc gia Việt Nam biến đội chủ sân Pleiku thành những nhà vô địch, với 2 lần đăng quang V.League lúc ấy.
HAGL nổi tiếng từ đó. Nhưng để thật sự chạm đến tình yêu của người hâm mộ, đội bóng này phải chờ sau 10 năm, với sự thay đổi ở hệ tư tưởng của bầu Đức cũng như một thế hệ cầu thủ có đức, có tài trình làng bản đồ bóng đá Việt Nam. Bước ngoặt trong suy nghĩ của bầu Đức đến từ 2 câu chuyện. Một là cuộc gặp gỡ HLV Arsene Wenger vào năm 2007 và hai là ngày tiền vệ Tăng Tuấn từ chối gia hạn hợp đồng với HAGL.
Tư tưởng lấy trẻ làm gốc của Wenger dẫn đến việc bầu Đức đốn hạ 5ha cao su để xây dựng nên Học viện Bóng đá HAGL - JMG, bắt đầu hình thành nên lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… như bây giờ. Và việc Tăng Tuấn không gia hạn với HAGL để theo tiếng gọi của Bình Dương khiến bầu Đức tạo nên câu nói nổi tiếng bậc nhất lịch sử V.League: "Cầu thủ ngày càng mất dạy".
Sau cơn phẫn nộ ấy, bầu Đức càng tập trung hơn vào lứa "gà nòi" của Học viện Bóng đá HAGL. Không chỉ chuyên môn bóng đá, ông muốn những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… phải là người có đạo đức, tri thức, biết cư xử đạo đức từ trong lẫn ngoài sân cỏ. Từ U19 Việt Nam giai đoạn 2013-2014, trình làng V.League 2015 cũng như tham gia các giải đấu thuộc các cấp độ ĐTQG, những cầu thủ HAGL đều đem đến thiện cảm từ người hâm mộ bằng một sự tử tế trong phong cách chơi bóng cũng như đối nhân xử thế.
Với bầu Đức, cầu thủ của ông có thể thua. Nhưng tuyệt đối, họ không thể hành xử thiếu văn minh và xấu xí trên sân cỏ. Cầu thủ của ông có thể là ngôi sao được mọi người yêu mến. Nhưng họ không được phép hợm hĩnh, thiếu lễ độ với cổ động viên. "Đá đẹp, thua cũng được" hay "Đá bậy, có thắng tôi cũng đâu thèm" có thể là biện minh của bầu Đức sau chuỗi trận không thành công trong nhiều mùa giải của HAGL. Nhưng chí ít, người hâm mộ đội bóng phố Núi vẫn yêu mến họ. Vì CLB này sở hữu những cầu thủ tử tế.
Hoàng Anh Gia Lai phải tìm lại bản ngã, nếu như muốn được người hâm mộ quay lại yêu quý.
Hành trình tìm lại
Một tờ báo ruột của Việt Nam từng khẳng định, HAGL hướng đến việc cố gắng tạo ra giá trị tốt đẹp, có ý nghĩa quan trọng để hình thành một phông văn hóa mới, góp phần thay đổi định kiến của khán giả về sự xấu xí từng gắn liền với cầu thủ Việt Nam như đá xấu, đá láo, hành vi phi thể thao, xúc phạm trọng tài...
Tư tưởng của bầu Đức thực sự làm nên một HAGL rất riêng, dù không có kết quả tốt qua các mùa ở V.League. Ngay cả khi những ngôi sao của khóa I - HAGL như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… từng bước ra đi, giá trị cốt lõi dựa trên triết lý của ông bầu cá tính vẫn đủ giúp HAGL được yêu mến từ người hâm mộ.
