Tìm lời giải cho bài toán logistics

Tìm lời giải cho bài toán logistics
4 giờ trướcBài gốc
Logistics ĐBSCL yếu về hạ tầng, đó là sự thật được chỉ rõ. Ngoài ra, còn hạn chế bởi tính bị động của đơn vị quản lý và thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà. Cho nên, nhóm giải pháp được cho là quan trọng để “cởi trói” cho ngành logistics vùng đất Chín Rồng là phải cải cách thể chế chính sách thông thoáng hơn. Tỉnh Trà Vinh là một ví dụ điển hình cho thấy tính bị động của đơn vị quản lý và thủ tục hành chính rườm rà liên quan đến lĩnh vực logistics.
Tại ấp Nguyệt Lãng C, xã Bình Phú, huyện Càng Long có một kho lạnh “triệu đô” bỏ hoang sau 3 năm xây dựng. Đây là kho lạnh được Vương quốc Bỉ tài trợ cho tỉnh Trà Vinh với kinh phí 24 tỷ đồng, sức chứa 60 tấn, được gọi tên là “kho lạnh thông minh”. Dự án là “mô hình điểm” để Bộ Nông nghiệp và Môi trường (cũ) nghiên cứu triển khai ở các trung tâm logistics đặt tại khu vực cửa sông Hậu và cảng Cái Mép. Tuy nhiên, sau khi khánh thành vào tháng 3/2022 thì kho lạnh này vẫn chưa vận hành.
Kho lạnh triệu đô ở Trà Vinh đã khánh thành 3 năm vẫn chưa có doanh nghiệp đầu tư khai thác
Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết lý do: “Kho lạnh này chưa vận hành vì vướng thủ tục giấy tờ. Theo nguyên tắc, dù đây là dự án tài trợ nhưng để quản lý thì mình phải nhập vào tài sản công. Muốn nhập vào tài sản công được phải có hóa đơn, chứng từ để biết tài sản này trị giá bao nhiêu, nhưng đơn vị tài trợ họ không cung cấp cho mình hóa đơn chứng từ. Thời gian qua, chúng tôi đã thuê một đơn vị tư vấn độc lập để thẩm định giá, rồi nhập công trình dự án kho lạnh thông minh vào tài sản nhà nước. Sau đó, chúng tôi mới kêu gọi liên danh hợp tác để vận hành kho lạnh”.
Đến nay, kho lạnh này đã hoàn tất thủ tục “nhập kho” và đang kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư khai thác, tuy nhiên vẫn chưa có một đơn vị nào “xung phong”. Điều này đã cho thấy, bên cạnh điểm yếu về hạ tầng, dịch vụ thì logistics ở ĐBSCL còn hạn chế bởi tính bị động của đơn vị quản lý và thủ tục hành chính. Trong khi Vùng còn thiếu dịch vụ này thì Trà Vinh đã có nhưng lại để lãng phí suốt ba năm qua.
Từ ví dụ này cho thấy, muốn phát triển được lĩnh vực logistics thì địa phương phải hoàn thiện chính sách đất đai, xây dựng, đầu tư khuyến khích, ưu đãi cho doanh nghiệp logistics, đầu tư hạ tầng logistics. Tạo thuận lợi cho phát triển hệ thống kho bãi, trung tâm logistics. Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực logistics; khuyến khích đầu tư tư nhân, hình thức hợp tác công tư (PPP). Hoàn thiện các quy định về cơ chế, chính sách tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí… phù hợp với cơ chế thị trường để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng logistics.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký hiệp hội rau quả Việt Nam cũng cho biết, những hướng hỗ trợ mà nhà nước có thể vào cuộc để tạm thời giúp đỡ doanh nghiệp trong khi chờ đợi chuỗi dịch vụ logistics hoàn thiện ở vùng ĐBSCL.
“Logistics bao gồm nhiều thứ. Giao thông thì hiện nay nhà nước cũng đã xây dựng những đường cao tốc đi khắp nơi nhưng mà tốc độ vẫn còn chậm ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển nông sản đến các nhà máy. Rồi kho lạnh, xe lạnh hiện nay mình rất thiếu nhưng nếu nhà nước chưa đầu tư thì có thể cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi. Giảm thuế, vay vốn từ nước này để doanh nghiệp đầu tư cho các dụng cụ đó. Hoặc ưu đãi về đất đai cho các doanh nghiệp có chuỗi logistics để họ được hưởng và tính toán giảm giá thành sản phẩm xuống”, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm.
Giao thông đi trước mở đường, vùng ĐBSCL đang hoàn thiện các tuyến cao tốc để giúp thông thương hàng hóa.
