Hỗ trợ nguồn lực đúng thời điểm
Vốn vay ưu đãi đến tay người dân kịp thời đã tiếp động lực cho nhiều cá nhân, hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Theo đó, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp đã hình thành; các làng nghề truyền thống được khôi phục… góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Chị Dương Thị Luyến, dân tộc Mông, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) vay vốn chính sách phát triển nghề dệt truyền thống.
Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Hoàng Hà, chuyên thiết kế, bán buôn và bán lẻ các sản phẩm quần áo thời trang trẻ em của chị Long Thị Hằng, tổ 13, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) thành lập năm 2019. Năm 2020, chị Hằng được Hội LHPN phường Đội Cấn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội để vay 100 triệu đồng. Số vốn được vay đã "trợ lực", giúp chị Hằng có thêm vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Công ty duy trì một xưởng may, tạo việc làm cho 10 lao động, với mức lương từ 4 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Chị Hứa Thị Quyên, hội viên phụ nữ thôn Lăng Đén, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) sau khi đi lao động ở khu công nghiệp trở về, chị được Chi hội Phụ nữ thôn tuyên truyền, vận động, định hướng để phát triển kinh tế. Năm 2022 chị Quyên bắt tay đầu tư vào mô hình chăn nuôi gà ri, nuôi giun quế, trồng dưa chuột. Chị Quyên duy trì 3 lứa gà/năm, mỗi lứa nuôi 1.000 con gà ri. Chị trồng hơn 2.000 m2 dưa chuột và nuôi 20 m2 giun quế. Qua 1 năm, chị thấy mô hình cơ bản đạt hiệu quả, cho thu nhập tốt. Sau khi trừ chi phí, chị thu lãi 100 triệu đồng/năm. Năm nay, chị đã mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi lên hơn 100 m2.
Đôi tay đang thoăn thoắt cắt những sợi chỉ thừa trên khung dệt thổ cẩm, chị Dương Thị Luyến, dân tộc Mông, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn), một trong những hộ người Mông trẻ tuổi có xưởng dệt vải thổ cẩm, phục vụ may trang phục Mông cho biết, vợ chồng chị đã đầu tư 500 triệu đồng mua máy thêu thổ cẩm. Vốn được vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn và người thân. Qua 2 năm thấy nghề này có triển vọng phát triển nên hai vợ chồng tập trung làm. Khi có đơn hàng lớn hai người không làm kịp thì thuê thêm người trong thôn hỗ trợ. Số tiền lời chưa nhiều, mới được khoảng 20-30 triệu đồng/tháng nhưng công việc ổn định lại được làm ở nhà nên đỡ vất vả hơn nhiều.
Người dân xã Tân An (Chiêm Hóa) được vay vốn chính sách phát triển rừng gỗ lớn.
Anh Hoàng Văn Sông, chồng chị Dương đang tương tác trên Zalo, Facebook để bán hàng nói: “Hầu hết hàng dệt nhà tôi đều bán qua mạng. Chụp ảnh giới thiệu trên các nền tảng, khách hàng đặt hàng, chuyển cọc thì làm. Không sản xuất sẵn vì người Mông ở các nơi khác nhau có hoa văn khác nhau. Người Mông thật thà và tin tưởng nhau lắm! Cộng đồng người Mông có nhóm Zalo, Facebook trên toàn quốc ấy. Tôi mong tiếp tục được vay vốn của ngân hàng để mở mang xưởng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người Mông Nà Tang”.
Tăng cường cho vay giải quyết việc làm
Ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết, xác định chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm.
Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh đến xã, thôn, bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn. Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả.
Người dân thôn Cốc Phường, xã Yên Thuận (Hàm Yên) được vay vốn chính sách trồng chanh tứ mùa.
Bên cạnh đó, cán bộ phòng giao dịch chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể. Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Đặc biệt, đây là một trong số các chương trình tín dụng hiệu quả nhất của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh trong thời gian qua. Các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào phát triển trang trại, nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, giúp thoát nghèo bền vững. Trong quá trình triển khai, cùng với tăng cường tuyên truyền, giải ngân cho các đối tượng vay vốn, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, hỗ trợ phát triển ngành nghề, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững - ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh khẳng định.
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hàng nghìn mô hình, dự án với trên 15 nghìn lượt hộ dân được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm. Tổng dư nợ đạt trên 600 tỷ đồng. Qua đó tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để người lao động có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Từ đó góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: Trang Tâm