Tín dụng chính sách xã hội - 'Điểm tựa vàng' cho nhân dân Lai Châu thoát nghèo

Tín dụng chính sách xã hội - 'Điểm tựa vàng' cho nhân dân Lai Châu thoát nghèo
4 giờ trướcBài gốc
Những cách làm hay, mô hình hiệu quả
Trong những năm qua, tín dụng CSXH do Ngân hàng CSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc. Góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội.
Đặc biệt đối với tỉnh Lai Châu, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, trên 33% (năm 2023) thì các tín dụng CSXH của nhà nước thực sự là “điểm tựa vàng” giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Theo đó, các hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay làm nhà ở, đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu quý... với lãi suất ưu đãi nhất.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40, với vai trò là cơ quan chủ đạo triển khai các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Lai Châu đã cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Bám sát vào các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tích cực phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước, trọng tâm là Chỉ thị số 40 bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng: hội nghị, hệ thống loa phát thanh, báo... Chú trọng rà soát các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách.
Phát huy vai trò của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH và các tổ chức hội: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên thông qua hoạt động ủy thác; thành lập và duy trì phát triển của tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); phối hợp với chính quyền địa phương trong bình xét trước khi cho vay; kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi và xử lý nợ.
Cùng với đó, để giảm bớt chi phí và đi lại cho nhân dân, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo Phòng giao dịch các huyện triển khai thực hiện “Điểm giao dịch” tại các xã, thị trấn hàng tháng. Qua đó, không chỉ giúp hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội ủy thác; tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên trong thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40. Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng hệ thống Intellect Core Banking, phần mềm VBSP smart banking, giúp giảm thiểu khối lượng công việc, đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian giao dịch.
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, 17 chương trình tín dụng CSXH được Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh giải ngân cho 177.011 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn với tổng số tiền gần 7.530 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 1.423 Tổ TK&VV.
Động lực cho nhân dân thoát nghèo
Qua khảo sát thực tế cho thấy, các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho vay từ các chương trình tín dụng CSXH để phát triển kinh tế gia đình bằng những mô hình chăn nuôi, trồng trọt, liên kết sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ hiệu quả. Điển hình như, gia đình anh Chảo Văn Chản ở bản Hòa Hợp, thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên). Cách đây 2 năm, gia đình anh được vay nguồn vốn giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Uyên. Từ nguồn này, gia đình đầu tư mua phân bón vào chăm sóc chè, mở rộng trồng mới 5.000m2. Hiện, gia đình anh có khoảng 1ha chè cho thu hoạch. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh Chản áp dụng vào diện tích của gia đình, đến nay, năng suất sản lượng chè cũ tăng gấp 3-4 lần, diện tích chè mới đã cho thu hoạch. Hiện nay, mỗi lứa, gia đình anh thu hơn 2 tấn chè; bình quân mỗi năm thu về trên 60 triệu đồng; đời sống kinh tế ngày càng khá hơn.
Hay như gia đình chị Vàng Xa Lẩy ở bản Pho, xã Bản Lang (huyện Phong Thổ) được vay 50 triệu đồng năm 2024 để cải tạo sản xuất. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình chị được cải thiện hơn.
Trong 10 năm qua, nguồn vốn các chương trình tín dụng đã giúp cho 35.981 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 412 lượt học sinh sinh viên được vay vốn với tổng số tiền 7.612 triệu đồng, tạo việc làm cho 21.486 lao động; 529 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động, hỗ trợ xây dựng 67.609 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 3.193 căn nhà với tổng số tiền 356.278 triệu đồng.
Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm bình quân trên 8,4%, giai đoạn 2014 đến 2024, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,38%/năm; thu nhập bình quân toàn tỉnh hiện nay ước đạt trên 58 triệu đồng/người/năm.
Trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận và sử dụng dịch vụ của Chi nhánh Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế.
Đinh Đông - Ngọc Duy
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/t%C3%ADn-d%E1%BB%A5ng-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-%C4%91i%E1%BB%83m-t%E1%BB%B1a-v%C3%A0ng-cho-nh%C3%A2n-d%C3%A2n-lai-ch%C3%A2u-tho%C3%A1t-ngh%C3%A8o