Tìm sức sống mới cho di sản đô thị

Tìm sức sống mới cho di sản đô thị
3 giờ trướcBài gốc
Khai mở nhiều thú vị về di sản giữa lòng phố thị
Trong không khí rộn ràng chuẩn bị cho Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, những ngày này, câu chuyện của Nhà máy xe lửa Gia Lâm - di sản công nghiệp bị lãng quên chợt "bừng tỉnh" cùng thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 tiếp tục được nhắc nhớ cùng nhiều kỳ vọng cho một mùa lễ hội mới. Từ những công bố ban đầu của Ban tổ chức, nhiều di sản đô thị được nhắc nhớ, trong đó có nhiều công trình kiến trúc với những thông tin thú vị khiến không ít người ngỡ ngàng.
Phố Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền và khu vực lân cận sẽ trở thành điểm thu hút khách đến Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.
Giảng đường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ) là một điển hình. Tọa lạc tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, tòa nhà này tiền thân là Viện Đại học Đông Dương, hiện là một di tích văn hóa có giá trị kiến trúc trường học thuộc loại quý hiếm trong kho tàng kiến trúc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Sau 100 năm xây dựng, công trình vẫn giữ vẻ ngoài cổ điển. Nhiều hoa văn của công trình mang kiến trúc Đông Dương khi kết hợp kiến trúc kinh viện châu Âu với các thành phần kiến trúc và giải pháp bản địa để phù hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm nóng gió mùa và vật liệu, tay nghề thợ Việt Nam thời kỳ đó. Tại trung tâm giảng đường của trường có bức họa khổng lồ có kích thước 11x7m. Kết hợp với kiến trúc với những cây cột, mái vòm khống lồ, giảng đường gợi cảm giác như một thánh đường - nhưng đây là thánh đường của tri thức. Tác giả của bức họa khổng lồ này là họa sĩ Victor Tardieu, Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Mỹ thuật Đông Dương, cái nôi đào tạo ra hàng loạt nhân tài mỹ thuật cho đất nước. Bức họa có đến 200 nhân vật khác nhau, trong đó có chính... cha con họa sĩ. Trung tâm bức họa là cổng tam quan truyền thống quen thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nằm dưới một tán cổ thụ sum suê. Hai bên cổng là một đôi câu đối về sự học, dịch nghĩa là: "Nhân tài là nguyên khí quốc gia/Đại học là gốc của giáo hóa".
Nhà hát Lớn là một trong những biểu tượng của Hà Nội nhưng Ban tổ chức cho rằng không phải ai cũng biết nơi đây vốn là một đầm lầy. Để xây dựng được tòa nhà này, những người thợ xưa đã phải đóng tới 35.000 chiếc cọc tre. Nhiều nguyên vật liệu khi xây dựng phải nhập khẩu từ Pháp sang. Nếu giảng đường Đại học Đông Dương tạo cảm giác như một thánh đường thì nội thất bên trong Nhà hát Lớn lộng lẫy như một cung điện châu Âu. Nằm ngay sau Nhà hát Lớn là Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, xưa kia là Viện Viễn Đông Bác Cổ. Tại công trình này, những yếu tố kiến trúc, mỹ thuật phương Đông được sử dụng đậm nét, thường tạo cảm giác thân quen ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đây cũng là năm đầu tiên, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ) trở thành địa điểm tổ chức Lễ hội. Công trình này từng là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ và cũng là một di tích lịch sử đặc biệt, gắn liền với Cách mạng Tháng Tám thành công tại Hà Nội, là nơi Bác Hồ từng sống và làm việc. Dấu ấn lịch sử độc đáo và bi tráng của di tích này lưu giữ qua những "vết sẹo" lồi lõm tại hàng rào sắt của tòa nhà, có những thanh sắt bị xuyên thủng còn găm những mẩu kim loại… Việc đưa các di sản đô thị này vào lễ hội năm nay còn được gửi gắm nhiều kỳ vọng về việc tạo sức sống mới cho di sản đô thị, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là kinh tế sáng tạo của Thủ đô.
Huy động cộng đồng, khơi dậy tinh thần sáng tạo để phát triển đô thị
Chia sẻ quanh câu chuyện này, TS.KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, với một đô thị có giàu truyền thống văn hóa như Hà Nội, hệ thống di sản đô thị đang hiện hữu rộng khắp, trong đó có các biệt thự cổ, công trình cổ, khu phố Pháp. Đây là nguồn lực vô cùng phong phú để có thể khai thác, phát huy không chỉ phục vụ công tác bảo tồn di sản mà có thể thu lại nguồn lợi từ chính lợi thế. Trong đó, Hoàn Kiếm là quận lõi của nội đô trong lịch sử, có các khu vực đô thị di sản rất đặc trưng. Khu vực hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt, khu phố cổ cũng là di tích quốc gia, khu phố cũ có nhiều công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ XX, trong đó có rất nhiều công trình có giá trị kiến trúc tiêu biểu. Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức. Đây là lợi thế để Thủ đô phát huy giá trị di sản, góp phần phát triển kinh tế sáng tạo, đóng góp ngày càng nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị, sáng tạo nhiều sản phẩm giàu tính ứng dụng trong cuộc sống, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân. Cùng với Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, năm 2024 cũng là năm Hoàn Kiếm kỷ niệm 20 năm phố cổ Hà Nội xếp hạng quốc gia, hơn 20 năm khai trương tuyến phố đi bộ đầu tiên là Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân gắn với chợ Đồng Xuân. Đây là dấu mốc quan trọng trong hành trình bảo tồn, giữ gìn và khơi nguồn tài nguyên di sản của địa phương, trong đó có di sản đô thị. Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Long cũng cho rằng, để thành công được như hiện nay, kinh nghiệm quan trọng rút ra là phải có sự đồng hành của người dân trong từng hoạt động, từng khu vực triển khai các hoạt động và phải luôn kết nối thật tốt giữa nhà sản xuất, nhà thiết kế, nhà kinh doanh…
Khẳng định sự cần thiết trong khai thác, "đánh thức" các di sản trong lòng đô thị gắn với sự phát triển kinh tế sáng tạo như là một điển hình mà nhiều nơi theo đuổi, TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, Hà Nội với bề dày truyền thống văn hóa, hệ thống di sản dày đặc thì hành trình này còn rất dài, rất rộng. Những sự kiện như là Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã kết nối quá khứ và hiện tại, là cách làm sống lại di sản. Đây là cơ hội rất lớn với cộng đồng người yêu Hà Nội để cùng thành phố phát triển với nhiều sáng tạo hơn nữa. Qua đó, tinh thần sáng tạo được khơi dậy từ trong chính mỗi người, đánh thức những cảm xúc mới, khát vọng, mong muốn sáng tạo và là cơ hội để những sáng tạo có thể là nhỏ bé nhưng có thể phát triển tiếp thành những điều rất mới, rất thú vị, rất độc đáo.
Hoa Nguyễn
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/van-hoa/tim-suc-song-moi-cho-di-san-do-thi-i748943/