Thông tin này được Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ với truyền thông trong nước.
Cụ thể theo bản cáo trạng được công bố tại Tòa án Liên bang ở Brooklyn (Hoa Kỳ), đơn vị này đã buộc tội Andean Medjedovic (22 tuổi, quốc tịch Canada) với các hành vi gian lận qua đường dây, tấn công máy tính, cố gắng tống tiền sau khi đánh cắp khoảng 65 triệu USD tài sản mã hóa từ hai giao thức tài chính phi tập trung (DeFi). Trong đó đánh cắp của dự án KyberSwap hơn 47 triệu USD và Indexed Finance hơn 16 triệu USD.
Medjedovic cũng bị cáo buộc rửa tiền từ số tài sản đánh cắp. Hiện tại, bị cáo vẫn đang lẩn trốn. Vụ án đang được xử lý bởi các đơn vị chuyên trách về tội phạm tài chính và an ninh mạng, với sự hỗ trợ từ các cơ quan thực thi pháp luật tại Hà Lan và các tổ chức quốc tế khác.
Đáng chú ý, KyberSwap là dự án blockchain do người Việt Nam sáng lập và làm chủ công nghệ. Công ty được thành lập năm 2017 bởi ông Lưu Lợi và Trần Huy Vũ. Giao thức Kyber Network phát triển các giải pháp tài chính phi tập trung (DeFi) nhằm cung cấp thanh khoản và giao dịch tài sản mã hóa.
Vào hồi tháng 11-2024, KyberSwap đã bị hacker tấn công vào sàn giao dịch thông qua cơ chế flash loan (vay chớp nhoáng). Thời điểm đó, giới công nghệ gọi đây là "cuộc tấn công phức tạp nhất trong lịch sự DeFi".
Trao đổi với PLO, ông Trần Huy Vũ, Giám đốc điều hành, đồng sáng lập của Kyber Network cho biết, việc xác định được đối tượng tấn công Kyber Elastic lấy đi 47 triệu USD đã bác bỏ tin đồn sai lệch gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng blockchain Việt Nam nói chung và danh tiếng Kyber nói riêng.
Ông Trần Huy Vũ, Giám đốc điều hành, đồng sáng lập của Kyber Network.
Người đứng đầu Kyber cũng cho biết ngay sau khi sự cố diễn ra, Kyber Network đã nỗ lực khắc phục sự cố. Tới nay Kyber đã hỗ trợ 100% các thiệt hại chính đáng của người dùng. Ông Vũ cũng gửi lời cảm ơn đến Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã phối hợp, hỗ trợ Kyber trong việc xử lý vụ tấn công này.
Ở góc độ Hiệp hội, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch VBA cho biết, sự cố của Kyber cũng là bài học để các doanh nghiệp công nghệ không ngừng cải tiến, đảm bảo an toàn cho hệ sinh thái tài chính phi tập trung. “Đây cũng là một ví dụ về khả năng thích ứng và kiên trì của các startup công nghệ Việt Nam trên thị trường quốc tế", ông Trung nhấn mạnh.
Vị chủ tịch VBA cũng cam kết, các chương trình truy vết hoạt động lừa đảo của hiệp hội như Chaintracer, Verichain, cùng Công ty TNHH Xã hội Chống lừa đảo và các kênh truyền thông cộng đồng sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các startup trong quá trình đảm bảo hoạt động minh bạch, an toàn và hiệu quả.
Thống kê của Triple-A, công ty thanh toán tiền mã hóa được cấp phép bởi Cơ quan Tiền tệ Singapore, Việt Nam có 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, xếp thứ 7 trên toàn cầu. Trong đó dòng vốn thị trường blockchain vào Việt Nam ước đạt 105 tỉ USD, với lợi nhuận gần 1,2 tỉ USD trong năm 2023.
Hiện nay Bộ Thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý đang soạn thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào quý II-2025.
Khi có luật, các vấn đề trong giao dịch, đầu tư, thừa kế... với tài sản số hợp pháp sẽ được bảo vệ. Các doanh nghiệp cũng tìm thấy cơ hội trong nền kinh tế số từ các công nghệ như AI, IoT, Blockchain...
HẠ QUYÊN