Tin ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI; cảnh báo thời tiết nguy hiểm và các chỉ đạo ứng phó

Tin ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI; cảnh báo thời tiết nguy hiểm và các chỉ đạo ứng phó
một giờ trướcBài gốc
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay (21/10), ở khu vực phía Đông Philippines có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động.
Hồi 16 giờ ngày 21/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 131,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 1300km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 16 giờ ngày 22/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 127,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Philippines.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-75km/giờ), giật cấp 11. Sóng biển cao từ 3.0-4.0m.
Dự báo khoảng ngày 25/10, bão có khả năng di chuyển vào Biển Đông.
Từ khoảng chiều và đêm 24/10, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông (phía Đông kinh tuyến 118,5 độ Kinh Đông) có gió mạnh dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh, sóng cao từ 3.0-5.0m, mưa dông kèm theo lốc xoáy nguy hiểm.
TIN KHÔNG KHÍ LẠNH
Hiện nay (22/10), bộ phận không khí lạnh đã báo đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc cấp 4.
Dự báo diễn biến không khí lạnh trong 24 giờ đến 48 giờ tới:
Trên đất liền: khoảng chiều tối và tối ngày 22/10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi phía Bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.
Trong đợt không khí lạnh này ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An trời mát. Từ đêm 23/10, đêm và sáng trời lạnh, riêng vùng núi Bắc Bộ đêm và sáng trời rét.
Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 19-21 độ, vùng núi 17-19 độ, vùng núi cao có nơi dưới 16 độ. Ở Thanh Hóa - Nghệ An nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20-23 độ.
Trên biển: khu vực Bắc Biển Đông gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 2,5-4,5m.
Từ đêm 22/10, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 1,5-2,5m.
Dự báo chi tiết:
Cảnh báo khả năng xuất hiện thiên tai đi kèm: Chiều tối và đêm 22/10, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác.
Từ đêm 22/10 đến ngày 23/10, ở khu vực từ Nghệ An đến Bình Định có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế - xã hội: Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.
Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
TIN DỰ BÁO MƯA LỚN Ở KHU VỰC TỪ QUẢNG TRỊ ĐẾN BÌNH ĐỊNH; TIN MƯA DÔNG, CẢNH BÁO MƯA LỚN CỤC BỘ, LỐC, SÉT, GIÓ GIẬT MẠNH Ở KHU VỰC TRUNG BỘ, TÂY NGUYÊN VÀ NAM BỘ
Diễn biến mưa trong 24 giờ qua
Đêm qua và sáng sớm nay (22/10), ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to; khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.
Lượng mưa tính từ 19h ngày 21/10 đến 08h ngày 22/10 cục bộ có nơi trên 70mm như: Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 103.8mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 71.8mm, Bắc Đông (Tiền Giang) 124.2mm, Định Trung (Bến Tre) 114.4mm,…
Diễn biến mưa lớn trong 24 giờ đến 48 giờ tới
Từ sáng ngày 22/10 đến hết đêm 22/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, cục bộ có nơi trên 90mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>90mm/6h).
Dự báo chi tiết:
Ngoài ra, ngày và đêm 22/10, ở khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 90mm.
Chiều tối và đêm 22/10, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Cảnh báo: từ ngày 23/10, mưa lớn giảm dần ở khu vực Trung Bộ.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: cấp 1
Dự báo tác động của mưa lớn: Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
TIN CẢNH BÁO LŨ QUÉT, SẠT LỞ ĐẤT, SỤT LÚN ĐẤT DO MƯA LŨ HOẶC DÒNG CHẢY TRÊN KHU VỰC CÁC TỈNH TỪ HÀ TĨNH ĐẾN BÌNH ĐỊNH
Tình hình mưa đã qua: Trong 24 giờ qua (từ 08 giờ ngày 21/10 đến 08 giờ ngày 22/10), khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to đến rất to như: Đò Điệm 165,2mm (Hà Tĩnh); Trường Xuân 125,2mm (Quảng Bình); Hải Lâm 147,8mm (Quảng Trị); Xuân Lộc 191,8mm (Thừa Thiên Huế); Chùa Linh Ứng 147,6mm (Đà Nẵng); Tam Trà 205,4mm (Quảng Nam); Bình Trị 159,8mm (Quảng Ngãi); An Hưng 107,2mm (Bình Định);...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Cảnh báo mưa trong thời gian tiếp theo: Trong 03-06 giờ tới, khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Bình Định tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30-50mm, có nơi trên 80mm.
Cảnh báo nguy cơ: Trong 06 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện (Chi tiết được đính kèm trong trong Phụ lục 1).
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1.
Cảnh báo tác động của lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy:
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Danh sách các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá trong 06 giờ tới
TIN DỰ BÁO GIÓ MẠNH, SÓNG LỚN VÀ MƯA DÔNG TRÊN BIỂN
Hiện nay, ở vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.
Khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có mưa rào và dông rải rác.
Dự báo diễn biến trong 24h tới:
Ngoài ra, ngày và đêm 22/10, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực phía Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Cảnh báo: Ngày và đêm 23/10, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 4,0-6,0m.
Ở vịnh Bắc Bộ, gió Đông Bắc mạnh cấp 6, ngày có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao từ 2,0-3,5m.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-3,5m; riêng khu vực Giữa Biển Đông sóng biển cao từ 3,0-5,0m.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Dự báo tác động: Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Công điện chỉ đạo chủ động ứng phó mưa lớn và áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão đi vào Biển Đông
Ngày 21/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công điện số 7930/CĐ-BNN-ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định; các Bộ, ngành: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao;.... về việc ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông.
Theo đó, trong 24 giờ qua khu vực Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to, phổ biến từ 80-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm như Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) 306mm, Tam Trà (Quảng Nam) 231mm và gây ngập lụt một số khu vực.
Dự báo từ 21/10 đến đêm 22/10, khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định tiếp tục có mưa từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Cùng với đó, theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên khu vực phía Đông Philippines, dự báo mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới, khoảng ngày 25/10 có khả năng di chuyển vào biển Đông.
Từ chiều và đêm 24/10, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông (phía Đông kinh tuyến 118,5 độ Kinh Đông) có gió mạnh dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo.
Thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các tỉnh, thành phố trên triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Cùng với đó, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Các địa phương tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai)./.
Nguồn Chính Phủ : https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/ap-thap-nhiet-doi-co-kha-nang-manh-len-thanh-bao-va-di-vao-bien-dong-119241021180539822.htm