'Tìm xác: Ma không đầu' - chất lượng thảm họa, thông điệp phản cảm

'Tìm xác: Ma không đầu' - chất lượng thảm họa, thông điệp phản cảm
5 giờ trướcBài gốc
Genre: Kinh dị, Hài hước
Director: Bùi Văn Hải
Cast: Tiến Luật, Hồng Vân, Ngô Kiến Huy...
Rating: 3/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim.
Phim kinh dị thành công nếu khiến người xem sợ hãi, thậm chí ám ảnh khi chứng kiến tấn bi kịch trước mắt, để rồi ngay sau đó, những nỗi trăn trở về thông điệp đằng sau nỗi sợ níu giữ tâm trí họ khi bộ phim khép lại. Ở chiều ngược lại, chúng được coi như thất bại nếu để thượng đế rời rạp trong cảm giác ức chế, mệt mỏi hay trống rỗng vì nhàm chán, “chẳng có cảm xúc nào đáng kể”.
Tìm xác: Ma không đầu thuộc vế thứ hai. Phim tựa như nồi lẩu thập cẩm mà ở đó, những nguyên liệu kinh dị, tâm lý và hài hước hòa trộn bất chấp, không cần công thức, cũng chẳng có sự tinh tế của người chế biến.
Hình dung về trải nghiệm thưởng thức Tìm xác: Ma không đầu gói gọn trong từ “khó xem”. Theo đúng nghĩa đen, những thước phim tăm tối thái quá của nó khiến khán giả phải căng mắt, nếu muốn bắt kịp những gì đang diễn ra trên màn ảnh. Điều “dễ thấy” duy nhất ở phim, đáng buồn lại là những lỗ hổng trầm trọng trong kịch bản, cùng thứ thông điệp lệch lạc mà nó truyền tải.
Ngôn ngữ kể chuyện kém hấp dẫn
Câu chuyện Tìm xác: Ma không đầu theo chân bộ đôi Tiến (Tiến Luật) và Thành (Ngô Kiến Huy). Cả hai nhận nhiệm vụ đi chở một thi thể không nguyên vẹn về bệnh viện khám nghiệm. Trên đường đi, máu từ tử thi bất ngờ văng lên áo của Tiến.
Anh không ngờ rằng, sự cố này sẽ đẩy mình cùng người mẹ già lú lẫn (Hồng Vân) rơi vào bi kịch. Tại căn nhà nhỏ nơi hai mẹ con sống, nhiều hiện tượng kỳ dị liên tục xảy ra. Ban đầu, Tiến chẳng để tâm, nhưng mọi chuyện ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Tạo hình của Ngô Kiến Huy và Tiến Luật trong phim.
Ngồi trên ghế đạo diễn Tìm xác: Ma không đầu là Bùi Văn Hải - từng là đạo diễn hành động Lật mặt 5 của Lý Hải. Bộ phim mới nhất của anh thuộc vũ trụ linh dị ngũ hành, nối tiếp những cái tên có thành tích phòng vé ấn tượng trước đó như Ma daQuỷ nhập tràng.
Theo ê-kíp, tác phẩm dựa trên vụ án có thật, xảy ra năm 1987 tại chính gia đình của Bùi Văn Hải. Anh đưa câu chuyện này lên màn ảnh rộng với mong muốn tạo nên những thước phim kinh dị, song vẫn đầy tính nhân văn.
Ý tưởng này không tồi, nhất là trong bối cảnh khán giả nội địa đang có xu hướng săn tìm những kịch bản mới. Việc làm phim kinh dị “dựa trên sự kiện có thật” cũng từng là hướng đi đầy màu sắc mà nhiều nền điện ảnh khu vực một thời theo đuổi, điển hình như Hàn Quốc hay Malaysia, Thái Lan…
Thế nhưng, ý tưởng trên trang giấy và thành phẩm trên màn ảnh thực tế là hai câu chuyện hoàn toàn khác. Trải nghiệm thưởng thức phim chưa đánh thức được sự hứng thú của người xem, phần nhiều do ngôn ngữ kể chuyện kém hấp dẫn: kinh dị không gây sợ, mà hài hước cũng khó làm khán giả bật cười.
