Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) áp dụng chính sách cho vay 100% giá trị nhà ở, đất ở với lãi suất ưu đãi 5,5% đến 5,7%/năm. Ảnh: Nguyễn Quang
Dư nợ bất động sản chiếm 20% tổng dư nợ
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trước đó, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9-2024 là 9% so với đầu năm, tương ứng mức tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản cao hơn tăng trưởng tín dụng chung, đạt 9,15% so với đầu năm.
Báo cáo của các ngân hàng trong quý III-2024 cũng cho thấy, tín dụng cho bất động sản có xu hướng tăng trở lại. Chẳng hạn, đến hết quý III-2024, dư nợ tín dụng bất động sản của Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đạt 61.200 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, chiếm 15% tổng dư nợ tín dụng tại ngân hàng này. Còn ở Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), dư nợ tín dụng bất động sản cũng đạt gần 165.000 tỷ đồng, tăng 43,5% so với đầu năm 2024 và chiếm gần 26% tổng dư nợ tín dụng. Riêng Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), dư nợ tín dụng bất động sản đạt gần 210.000 tỷ đồng, tăng 18,6% so với đầu năm và chiếm gần 35% tổng dư nợ tín dụng…
Các chuyên gia nhận định, sau một thời gian dài trầm lắng, thị trường bất động sản có xu hướng phục hồi. Thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp bất động sản tăng nguồn cung với nhiều dự án mới. Đồng thời, các luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản có hiệu lực cũng góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản, củng cố niềm tin của người mua nhà ở và nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường bất động sản có những xu hướng mới nổi bật và có sự phục hồi trên diện rộng nhiều phân khúc. Bên cạnh đó, một số dự án bất động sản tái khởi động trong những tháng cuối năm khi mà chính sách mới có hiệu lực, kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường. Nhờ đó, tín dụng cho bất động sản cũng tăng nhanh hơn.
Nhiều chương trình cho vay hấp dẫn
Đánh giá tín dụng bất động sản còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, các ngân hàng không ngần ngại triển khai nhiều chương trình cho vay bất động sản khá hấp dẫn. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) áp dụng chính sách cho vay 100% nhu cầu vốn để mua bất động sản, nhà đất, với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm trong 2 năm đầu tiên.
Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho khách hàng vay tới 100% giá trị hợp đồng mua bất động sản, với mức lãi suất cố định ưu đãi ở mức 5-7%/năm trong 12-36 tháng đầu tiên. Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) áp dụng chính sách cho vay 100% giá trị nhà ở, đất ở (tối đa 50 tỷ đồng) với lãi suất ưu đãi 5,5-5,7%/năm trong 6-12 tháng đầu tiên, thời gian cho vay tối đa lên đến 30 năm.
Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng chia sẻ, ngân hàng đang áp dụng chương trình cho vay 70-100% giá trị hợp đồng mua nhà với lãi suất ưu đãi từ 5,6%/năm. Đặc biệt, với cho vay mua nhà ở xã hội, lãi suất thấp hơn 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay trung, dài hạn.
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, chính sách cho vay mua nhà, bất động sản khá đa dạng, điểm chung là thời gian cho vay dài và hạn mức cho vay tối đa tương đối cao. Một số ngân hàng áp dụng lãi suất ưu đãi từ 3 tháng đến 2 năm đầu, sau thời gian ưu đãi, ngân hàng áp dụng lãi suất thị trường. Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) ra mắt gói vay nhà phố 30.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ 5,9%/năm, miễn trả gốc đến 48 tháng. Đây là gói tín dụng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay áp dụng từ nay đến hết năm 2024. Để hỗ trợ khách hàng, VIB còn cho vay thế chấp chính căn hộ khách hàng mua, thời gian phê duyệt trong vòng 8 tiếng, tỷ lệ cho vay đến 85% giá trị tài sản.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng bất động sản cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, song Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận định, bất động sản là lĩnh vực cần nguồn vốn lớn và có thời hạn dài, nên ngân hàng chỉ là một trong nhiều kênh vốn. Mặt khác, các tổ chức tín dụng phải tự quyết định cấp tín dụng trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng và bảo đảm các tỷ lệ an toàn của ngân hàng, góp phần ổn định hệ thống tài chính.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng kiến nghị, Chính phủ khảo sát nhu cầu thật của người lao động là sở hữu nhà ở hay thuê nhà để có giải pháp chính sách đúng và trúng. Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cần đa dạng kênh huy động vốn để giảm áp lực kỳ hạn cho kênh tín dụng ngân hàng, đồng thời bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Hà Linh