Song, giá trị ấy mờ nhạt ở nửa cuối mùa giải năm ngoái hay cả V.League năm nay. Thay vì một HAGL sẵn sàng cống hiến trên sân cỏ, sự thực dụng hướng đến kết quả thuận lợi lại là điều mà Ban huấn luyện đội bóng lựa chọn. Có thể, chiến lược ấy đã đem đến hiệu quả nhất định cho HAGL trên phương diện điểm số. Nhưng sự tranh cãi và mâu thuẫn trong nội hàm triết lý bóng đá tại đội bóng phố Núi hay tình cảm từ phái người hâm mộ cũng bắt đầu hiện diện.
Để rồi tại vòng đấu thứ 19, một hình ảnh không mấy đẹp đẽ xuất hiện ở HAGL. Trưởng đoàn và Giám đốc kỹ thuật xông vào phòng trọng tài để lăng mạ một tình huống mà vị vua áo đen đã quyết định đúng, trong việc không công nhận bàn thắng sai luật của đội chủ sân Pleiku. Fanpage của HAGL liên tục làm căng trên mạng xã hội, ngay cả khi dẫn chứng mà họ trích dẫn… chống lại chính quan điểm đưa ra. Người hâm mộ ngao ngán trước một HAGL ứng xử thiếu văn minh. Nhiều người trầm tư nhớ về một thuở HAGL tử tế, tạo được hình mẫu về chuẩn mực đạo đức cho các cầu thủ…
Chính cái tâm và cái tầm của bầu Đức từng góp phần lớn thắp lại tình yêu của người hâm mộ cả nước. Lứa Công Phượng liên tục được vị doanh nhân quê Bình Định căn dặn cấm đá láo, đá xấu hay có hành vi phản cảm với người hâm mộ…
Sau cùng, HAGL vẫn có những góc độ thành công riêng ở giai đoạn từ 2015 đến 2020, bất chấp việc họ trồi sụt trên bảng xếp hạng V.League. Bởi người hâm mộ nhìn thấy ở CLB này một bản sắc nhân văn. Đây cũng là nơi nuôi dưỡng nguồn hiền tài cho ĐTQG qua nhiều năm tháng. Song ở thời điểm hiện tại, đội bóng phố Núi lại đang đi trên dây, khi đánh mất một thứ giá trị mà không dễ có được trong ngày một, ngày hai.
Vun trồng thế hệ cầu thủ mẫu mực
Trong bức tranh ngả về màu xám tại HAGL hiện tại, đội bóng này ít nhất vẫn tìm được ánh sáng nơi cuối đường hầm. Bản ngã về việc tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ được cọ xát, thi đấu và trưởng thành vẫn còn hiện diện ở Pleiku. Đinh Quang Kiệt và Trần Gia Bảo là hai cầu thủ tuổi teen trình làng HAGL nói riêng và V.League nói chung.
Cả hai tuy còn trẻ nhưng lại duy trì được yếu tố cốt lõi của bầu Đức. Đó là đạo đức sân cỏ. Trung vệ Quang Kiệt ngoài sở hữu chiều cao 1m95 còn là mẫu cầu thủ ngoan ngoãn, chịu khó. Xuất phát điểm không phải cầu thủ giỏi nhưng Quang Kiệt bù đắp bằng sự cần cù, nỗ lực. Anh luôn tích cực theo dõi từng bài giảng của HLV trưởng, tiếp thu và trao đổi với các trợ lý. Ngay cả khi không được trao cơ hội thi đấu, Quang Kiệt vẫn đáp lại bằng ý thức chuyên nghiệp, kỷ luật.
Trần Gia Bảo cũng là một cầu thủ được đánh giá cao ở sự lễ phép, biết cách cư xử ngoài sân cỏ. Ở trên sân, cầu thủ điển trai tuân thủ từng yêu cầu của HLV trưởng. Dù chỉ là kép phụ và chỉ vào sân từ ghế dự bị nhưng Gia Bảo không vì thế mà chán nản, buông bỏ hay có thái độ thiếu chuyên nghiệp với HLV. Đổi lại, anh luôn tâm niệm phải chứng minh mình trên sân thi đấu, khi được trao cơ hội.
An Khánh