Bài 2: Đường của Đảng xóa nghèo tăm tối
Trao cơ hội, trao cả yêu thương
Anh Hoàng Văn Túng, cán bộ NHCSXH huyện Yên Minh là người dân tộc Giấy, ở xã Đông Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Sinh ra và lớn lên từ núi rừng, đã 40 năm làm “cán bộ nhà nước”, hàng chục năm nay, anh tận tụy mang vốn để mang từng đồng vốn chính sách về cho người dân trong thôn, trong xã có cơ hội thoát nghèo và phát triển kinh tế, vì thế, hơn ai hết, anh Túng nhìn rõ từng sự thay đổi theo từng ngày trên quê hương mình. “Mỗi lần tận tay trao từng đồng vốn chính sách cho bà con láng xóm của mình, thực sự tôi đều có những cảm xúc vừa vui vừa thầm gửi gắm những hy vọng, và luôn thấy tin tưởng. Hàng nghìn người dân trong xã là anh em, họ hàng của tôi, dù đang ở nơi vùng sâu, vùng khó khăn nhất của xã, đều được thụ hưởng và vượt lên phát triển kinh tế hộ gia đình và trồng trọt, chăn nuôi. Dù chỉ là cầu nối giữa ngân hàng và người dân, nhưng tôi thấy tự hào vì mình đã đóng góp được một phần cho quê hương”, anh Túng tâm sự. Là người hiểu rõ phong tục tập quán của người dân, anh phối hợp với các tổ trưởng, người có uy tín, đến từng hộ để hướng dẫn người dân cách làm ăn, khuyến khích họ cách trân quý từng đồng vốn, trân quý cơ hội được trao, để sử dụng đồng vốn làm sao cho hiệu quả. Khi gặp khó khăn, như trường hợp rét đậm rét hại, sương muối... ảnh hưởng đến cây trông vật nuôi, anh cùng với bà con – là cha mẹ, anh em, người thân của mình chung tay vào tháo gỡ. Anh mang kiến thức học được, cùng với kinh nghiệm, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, trái tim yêu thương để chia sẻ, động viên bà con cùng vượt qua khó khăn, vươn lên làm thoát nghèo, tạo cơ hội học hành và làm việc cho người dân tộc. Trong xã, anh trở thành tấm gương cho thế hệ con cháu noi gương, học tập. Con trai anh noi gương bố cũng là một cán bộ NHCSXH mang màu áo hồng, cũng đang ngày ngày theo dấu chân cha đi gieo vốn trên từng đồi núi đá, để từ đó, thu gặt những thành quả cuộc sống...
Cán bộ NHCSXH hướng dẫn bà con vay vốn
Cũng là một người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà Giang, chị Phạm Thị Hòa – PGĐ chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang đã gắn bó với NHCSXH 22 năm. Chị kể những ngày đầu, khi vốn chính sách đến với bà con dân tộc, khái niệm tiếp cận tài chính của họ gần như ở số 0. Họ còn không nhận biết được mặt đồng tiền, nhất là những đồng tiền mệnh giá cao. “Có một bác người dân tộc Mông ở Phú Cáo được vay 5 triệu đồng, luống cuống đếm mãi không xong. Bác ấy mân mê từng đồng tiền như một điều gì đó quý giá, sợ bị vuột mất, thậm chí, còn không tin mình lại có nhiều tiền như thế.
Để “chứng thực” giá trị số tiền mình được vay, bác khách hàng đó đã lận lưng quần đi xuống chợ, ăn một lúc... 2 bát phở. Vẫn chưa thực sự tin tưởng mình có tiền, bác khách hàng này còn đi làm 2 chiếc răng vàng, rồi ngày ngày lấy gương ra soi để nhắc nhở rằng mình có tiền thật”, chị Hòa nhớ lại câu chuyện “cười ra nước mắt” kể trên. Lúc đó, còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm, chị rất ngạc nhiên vì cách hành xử của bác khách hàng đó. Vì vậy, chị đã đến ở cùng gia đình bác, tâm sự để hiểu suy nghĩ, rồi cùng với bác đi mua 1 con trâu giống về, dựng chuồng trại để chăn nuôi. “Được cái người dân tộc rất thương và quý, nghe theo cán bộ, nên dồn tất cả vào việc chăm sóc trâu. Chỉ 1 năm sau, con nghé đầu tiên ra đời, và 5 năm sau, gia đình bác khách hàng đó đã “hòa vốn”, có thêm 5 con trâu, thậm chí còn “lãi” 2 bát phở và 2 cái răng vàng”, chị Hòa chia sẻ. Từ đó, vốn chính sách đã giúp gia đình bác khách hàng bớt khó khăn hơn trong cuộc sống, sau đó, con trai bác khách hàng này lại tiếp tục vay vốn NHCSXH và hiện nay đời sống gia đình no ấm, khang trang.
