Nhờ khả năng quan sát vượt trội của các kính viễn vọng tối tân, ngày càng có nhiều siêu vật thể từ vũ trụ thuở "sơ sinh" đã phơi bày trước mắt người Trái Đất.
Trong đó, các thiên hà khổng lồ cổ đại phình ra như quả bóng bầu dục, hoàn toàn khác biệt so với dạng đĩa của các thiên hà ngày nay, đã khiến các nhà thiên văn học bối rối nhiều năm.
Nhưng nhóm nghiên cứu dẫn dầu bởi Đại học Southampton (Anh) vừa giải đáp được câu hỏi lâu đời này.
Thiên hà Antenna, một ví dụ về dạng thiên hà được tạo ra bởi một vụ va chạm và hợp nhất của 2 thiên hà trong vũ trụ - Ảnh: NASA/ESA
Theo đó, các mô hình do họ lập ra đã chỉ ra cơ chế giúp hình thành các siêu vật thể như quả bóng bầu dục kỳ lạ nói trên: Đó là các vụ va chạm khốc liệt, nhưng phải là va chạm trong một vũ trụ còn trẻ tuổi.
"Hai thiên hà đĩa va chạm vào nhau khiến khí - nhiên liệu hình thành nên các ngôi sao - chìm xuống tâm của chúng, tạo ra hàng ngàn tỉ ngôi sao mới" - TS Anna Puglisi, thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích.
Những vụ va chạm này chỉ có thể xảy ra cách đây khoảng 8-12 tỉ năm, khi vũ trụ đang trong giai đoạn tiến hóa năng động hơn ngày nay rất nhiều.
Luồng khí lạnh lớn được tạo ra do va chạm có thể đã thúc đẩy sự hình thành của một số hệ sao quái dị nhất bên trong thiên hà khổng lồ sau hợp nhất.
Để đi đến kết quả này, các nhà khoa học đã sử dụng một kỹ thuật mới để kiểm tra sự phân bố ánh sáng từ các thiên hà xa xôi và cực kỳ sáng.
Theo các tác giả, dữ liệu về các thiên hà đó là bằng chứng thực tế đầu tiên cho thấy các khối cầu hình thành trực tiếp thông qua các đợt hình thành sao dữ dội nằm ở lõi của các thiên hà.
Những thiên hà quái dị này cũng hình thành rất nhanh. Khí bị hút vào bên trong một cách cuồng nộ, nuôi lớn các lỗ đen và kích hoạt các vụ nổ sao, khiến quá trình hình thành sao nhanh hơn từ 10 đến 100 lần so với thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà).
Những siêu vật thể hình quả bóng bầu dục này đã không còn thấy trong vũ trụ ngày nay, vốn đã được 13,8 tỉ tuổi và bớt cuồng nộ hơn nhiều so với những năm đầu.
Theo Người lao động