Tín dụng bất động sản tăng, doanh nghiệp vẫn thiếu vốn trầm trọng

Tín dụng bất động sản tăng, doanh nghiệp vẫn thiếu vốn trầm trọng
6 giờ trướcBài gốc
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2024, tăng trưởng tín dụng đạt 15,08%. Hiện, NHNN chưa công bố số liệu tăng trưởng tín dụng bất động sản cả năm 2024, song với tỷ trọng khoảng 21 - 22% tổng dư nợ, tín dụng bất động sản năm 2024 ước đạt 3,5 - 3,6 triệu tỷ đồng.
Năm 2025, nếu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 16% và tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản ở mức như hiện nay, quy mô tín dụng bất động sản sẽ đạt 3,8 - 3,9 triệu tỷ đồng.
Nếu những năm trước, vay tiêu dùng bất động sản thường tăng trưởng hai con số và chiếm tới 70% tổng dư nợ tín dụng, thì năm 2024, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng chậm, trong khi tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng hai con số.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản trên thị trường hiện hay đang sử dụng hơn 50% nguồn vốn tín dụng.
Dự báo, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh dòng chảy tín dụng vào kênh kinh doanh bất động sản để gia tăng nguồn cung bất động sản trong tương lai, từ đó thúc đẩy cầu vay mua nhà để ở, đầu tư. Dù vậy, nhiều khả năng, một phần tín dụng được giải ngân cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính với mục đích tái cấu trúc nợ khi lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào năm 2025 - 2026.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cảnh báo, cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng phục vụ mục đích đảo nợ trái phiếu để giảm rủi ro nợ xấu, cũng như có giải pháp hữu hiệu hơn để tháo gỡ vấn đề vốn cho thị trường bất động sản.
Sáng 11/2, tại tọa đàm "Bất động sản năm 2025 - Tìm kiếm cơ hội trong thách thức", ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết ngân hàng luôn hỗ trợ nguồn vốn cho thị trường bất động sản. “Trong bối cảnh nào, kể cả ngành bất động sản khó khăn nhất, thời kỳ các doanh nghiệp bất động sản gần như không còn cơ hội để phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực này vẫn ở mức cao, nhưng nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án vẫn đói vốn và chưa thể tiếp cận được dòng vốn này”, ông Hùng nhìn nhấn.
Nguyên nhân là do ngân hàng thận trọng cho vay bởi rủi ro nợ xấu. Ông Hùng đặt vấn đề: Nhà đầu tư thấy giá lên thì đổ xô vào mua, nhưng khi giá xuống thì chạy hết, "thoát hàng", mà thoát không được thì chấp nhận để đó, không chỉ doanh nghiệp đọng vốn mà ngân hàng cũng “bị vạ lây” nợ xấu.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản phải có sự chia sẻ với ngành ngân hàng bởi đến hạn mà doanh nghiệp không trả được nợ vay dẫn đến nợ xấu. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp làm ăn kinh doanh có tiềm lực, đầu tư dự án minh bạch, rõ ràng, những dự án, doanh nghiệp đó sẽ được tiếp cận vốn cho vay thuận lợi.
Đối với nguồn vốn cho nhà ở xã hội, ông Hùng cho biết ngân hàng đã sẵn sàng dành nhiều nguồn lực có các gói vay ưu đãi lãi suất thấp để thực hiện dự án. Kỳ vọng thời gian tới, nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp sẽ tiếp cận được, đảm bảo đến năm 2030 có đủ 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản trên thị trường hiện hay đang sử dụng hơn 50% nguồn vốn tín dụng. Chính vì vậy, nhà nước, các ngân hàng cần phải đưa ra những chính sách tích cực hỗ trợ, hạn chế những chính sách thắt chặt hay kiểm soát tín dụng quá đà.
“Nếu sử dụng chính sách không phù hợp sẽ dễ dàng “bóp nghẹt” doanh nghiệp”, ông Đính nói. Đồng thời, dẫn chứng thêm: Dự án thuộc phân khúc cao cấp có giá bán cao lại rất dễ dàng tiếp cận vốn, sau đó những sản phẩm này được tung ra thị trường, điều này khiến cán cân lệch pha sản phẩm cao cấp. Trong khi có doanh nghiệp có hàng nghìn căn hộ đang hoàn thiện và chờ bàn giao nhưng vào thời điểm này, họ lại thiếu vốn, không tiếp cận được tín dụng khiến những sản phẩm này "đóng băng" chờ vốn. Không tung ra thị trường được khiến hàng tồn kho tăng mạnh.
“Điều này cho thấy chính sách giữa doanh nghiệp và Ngân hàng đang có rất nhiều nút thắt chưa gỡ được. Vì vậy, Nhà nước và ngân hàng cần nhanh chóng đưa ra giải pháp tích cực”, ông Đính phân tích.
Chia sẻ thêm, ông Hùng cho rằng bất động sản cũng là một trong những cơ hội tạo động lực góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ. Vì vậy, năm 2025 và năm tiếp theo, ngành ngân hàng sẽ vẫn luôn đồng hành với doanh nghiệp, nguồn vốn cho đầu tư bất động sản sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, ngành ngân hàng chỉ đầu tư vốn ngắn hạn, còn vốn trung dài hạn phải thông qua thị trường vốn (trái phiếu, chứng khoán).
Ngoài nguồn vốn tín dụng, có ý kiến xuất cần thêm nguồn vốn lâu dài như sáp nhập mua bán, thành lập quỹ tài chính.
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng doanh nghiệp bất động sản đang cần thêm nhiều kênh dẫn vốn nữa như: trái phiếu, tín phiếu… hay cần thêm nhiều quỹ đầu tư, quỹ phát triển… Những quỹ này trên thực tế đã được đưa ra bàn bạc cách đây đến 10 năm, thậm chí đã được thí điểm nhưng do các quy định pháp luật vẫn là rào cản nên đề xuất này khó được triển khai.
Thanh Hoa
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//ngan-hang/tin-dung-bat-dong-san-tang-doanh-nghiep-van-thieu-von-tram-trong-1104916.html