Với cá nhân chị Hòa, 22 năm mang vốn lên núi, không phải chỉ mang tiền, chị và những cán bộ của NHCSXH còn mang theo cả sự yêu thương, gửi gắm tới bà con đồng bào. Sự tận tụy, yêu thương đó đã giúp bà con dân tộc từ những ngày đầu bỡ ngỡ, tiếp cận tài chính bây giờ đã rất tốt. Trước, phụ nữ người Mông không có bất kỳ tiếng nói, vai trò gì trong nhà, tất cả đều do người đàn ông quyết định. Thế nên mới có câu chuyện người đàn ông đi uống rượu say nằm vật trên đường, vợ cầm ô ngồi bên trông cả ngày trời. Nhưng đến bây giờ, người phụ nữ Mông đã rất tự tin, có tiếng nói, bắt đầu quán xuyến kinh tế. Có ý thức về tài chính, đàn ông người Mông cũng bớt uống rượu, họ bắt đầu chăm chút đến con cái, đến việc học hành của con. Ở phiên chợ, hình ảnh người cha dắt con đi mua sách vở, quần áo, bút mực không còn xa lạ.
Chị Phạm Thị Hòa – PGĐ chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang đang trò chuyện cùng bà con
“Những đồng vốn đã giúp vùng “lõi nghèo” Hà Giang thay đổi rõ rệt, như bước sang 1 trang mới. Vì vậy, cán bộ NHCSXH rất được dân yêu quý, coi mình như người nhà. Là người Hà Giang, sinh ra lớn lên ở mảnh đất này, thấy sự thay đổi đó, là nhìn thấy hạnh phúc và cảm thấy tự hào, yêu thương nhiều hơn”, chị Hòa phấn khởi chia sẻ.
Đưa núi rừng tiến kịp miền xuôi
Theo số liệu Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội của tỉnh ủy Hà Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện trên 19 chương trình tín dụng chính sách. Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW doanh số cho vay đạt 10.586 tỷ đồng, với 282.952 lượt đối tượng được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 6.882 tỷ đồng, bằng 65% doanh số cho vay. Đến 31/10/2024 tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.307,6 tỷ đồng, tăng 3.480,6 tỷ đồng so với năm 2014, với 93.737 đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 56,6 triệu đồng, tăng 37,5 triệu đồng so với năm 2014. Dư nợ tập trung ở một số chương trình như: Chương trình tín dụng hộ nghèo; Chương trình tín dụng hộ cận nghèo… Nguồn vốn tín dụng đã giúp trên 129 ngàn đối tượng vay vượt qua ngưỡng nghèo; 7.664 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; thu hút, tạo việc làm cho hơn 29.240 lao động; xây dựng được 57.163 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đảm bảo theo tiêu chuẩn và 1.623 căn nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở xã hội; 55.678 đối tượng tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, giai đoạn 2016-2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm 25,11%, (từ 43,65 xuống còn 18,54%). Giai đoạn 2022-2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm 10,96% (từ 42,08% xuống còn 31,12%).
Một buổi giao dịch của NHCSH tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang)
10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện TDCSXH. Không chỉ toàn thể chính quyền địa phương vào cuộc, nhằm giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả vươn lên thoát nghèo bền vững, tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách làm có hiệu quả, triển khai lồng ghép giữa chương trình vốn vay NHCSXH với các chương trình và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Và, những kết quả đạt được là minh chứng rõ ràng nhất cho một chủ trương nhân văn của Đảng. Những ví dụ điển hình, những sự đổi thay từ bữa cơm, giấc ngủ của bà con cho tính hiệu quả của từng đồng vốn chính sách khi đi vào đời sống. Vốn chính sách không chỉ hỗ trợ nhiều người dân thoát nghèo, mà còn gieo vào đó niềm tin, hy vọng và ý chí vươn lên. Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” luôn trách nhiệm, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, những cán bộ NHCSXH trong màu áo hồng đã gieo những hạt giống nở hoa trên miền cao nguyên đá, đánh thức sự sống từ những nơi gian khó, vất vả nhất, giúp “lõi nghèo” Hà Giang thoát nghèo. Đó chính là đường lối mang ánh sáng về bản, xóa nghèo tăm tối, đưa núi rừng tiến kịp miền xuôi…
Hà An