Ngày 17/4, một nhóm nhà thiên văn học quốc tế đã phát hiện dấu hiệu hóa học trong bầu khí quyển của ngoại hành tinh K2-18b nhờ dữ liệu từ Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST).
Phát hiện này được đánh giá là chỉ dấu sinh học tiềm năng rõ rệt nhất từng ghi nhận ngoài hệ Mặt trời, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.
Phân tích quang phổ cho thấy sự hiện diện của hai hợp chất hữu cơ dimethyl sulfide (DMS) và dimethyl disulfide (DMDS) - các phân tử trên Trái Đất chỉ được tạo ra thông qua hoạt động sinh học, chủ yếu từ vi sinh vật biển như phiêu sinh thực vật. Đây là lần đầu tiên những hợp chất này được phát hiện với độ tin cậy cao trong khí quyển của một ngoại hành tinh.
Các nhà khoa học sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb đã thu được những dấu hiệu sự sống mạnh mẽ nhất từ trước đến nay trong khí quyển của một hành tinh ngoài hệ Mặt trời, cách Trái đất khoảng 124 năm ánh sáng.
Nhà vật lý thiên văn Nikku Madhusudhan thuộc Đại học Cambridge, tác giả chính của nghiên cứu đăng trên tạp chí Astrophysical Journal Letters, cho biết xác suất thống kê phát hiện hai hợp chất DMS và DMDS trong khí quyển K2-18b lên tới 99,7%. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần tiếp tục các quan sát lặp lại và phân tích độc lập để xác thực tín hiệu, đồng thời loại trừ khả năng các hợp chất này được hình thành từ những cơ chế hóa học không liên quan đến hoạt động sinh học.
Theo ông Madhusudhan, nồng độ DMS và DMDS phát hiện trên K2-18b cao hơn hàng nghìn lần so với Trái Đất và hiện chưa có mô hình phi sinh học nào lý giải được sự hiện diện của chúng trong điều kiện khí quyển như vậy.
Dữ liệu được JWST thu thập thông qua kỹ thuật quang phổ truyền qua - phương pháp phân tích sự thay đổi của phổ ánh sáng khi hành tinh di chuyển qua phía trước ngôi sao chủ theo góc nhìn từ Trái Đất. Các thiết bị NIRISS và NIRSpec trên kính viễn vọng đã ghi nhận các tín hiệu đặc trưng cho sự hiện diện của các phân tử như methane, carbon dioxide và DMS trong bầu khí quyển của hành tinh.
K2-18b thuộc nhóm hành tinh "sub-Neptune", tức là có kích thước lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn Sao Hải Vương. Đây là loại hành tinh ngoài hệ Mặt trời được phát hiện phổ biến nhất kể từ thập niên 1990.
Ông Nikku Madhusudhan cho rằng việc phát hiện dấu hiệu sinh học trên K2-18b là một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực sinh học vũ trụ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc xác định sự sống ngoài Trái Đất cần dựa trên bằng chứng nhất quán, được lặp lại và kiểm chứng bởi các thiết bị cũng như mô hình khoa học độc lập.
N.L (Tổng hợp)