Tín dụng 6 tháng đầu năm tăng gần 10%, cao nhất 2 năm qua

Tín dụng 6 tháng đầu năm tăng gần 10%, cao nhất 2 năm qua
8 giờ trướcBài gốc
Sáng 8/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025. Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.
Tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay
Phát biểu khai mạc họp báo, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo phương châm linh hoạt, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác. Trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước điều tiết linh hoạt nghiệp vụ, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng mà vẫn kiểm soát hiệu quả dòng tiền lưu thông. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ nhưng một liều tiếp sức quan trọng giúp doanh nghiệp và nền kinh tế duy trì nhịp phục hồi.
Không dừng ở đó, Ngân hàng Nhà nước chủ động kéo giảm chi phí đầu vào cho hệ thống ngân hàng thông qua việc chỉ đạo tiết giảm chi phí vận hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật thuần túy mà còn là “đòn bẩy kép” giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay và tăng tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ tài chính.
Trên mặt trận tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường, sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, giữ cho thị trường ngoại tệ thông suốt. Kết quả là tỷ giá đồng Việt Nam diễn biến linh hoạt nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025. Ảnh: SBV
Trong khi đó, điều hành tín dụng, “mạch máu” của nền kinh tế tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước đặt ở trọng tâm. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 ở mức khoảng 16%, Ngân hàng Nhà nước đã sớm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, cùng nguyên tắc xác định minh bạch, để các ngân hàng chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp. Điểm nhấn trong điều hành là định hướng tín dụng đi đúng hướng, tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, hạn chế tín dụng vào các khu vực tiềm ẩn rủi ro, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.
Không chỉ “bơm vốn”, Ngân hàng Nhà nước còn triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng mục tiêu. Điển hình là gói 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ; gói 500.000 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số cho các dự án trọng điểm quốc gia; gói 100.000 tỷ đồng dành riêng cho nông, lâm, thủy sản. Những chương trình này không chỉ giải quyết vấn đề vốn cho các lĩnh vực then chốt, mà còn thể hiện định hướng rõ ràng tín dụng phải song hành với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả, đến hết tháng 6/2025, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ 2023 đến nay.
Trong lĩnh vực thanh toán, chuyển đổi số ngân hàng, Phó Thống đốc cho biết, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Hệ sinh thái số đa dạng đã đem lại nhiều tiện ích hấp dẫn cho người dùng; đến nay, hầu hết dịch vụ ngân hàng hàng cơ bản đã thực hiện trên kênh số, nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 95% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Theo đó, Phó Thống đốc thông tin hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của người dân. Trong 5 tháng đầu năm 2025, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 45,44% về số lượng và 25,21% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,09% về số lượng và 34,46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024; qua kênh điện thoại di động tăng 39,90% về số lượng và 23,22% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 76,62% về số lượng và 179,14% về giá trị; qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 9,99% về số lượng và tăng 39,85% về giá trị; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 14,33% về số lượng và 3,85% về giá trị.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành ngân hàng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06. Tính đến ngày 13/6/2025, cả ngành ngân hàng đã có hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng (CIF) được đối chiếu sinh trắc học qua căn cước công dân gắn chip hoặc VneID, đạt gần 100% tổng lượng tài khoản thanh toán cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số; hơn 927 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học đạt hơn 70% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số.
Toàn cảnh họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025. Ảnh: SBV
5 giải pháp “tăng tốc” giai đoạn cuối năm
Nếu nửa đầu năm là giai đoạn “giữ vững trận địa”, thì nửa cuối năm 2025 sẽ là giai đoạn “tăng tốc”. Trong bối cảnh thế giới vẫn chưa hạ nhiệt, rủi ro từ bên ngoài có thể gia tăng bất cứ lúc nào, đặt ra bài toán kép cho Ngân hàng Nhà nước: Giữ lạm phát trong tầm kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng không để mất đà phục hồi. Định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng vì vậy được thiết kế theo nguyên tắc chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay.
Thứ hai, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và trong nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu; triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.
Thứ năm, tập trung triển khai thực hiện các Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng; phối hợp triển khai có hiệu quả các kế hoạch của ngành ngân hàng về chuyển đổi số, về triển khai Đề án 06, về triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Những bước đi chủ động, linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần đáng kể giữ vững “mặt trận” tỷ giá, lãi suất tín dụng, đặt nền móng cho mục tiêu tăng trưởng GDP 8% mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Thùy Linh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/tin-dung-6-thang-dau-nam-tang-gan-10-cao-nhat-2-nam-qua-409633.html