Thành là một anh chàng “thỏ đế”, hễ nghe thấy ma quỷ lại sợ mất mật. Nhân vật nhiều lần bị hù dọa tới ám ảnh, thậm chí muốn bỏ nghề. Tuyến truyện của Thành chủ yếu mang màu sắc giải trí, cố chọc cười người xem trước những màn sợ hãi đến nôn thốc nôn tháo của nhân vật.
Song, những cảnh này bị dàn dựng lố, mang sắc thái sân khấu kịch hơn là điện ảnh. Hành động hay phản ứng tâm lý của Thành đầy mâu thuẫn, khi dù miệng liên tục tự nhận sợ ma, anh vẫn nhiều lần “hồn nhiên” tự đẩy mình vào thế cô lập, hay thấy hiện tượng lạ còn cố ý nán lại khám phá.
Những sắp đặt như vậy khiến cảnh chọc cười không còn hiệu quả, một mặt do ý tưởng đã cũ, mặt khác lại thiếu tự nhiên.
Còn về phía Tiến, vốn chẳng tin vào tâm linh, thế nhưng những hiện tượng ma quỷ cứ liên tục quấy phá anh cùng mẹ già. Nhân vật buộc phải dấn thân khám phá bí ẩn phía sau thi thể kỳ lạ. Muốn yên ổn, Tiến phải đi tìm các bộ phận thất lạc của cái xác.
Phim chìm trong một màu tối đen.
Miếng hài đã “lạc quẻ”, màu sắc kinh dị của Tìm xác: Ma không đầu cũng gây thất vọng. Tác phẩm tạo dựng bầu không khí rùng rợn bằng một màu phim tối đen, nhiều cảnh trong rừng hay thậm chí cả nhà xác đều thiếu sáng đến mức gây ức chế thị giác, khiến khán giả gặp khó khăn khi theo dõi câu chuyện đang diễn ra trên màn ảnh rộng, từ bối cảnh tới hành động, biểu cảm của nhân vật.
Các chất liệu kinh dị cũng cũ kỹ tới khó tin. Khi nhiều tác phẩm kinh dị hiện đại đã theo đuổi thủ pháp kể chuyện lẫn cách tiếp cận khán giả mới lạ, ví như việc khai thác đa dạng các nỗi ám ảnh tâm lý, “bẻ gãy kỳ vọng” bằng cách tước quyền kiểm soát nỗi sợ của thượng đế rạp chiếu bóng, thì bộ phim của Bùi Văn Hải vẫn như mắc kẹt ở nhiều thập niên về trước với bóng ma thoắt ẩn thoắt hiện, nhạc nền ma quái kèm âm thanh rên rỉ “giúp tôi với, tôi chết thảm lắm” rất gượng gạo.
Thông điệp lệch lạc, đổ lỗi cho nạn nhân
Tìm xác: Ma không đầu mở ra bằng cảnh quay kỳ quặc, khi giữa đêm khuya thanh vắng, một người đàn ông chạy xe giữa rừng chợt thấy hình bóng của người phụ nữ trẻ. Lần theo âm thanh mời gọi, gã tưởng sẽ có một đêm hoan lạc, ngờ đâu lại phát hiện cái xác không đầu. Chuyện phim kể từ đó theo chân bộ đôi Tiến và Thành vướng vào rắc rối khi nhận nhiệm vụ chở xác.
Xuyên suốt phim, Thành xuất hiện trong những cảnh bị ma hù dọa. Trong khi Tiến cùng mẹ già liên tục bị hành hạ bởi những cơn ác mộng không lối thoát. Những người xem tinh ý, đặc biệt là “mọt” phim kinh dị, đều có thể dễ dàng nhận ra chẳng ngẫu nhiên mà Thành và bà mẹ là “mục tiêu”. Ngay từ đầu phim, câu hỏi lớn nhất đặt ra là mối liên hệ thật sự giữa cả hai và cái xác.
