Tìm lối ra cho hàng trăm công sở, trường học, nhà văn hóa dôi dư

Tìm lối ra cho hàng trăm công sở, trường học, nhà văn hóa dôi dư
8 giờ trướcBài gốc
Thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Thanh Hóa sẽ giải thể 26 huyện, thị, thành phố. Số lượng các đơn vị trực thuộc huyện rất lớn. Cùng với đó, sáp nhập 547 xã, phường, thị trấn thành 166 đơn vị hành chính xã, phường mới.
Thanh Hóa có số lượng sáp nhập thôn, xã lớn nhất cả nước
Trước đó, Thanh Hóa được Trung ương ghi nhận, đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước trong thực hiện sáp nhập, tinh giản bộ máy. Đến thời điểm trước khi tinh giản, sắp xếp lại, toàn tỉnh đã giảm từ 5.971 thôn, tổ dân phố xuống còn 4.393 thôn, tổ dân phố (giảm 1.578 thôn, tổ dân phố); hoàn thành việc sáp nhập 143 xã thành 67 xã (giảm 76 xã).
Địa phương này cũng tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, truyền thanh - truyền hình, giảm từ 64 đầu mối xuống còn 27 đầu mối (giảm 37 đầu mối). Tiến hành sắp xếp lại các phòng và tương đương trực thuộc các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy từ 32 đầu mối xuống còn 25 đầu mối...
Công sở xã Quảng Phúc chưa xây dựng xong đã sáp nhập
Chính vì vậy, số lượng công sở, hội trường, trường học, nhà văn hóa thôn, điểm trường, trạm y tế… dôi dư vô cùng lớn. Việc các cơ quan chức năng thiếu quyết liệt và vướng nhiều quy định của pháp luật liên quan tới xử lý tài sản công nên quá trình chuyển đổi, sử dụng, bán đấu giá gặp khó khăn.
Qua rà soát, tới năm 2024 tỉnh có khoảng 1.200 cơ sở nhà đất không còn nhu cầu sử dụng. Các tài sản này chủ yếu là trụ sở UBND cấp xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn... Đến nay, tuy đã xử lý được phần lớn, nhưng vẫn còn gần 500 cơ sở chưa được sắp xếp triệt để.
Nhiều nhà văn hóa thôn bỏ hoang sau sáp nhập
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn khẩn trương rà soát, lập phương án sắp xếp lại và xử lý hàng trăm trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp đang bị bỏ không hoặc sử dụng kém hiệu quả sau các đợt sáp nhập hành chính.
Theo kế hoạch, các cơ quan, đơn vị có liên quan phải thực hiện kiểm tra thực trạng tài sản, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Toàn bộ quá trình này phải hoàn tất trước ngày 20/6/2025.
Rà soát, đánh giá lên phương án xử lý để tránh lãng phí
Những trường hợp đã báo cáo Bộ Tài chính thì tiến hành kiểm tra hiện trạng, xác lập phương án xử lý cụ thể. Riêng đối với những tài sản chưa báo cáo, các đơn vị phải khẩn trương lập danh sách, thực hiện theo đúng trình tự quy định.
Thanh tra tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả xử lý tài sản công của từng đơn vị. Các trường hợp vi phạm, chậm trễ hoặc không thực hiện đúng kế hoạch sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân theo quy định pháp luật.
Hàng trăm công sở dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính mới
Kể từ khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được sửa đổi và ban hành Nghị định số 03/2025/NĐ-CP của Chính phủ, các rào cản pháp lý cơ bản đã được tháo gỡ. Các địa phương có thêm thẩm quyền để xử lý tài sản công khi dôi dư.
Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương rà soát kỹ lưỡng các tài sản thuộc phạm vi quản lý. Trong đó, cần tập trung vào các trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, tránh tình trạng để hoang hóa kéo dài.
Từng phương án xử lý cụ thể cần được xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Thanh Phương
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/tim-loi-ra-cho-hang-tram-cong-so-truong-hoc-nha-van-hoa-doi-du-478549.html