Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường quỹ VinaCapital và bà Nguyễn Thị Thúy Anh, chuyên gia phân tích ngành ngân hàng VinaCapital cho rằng, triển vọng ngành ngân hàng năm nay sáng sủa hơn nhờ tín dụng phục hồi.
Nhờ những biện pháp cụ thể để thúc đẩy thị trường bất động sản, tăng trưởng cho vay mua nhà có thể tăng gấp đôi lên 20% (tức mức tăng khoảng 10% năm 2024).
“Cho vay kinh doanh bất động sản dự kiến tiếp tục dẫn dắt khi thị trường tiếp tục phục hồi, mặc dù một phần tăng trưởng này cũng chính là để tái tài trợ cho các khoản trái phiếu đến hạn (trước đây, các trái phiếu này đã được các công ty bất động sản phát hành cho các nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư khác ngoài ngân hàng)”, hai chuyên gia nhận định.
Dù tín dụng tăng một phần xuất phát từ nhu cầu đảo nợ trái phiếu, song một phần khác là do thị trường phục hồi. Bất động sản phục hồi cũng sẽ thúc đẩy niềm tin tiêu dùng, kéo theo các mảng cho vay tiêu dùng có biên lãi ròng cao như cho vay mua ô tô và mua sắm trả góp. Sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục cải thiện tâm lý tiêu dùng và thúc đẩy cho vay tiêu dùng.
Chính phủ cũng dự định hỗ trợ tăng trưởng GDP năm nay bằng cách đẩy mạnh đầu tư công, nhờ đó kỳ vọng mở rộng thêm cơ hội cho vay cho các ngân hàng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tổng hòa của việc đẩy mạnh đầu tư công, bất động sản và tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, củng cố biên lãi ròng (NIM) và cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng.
Dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống duy trì ở mức khoảng 15% trong năm 2025, trong đó tăng trưởng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân vốn có biên lợi nhuận cao dự kiến tăng tốc từ khoảng 12% năm trước lên 15% năm nay.
Năm nay, các ngân hàng có thể sẽ cho vay dài hạn nhiều hơn thông qua việc cho vay các dự án hạ tầng vốn có kỳ hạn dài. Việc mở rộng sang cho vay dài hạn này sẽ hỗ trợ NIM, do ngân hàng thường thu được chênh lệch lãi suất từ việc huy động ngắn hạn và cho vay dài hạn với lãi suất cao hơn.
Cho vay cá nhân và cho vay hạ tầng sẽ giúp thúc đẩy NIM, cũng như sự phục hồi của thị trường bất động sản có nghĩa là các ngân hàng sẽ không cần tiếp tục tài trợ ở mức lãi suất thấp cho những khách hàng đang gặp khó khăn nữa. Sang năm 2025, nhu cầu tín dụng phục hồi kỳ vọng giúp các ngân hàng lấp đầy chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thực chất hơn, giảm bớt áp lực lên NIM.
VinaCapital kỳ vọng NIM của ngành ngân hàng sẽ tăng nhẹ trong năm 2025 và lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết tăng 17% trong năm nay.
Mặc dù vậy, chuyên gia cũng cảnh báo về hiện tượng tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn, gây áp lực tăng lãi suất tiền gửi. Ngoài ra, sự mất giá của VNĐ (5% trong năm 2024) cũng đang tạo áp lực tăng đối với lãi suất tiền gửi. Theo dự báo của VinaCapital cho rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trung bình của ngành ngân hàng sẽ tăng 50-70 điểm cơ bản trong năm nay.
T.L