Nhóm giải pháp về quy hoạch, đầu tư cũng là quan trọng. Logistics ở ĐBSCL hiện nay cần tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp các cảng, nhất là các cảng trung chuyển khu vực và thế giới; hạ tầng logistics, hệ thống kho thông minh, hiện đại, các trung tâm đầu mối logistics. Nâng cấp các luồng tuyến vận tải thủy nội địa, phát triển giao thông đường thủy nội địa kết nối với Campuchia và hệ thống cảng trong khu vực ĐBSCL, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh, Cái Mép - Thị Vải.
Bà Trương Thị Kim Liên, Giám đốc công ty Gemadept Cần Thơ, đơn vị thiết kế tàu cho tuyến mẫu thủy nội địa Cần Thơ – Cát Lái, một tuyến vận chuyển hữu ích cho hàng hóa ĐBSCL vươn khơi trong thời gian nhanh nhất và chi phí rẻ: “Luồng Chợ Gạo thì đang quá tải, chúng tôi đang nghiên cứu dùng sà lan SB cho đi tuyến Định An và xin Bộ GTVT nâng tải trọng tàu dưới 92m sẽ chạy ven biển mà không tốn tiền hoa tiêu vì hiện nay chi phí dầu rất cao. Thay vì hiện nay chúng ta đi tuyến hiện hữu từ Cần Thơ ra Cái Mép mất 32 tiếng thì đi tuyến Định An thời gian sẽ giảm xuống mười mấy tiếng đồng hồ, cắt giảm chi phí tại chỗ”.
Một trong những cơ hội thuận lợi để logistics ĐBSCL trở mình vươn lên mạnh mẽ là dựa vào Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến 2025, ĐBSCL tập trung phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp. Trong đó, 1 trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP. Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistic ở Hậu Giang – đây là trung tâm logistic của vùng. Xây dựng 7 trung tâm đầu mối có chức năng thu gom, phân loại, chế biến nông sản ở An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre. Chuẩn bị cho kế hoạch này, TP. Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản làm “đầu não” cho mạng lưới trung tâm logistics ở ĐBSCL để chi phí và dịch vụ logistics được tối ưu hóa.
Để logistics ĐBSCL phát triển, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực ngành, nhất là các chuyên gia logistics có năng lực ứng dụng và triển khai các thực hành quản trị logistics và chuỗi cung ứng theo kịp các nước công nghiệp phát triển.
“Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm (ICT, nhân lực... ); đồng thời chú trọng hạ tầng rất quan trọng là hạ tầng hàng không. Từ đó, có thể đưa những mặt hàng ở ĐBSCL để xuất khẩu trực tiếp, thay vì phải đổ về TP.HCM; đồng thời kết nối hạ tầng cho các tuyến luồng hàng hóa để phục vụ cho việc xuất nông sản ở khu vực này cũng như vấn đề nguồn nhân lực cũng như liên kết vùng”.
Giao thông thông thoáng là điều kiện “tiên quyết” giúp logistics hoạt động thuận lợi. Nếu cách đây 3 năm, ĐBSCL chỉ có vỏn vẹn 120km đường cao tốc thì nay con số này đã sắp nhân lên gấp đôi. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị quyết tâm hoàn thành 600km đường cao tốc ở ĐBSCL trong năm 2026. Ba trụ cột: vốn - mặt bằng - vật liệu thì tiền đã có đủ và mặt bằng đã sẵn sàng. Đến thời điểm hiện tại, ĐBSCL đã khai thác và thông xe được 200km cao tốc với quy mô 4 làn xe, gồm: các đoạn tuyến cao tốc: TP.HCM - Trung Lương; Trung Lương - Mỹ Thuận; Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước, gồm: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Viêc phát triển logistics trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay thì cần phải xây dựng được các trung tâm logistics lớn từ các doanh nghiệp logistics lớn, đủ tiềm lực để khép kín hệ sinh thái logistics. Mời được “ông lớn” về là một thử thách, nhưng tin rằng, với chính sách “cởi mở”, ĐBSCL sẽ đón dòng tiền đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bài viết cùng loạt bài "Phát triển ĐBSCL góc nhìn Logistics":
Bài 1 - Logistics của Đồng bằng sông Cửu Long khi cầu vượt cung
Bài 2 - Thực trạng logistics của Đồng bằng sông Cửu Long
Bài 3 - Tìm lời giải cho bài toán logistics
Kim Loan/VOV-Giao Thông
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/tim-loi-giai-cho-bai-toan-logistics-post1188368.vov