Ảnh minh họa.
Tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”, ngày 18/12, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước là một chủ trương lớn, được Đảng và Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo sâu sát.
BẮT ĐẦU KHAN HIẾM NGUỒN LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết Bộ cũng xuyên suốt tham mưu về chính sách, đề xuất những nội dung quan trọng trong vấn đề hợp tác lao động quốc tế. Đến thời điểm hiện nay, một trong những thành công dễ nhận thấy nhất là đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với công việc trong nước, góp phần tích lũy, cải thiện đời sống của bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó, người lao động còn được nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công việc, trình độ ngoại ngữ…
Ngoài những thị trường truyền thống đang ổn định, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu như: Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Ba Lan, Nga, Cộng hòa Czech, Phần Lan...
“Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương, đất nước, quảng bá hình ảnh và những giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.
Nhiều người khi về nước tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hoàng Triều.
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đang gặp khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng, vì nguồn lao động bắt đầu khan hiếm. Bên cạnh đó, các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng có những thay đổi trong chính sách thu hút lao động nước ngoài.
“Tôi vừa đi Nhật Bản về và các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chia sẻ là đang gặp khó khăn về nguồn lao động đến từ Việt Nam. Số lượng tuy có tăng nhưng so với nhu cầu hiện nay của Nhật Bản thì còn thiếu rất nhiều”, ông Hoan nói, và giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước tìm giải pháp trong vấn đề này, để vừa nâng chất lượng, vừa nâng số lượng đáp ứng nhu cầu của các thị trường.
Hiện có khoảng 450 doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, dự kiến sắp tới con số này có thể tăng lên 500, vì thị trường đang rộng mở.
Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là nhiều doanh nghiệp không có giấy phép, không có chức năng phái cử lao động nhưng vẫn quảng cáo tuyển dụng, nhận hồ sơ, thậm chí nhận tiền của người lao động, song không thực hiện hợp đồng mà chuyển cho các đơn vị có chức năng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, việc này làm cho thị trường nhiễu loạn, ảnh hưởng an ninh trật tự, và làm tăng mức chi phí cho người lao động khi có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc. “Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các cấp chính quyền rà soát để thanh kiểm tra, và giao các cơ quan xử lý”, Thứ trưởng thông tin.
SẼ LOẠI BỎ TIẾP NHỮNG CHI PHÍ KHÔNG HỢP LÝ
Theo đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc nhiều doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, như thông tin về lương không chính xác, làm người lao động ảo tưởng thu nhập cao. Hoặc quảng cáo thời gian đào tạo ngắn, ngoại ngữ không cần, song Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định không có việc giản đơn, lương cao mà đào tạo ngắn.
Ông nhấn mạnh đào tạo người Việt Nam ra làm việc ở nước ngoài bên cạnh ngoại ngữ, thì cần đào tạo vị thế của người lao động. Từ đó, vai trò của doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước cần cung cấp đủ thông tin về đối tác, môi trường làm việc, thu nhập cho người lao động.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ giám sát để loại bỏ những hoạt động không lành mạnh, loại bỏ những chi phí không hợp lý. Chúng ta phải cố gắng để người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc sẽ nhẹ nhàng khi có kiến thức, có vị thế, sẽ làm việc trong môi trường tốt nhất, thu nhập ổn nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho hay.
Với kinh nghiệm của đơn vị nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng Giám đốc Esuhai Group, cho biết từ thực tiễn tại doanh nghiệp, ông nhận thấy người lao động đi làm việc ở nước ngoài được chia thành 2 nhóm.
Nhóm thứ nhất là có nhu cầu đi làm việc trong một thời gian ngắn hạn, mong muốn sớm có việc làm, thu nhập. Nhóm này thường bị hạn chế trong việc học tập, đào tạo trước khi đi.
Nhóm thứ hai có nhu cầu, định hướng rõ ràng, đó là mong muốn đi nước ngoài học tập, sau đó trở về nước phát triển sự nghiệp bản thân. Tuy nhiên, số lượng người đi theo nhóm này khá hạn chế, sắp tới cần tăng lên.
Nắm bắt được nhu cầu đó, đơn vị đã có định hướng rõ ràng ngay từ đầu là không chỉ dừng lại ở đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài làm việc, mà thông qua đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
“Việc ra nước ngoài làm việc không phải là mục tiêu cuối cùng, mà chỉ là bước đệm để họ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và phát triển bản thân. Sau khi trở về, những kỹ năng và giá trị mà họ tích lũy được sẽ là hành trang quý báu để đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, ông Nguyễn Xuân Lanh chia sẻ.
Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước. Ảnh: Hoàng Triều.
Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cũng cho rằng để nâng cao chất lượng, chính bản thân người lao động phải có chất lượng cao. Các hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho người lao động phải tốt. Còn Nhà nước cần đảm bảo môi trường lành mạnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Về công tác tìm kiếm, phát triển các thị trường mới, ông Hương cho biết ngoài các thị trường truyền thống, đầu năm 2024, Việt Nam đã ký với Cộng hòa Liên bang Đức.
Hiện đang đàm phán với Hy Lạp, Phần Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha và các nước châu Âu… Riêng về thị trường Australia, đầu năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có ký kết để đưa người lao động sang làm nông nghiệp, với khoảng 1.000 người.
Nhật Dương