Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận 2024 tăng trưởng 2 con số
Đạt và vượt chỉ tiêu
Ngân hàng Nhà nước cho biết, kết thúc năm 2024, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 15,08%, trong khi tại ngày 17/9/2024 mới đạt 7,38%, cho thấy tín dụng tăng rất nhanh trong những ngày cuối năm. Điều này đã tác động tích cực lên lợi nhuận quý IV cũng như cả năm của các ngân hàng.
Đơn cử, kết thúc năm 2024, hoạt động tín dụng của ACB đạt 581.000 tỷ đồng, tăng 19,1% so với năm 2023, nợ xấu kiểm soát ở mức 1,39%; huy động tiền gửi từ khách hàng ước đạt hơn 537.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,3% với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 23%, cải thiện so với mức 22,2% của quý II/2024; tỷ lệ ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) duy trì trên mức 20%.
Dù chưa đưa ra con số lợi nhuận đạt được cả năm, song với mục tiêu 22.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm qua, lãnh đạo ACB đã trả lời cổ đông tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 là có cơ sở để đạt được. Trước đó, trong 9 tháng đầu năm 2024, tín dụng ACB tăng cao gấp 1,5 lần bình quân ngành, còn lợi nhuận trước thuế đạt 15.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước.
Hay tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước và cả năm 2024 ước đạt trên 12.700 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu đại hội đồng cổ đông giao phó.
Với Nam A Bank, ông Võ Hoàng Hải - Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, ước tính cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế đạt 5.550 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra là 4.000 tỷ đồng. Vì vậy, tỷ lệ cổ tức năm 2024 Nam A Bank dự chi cho cổ đông cũng ở mức cao 25% như năm 2023.
Ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024 của 4 ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đều khả quan, lợi nhuận cùng ở mức tỷ USD.
Cụ thể, BIDV ước lãi trước thuế hơn 30.000 tỷ đồng (tăng 12,4%), Agribank ước đạt hơn 27.500 tỷ đồng (tăng trên 8%). Vietcombank và VietinBank chưa công bố con số cụ thể, nhưng đều cho biết đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận đề ra. Được biết, năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế hơn 42.000 tỷ đồng và VietinBank là 26.300 tỷ đồng (ngân hàng mẹ).
2025 sẽ tăng trưởng cao?
Bước sang năm 2025, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra ở mức 16% - cao hơn 1% so năm 2024 và giới phân tích tài chính cũng cho rằng, với bối cảnh kinh tế vĩ mô dự báo cải thiện hơn, tín dụng có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 15-16% trong năm nay. Dư địa tăng có thể đến từ các ngành công nghệ thương mại, sản xuất và các công ty FDI. Ngoài ra, nhu cầu tín dụng phục hồi cũng góp phần vào đà tăng này, tập trung nhiều vào ngành xây dựng và bất động sản.
Với tín dụng năm nay dự báo tích cực hơn năm trước khi sức hấp thu vốn của nền kinh tế cải thiện, các ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.
Đơn cử, năm 2025, BIDV đặt mục tiêu dư nợ tín dụng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ phấn đấu tăng 6-10%.
Tại HDBank, chia sẻ về kế hoạch kinh doanh 2025, ông Phạm Văn Đẩu - Giám đốc Tài chính Ngân hàng cho biết, HDBank đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2024. Đồng thời, HDBank sẽ tiếp nối truyền thống trả cổ tức cao và đều đặn như kế hoạch đại hội đồng cổ đông thông qua.
Đại diện HDBank cũng cho hay, ngân hàng này sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận 15.852 tỷ đồng đã thông qua trước đó, dự kiến đạt trên 16.000 tỷ đồng trước thuế trong năm 2024. Trước đó, HDBank đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2024, với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 12.655 tỷ đồng, tăng 47% và thực hiện 79,8% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Như vậy, nếu đạt được kết quả như kỳ vọng, HDBank sẽ xác lập kỷ lục mới về quy mô lợi nhuận và nằm trong Top 5 ngân hàng tư nhân lãi lớn nhất năm 2024.
Hiện tại, dù chưa có báo cáo tài chính chính thức của quý IV/2024, nhưng báo cáo quý trước đó cho thấy, hầu hết ngân hàng đều ghi nhận biên lợi nhuận ròng (NIM) giảm trong 9 tháng đầu năm 2024 và đà giảm này còn tiếp diễn trong quý IV/2024.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra nhận định, năm 2025, tiềm năng mở rộng NIM thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và CASA, có chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng. Theo đó, với dự báo NIM nhích nhẹ và tăng trưởng tín dụng có thể đạt 15-16%, lợi nhuận ngành ngân hàng ước tăng khoảng 15% năm nay. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa mạnh, trong đó nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối kỳ vọng tăng 12%, còn nhóm ngân hàng tư nhân năng động kỳ vọng tăng tới 20%. Các ngân hàng còn lại, thường có quy mô nhỏ hơn, mức tăng trưởng lợi nhuậ sẽ thấp hơn, khoảng 8%.
Mặt khác, dù dự báo NIM toàn ngành cải thiện khiêm tốn, với mức tăng bình quân khoảng 0,1 điểm phần trăm so với năm 2024, nhưng một số ngân hàng sẽ có sự phục hồi vượt trội nhờ chiến lược đặc biệt. Chẳng hạn, Techcombank có thể cải thiện NIM ở mức 0,15% nhờ chi phí vốn thấp và chính sách lãi suất linh hoạt. VPBank kỳ vọng NIM tăng 0,12% nhờ sự phục hồi của tín dụng bán lẻ.
Công ty Chứng khoán SSI cũng đưa ra dự báo, NIM hệ thống ngân hàng năm 2025 sẽ ổn định ở mức 3,48% với sự phân hóa giữa khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đạt 2,77% (tăng 0,05 điểm phần trăm) và khối ngân hàng tư nhân đạt 4,24% (giảm 0,07 điểm phần trăm); lợi nhuận trước thuế toàn ngành ước tăng 17,4%.
Ở góc độ khác, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, các yếu tố định hình ngành ngân hàng năm 2025 gồm tín dụng, NIM và chất lượng tài sản. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế gần 8% thì tín dụng dự kiến tăng trưởng 16-17% trong năm nay, nhưng sẽ có phân hóa giữa các ngân hàng. Tín dụng năm 2025 sẽ chịu tác động bởi cho vay bất động sản cao và hưởng lợi từ giải ngân đầu tư công.
Trong khi đó, NIM của các ngân hàng có xu hướng đi xuống (ước đạt 4,5%), song vẫn cao hơn so với một số thị trường trong khu vực. Theo MBS, lãi suất đầu vào có xu hướng đi ngang, nhưng lãi suất cho vay sẽ khó giảm sâu. Bởi vậy, ngân hàng nào giải quyết được bài toán đầu vào - đầu ra sẽ có khả năng sinh lợi nhuận cao.
Tuy vậy, nợ xấu có xu hướng tăng, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro và điều này sẽ tác động đến lợi nhuận, nhất là những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp. Về chất lượng tài sản, nợ xấu trung bình các ngân hàng niêm yết đã tăng lên 2,6% vào cuối quý III/2024, nợ nhóm 2 cũng có xu hướng tăng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng là vấn đề đáng quan ngại khi đang giảm. Do đó, trong năm 2025, thay vì chỉ tập trung vào thu nhập, cần hướng đến kiểm soát chất lượng tài sản tốt hơn.
Thùy Vinh