Loài khủng long mới có tên gọi Ahvaytum bahndooiveche. Đây là hóa thạch khủng long cổ nhất từng được tìm thấy tại Bắc Mỹ cho tới hiện nay. Cac chuyên gia xác định mẫu hóa thạch này có niên đại 230 triệu tuổi. Đây cũng là một trong những loài khủng long xuất hiện sớm nhất trên Trái đất. Khám phá mới đã giúp giới khoa học thay đổi hiểu biết về cách loài khủng long phân bố trên toàn cầu.
Với chiều cao chỉ khoảng 30cm và chiều dài từ đầu tới đuôi 90 cm, loài khủng long A. bahndooiveche có kích thước tương đương một con gà. Chúng có thể là tổ tiên xa xưa của những sinh vật lớn nhất từng đi lang thang trên Trái đất.
Việc phát hiện loài khủng long A. bahndooiveche đã khiến giới nghiên cứu "sốc" bởi trước đó họ cho rằng không có loài khủng long nào tồn tại ở Bắc Bán Cầu vào khoảng 230 triệu năm trước.
Ảnh: Gabriel Ugueto.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy phần còn lại của nhiều cá thể khủng long A. bahndooiveche tại Popo Agie Formation ở Wyoming, Mỹ. Những hóa thạch chủ yếu gồm xương chân. Kết quả kiểm tra niên đại cho thấy chúng sống trong kỷ Trias (251,9 triệu đến 201,3 triệu năm trước).
Theo nghiên cứu mới công bố, A. bahndooiveche có khả năng là loài khủng long Silesaurid với chiều cao khoảng 0,3m và dài từ đầu đến đuôi là 0,9m. Đó là kích thước trưởng thành của loài này. "Về cơ bản, A. bahndooiveche có kích thước tương đương một con gà nhưng đuôi rất dài", David Lovelace, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Wisconsin-Madison, người đứng đầu nghiên cứu, chia sẻ.
Hình dạng của xương chân cho thấy A. bahndooiveche là tổ tiên cực xa của sauropod - một nhóm khủng long cổ dài khổng lồ, ví dụ như Brachiosaurus hay Diplodocus, có khả năng xuất hiện vào khoảng 50 triệu năm sau đó.
"Chúng ta thường nghĩ về khủng long là những sinh vật khổng lồ nhưng thực tế, chúng có khởi đầu rất khiêm tốn", nhà khảo cổ Lovelace cho hay.
Khủng long lần đầu xuất hiện ở Gondwana, phần phía Nam của siêu lục địa Pangea (bao gồm Nam Cực, Nam Mỹ, Châu Phi, Australia và một số vùng của Châu Á). Tuy nhiên, đến nay, hồ sơ hóa thạch cho thấy phải mất tới 10 triệu năm để loài khủng long di chuyển lên phía Bắc của Pangea, được gọi là Laurasiam, nơi đã bị chia tách thành Bắc Mỹ, Greenland, Châu Âu và phần còn lại của châu Á.
Tuy nhiên, hóa thạch của A. bahndooiveche mới phát hiện ít hơn khoảng 3 triệu tuổi so với loài khủng long Gondawanan lâu đời nhất. Hiện các chuyên gia chưa thể lý giải vì sao khủng long xuất hiện ở Laurasia sớm như vậy.
Một giả thuyết cho rằng, giai đoạn khí hậu ẩm ướt bất thường, gọi là giai đoạn mưa lớn Carnian từ 234 đến 232 triệu năm trước, có thể đã tạo điều kiện thuận lợi giúp loài khủng long dễ dàng vượt qua các sa mạc xung quanh đường xích đạo của Trái đất.
Mời độc giả xem video: Argentina: Phát hiện hóa thạch loài khủng long mới. Nguồn: THĐT1.
Tâm Anh (theo Livescience)
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tim-thay-hoa-thach-khung-long-230-trieu-tuoi-lich-su-phai-viet-lai-2072366.html