Đây cũng là đường dây hấp dẫn sự chú ý nhất trong câu chuyện Tìm xác: Ma không đầu. Song, đội ngũ biên kịch dường như đã bỏ rơi nó, thay vào đó lại lạc lối trong những cảnh hù dọa giả tạo. Hành trình tìm xác của Tiến hiện lên rất một màu. Nhân vật có động cơ, nhưng phát triển cảm xúc lại mâu thuẫn, gượng gạo.
Thông thường, đường dây tâm lý nhân vật trong một kịch bản kinh dị phải trải qua đủ cung bậc từ ngờ vực, sợ hãi, hoảng loạn, chối bỏ, tuyệt vọng, chấp nhận cho tới phản kháng, gục ngã và lại tiếp tục đấu tranh. Còn ở Tìm xác: Ma không đầu, nửa già phim trôi qua, tâm lý nhân vật vẫn quanh quẩn ở nấc thang ngờ vực, chối bỏ.
Tiếp đó, các giai đoạn tìm xác cũng lặp lại theo một kiểu mẫu: bế tắc, bị ma quỷ dọa sợ rồi lại “tình cờ” phát hiện. Thậm chí, có những nhân vật chẳng biết từ đâu xuất hiện, chỉ để gỡ rối cho hành trình tìm kiếm của nam chính.
Hồng Vân vào vai bà mẹ già lú lẫn.
Mớ hỗn độn này cứ thế tiếp diễn cho tới cuối phim, khi sự thật về cái xác và hai mẹ con Tiến bị lột trần. Biên kịch chủ ý xây dựng nhiều khoảnh khắc tôn vinh tình mẫu tử giữa nghịch cảnh. Nỗ lực này đáng trân trọng, dù cách thực hiện còn mùi mẫn, dài dòng. Thế nhưng, ý tưởng cuối cùng hoàn toàn sụp đổ vì sai lầm của đạo diễn, khi vén màn bí mật bằng hồi tưởng.
Hàng loạt cảnh flashback cuối phim giải thích nguyên nhân cái chết của nạn nhân. Kệch cỡm ở chỗ, phim cố gắng nhấn mạnh cô là người thực dụng, thậm chí hỗn láo nên mới bị sát hại. Chưa dừng ở đó, những thước phim kèm nhạc có lời tri ân tình mẹ con đặt ra câu hỏi lớn về thông điệp của tác phẩm. Chẳng có bài học nào được rút ra, khi nạn nhân bị đổ lỗi còn kẻ thủ ác lại được tôn vinh như người lập công.
Thay vì khép lại bằng sự hối hận muộn màng của kẻ thủ ác, điều Tìm xác: Ma không đầu cho thấy chỉ là kết cục trả giá một cách gượng ép, hoán đổi vị trí nạn nhân và thủ phạm - một cách truyền tải thông điệp rất lệch lạc.
Giữa một kịch bản thảm họa, Tiến Luật không tìm được đất tỏa sáng. Anh chỉ dừng lại ở mức tròn vai, tái hiện được tình cảm của người con với mẹ. Trong khi, những cảnh sợ hãi, ám ảnh, hay chuyển biến cảm xúc khi bị ma nhập của nam diễn viên còn rất kịch, chưa thuyết phục.
Tương tự, Hồng Vân cũng không có khoảnh khắc bùng nổ gây ấn tượng, dù nhân vật có vai trò then chốt ở nhiều nút thắt câu chuyện. Điểm sáng hiếm hoi là tương tác gần gũi giữa hai mẹ con, mang lại một số khoảnh khắc lắng đọng nhẹ nhàng giữa một câu chuyện lan man, thảm họa và đáng quên.
Tống Khang
Nguồn Znews : https://znews.vn/tim-xac-ma-khong-dau-chat-luong-tham-hoa-thong-diep-phan-cam-post1547258.html