Bát nháo thông tin giả để câu view
Cách đây mấy tháng, cộng đồng mạng bức xúc khi xem clip một "bà cô ghê gớm" khoảng 60 tuổi vào quán cà phê gọi đồ uống và hạnh họe, hạch sách, thậm chí quát mắng các nhân viên quán trong khi những nhân viên trẻ trung ở đây vẫn kiên nhẫn giữ thái độ nhã nhặn, nhẫn nhịn, giải thích với bà cô này. Dưới hàng trăm bài chia sẻ là vô số các comment (bình luận) chỉ trích vị khách nữ này.
“Bà cô ghê gớm” gọi “nâu lắc không đường” và hạnh họe, mắng chửi nhân viên quán cà phê, bị cộng đồng mạng chỉ trích hóa ra chỉ là nhân vật tiểu phẩm - Ảnh cắt từ clip
Mấy hôm sau, người phụ nữ ghê gớm ấy mới lên tiếng trần tình. Hóa ra bà là một diễn viên nghiệp dư được quán cà phê này thuê diễn tiểu phẩm để quảng cáo quán. Lợi bất cập hại, bà phải chịu bao mạt sát về nhân cách vì clip này. Một bộ phận cộng đồng mạng “quay xe”, từ thông cảm, bênh vực với quán và đội ngũ nhân viên sang thất vọng, đánh giá thấp cách quảng cáo kiểu "xôi thịt" của họ.
Tháng 9.2024, dịp thiên tai hoành hành ở các tỉnh phía bắc, trong nhiều thông tin hữu ích thì cũng có không ít thông tin, hình ảnh giả mạo gây ra nhiều tình huống bi hài.
Một trong những thứ giả mạo ấy là clip một cậu bé dân tộc vùng cao tầm 5-6 tuổi vừa chạy vừa khóc, được chú thích là "em bé mồ côi cả cha lẫn mẹ do bị lũ cuốn trôi". Thông tin và hình ảnh này lan truyền kéo theo bao cảm thương của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, sau đó cậu bé đã được xác minh là ở thôn Mã Pí Lèng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và cảnh trong clip chỉ là "khóc nhè khi theo bố mẹ lên nương".
Cậu bé khóc theo bố mẹ lên nương bị biến thành “khóc vì cha mẹ chết trong lũ lụt - Ảnh cắt từ clip
Đỉnh điểm về thông tin giả trong mùa bão lũ năm nay phải kể đến scandal "Titanic mùa bão lụt". Ban đầu Facebook lan truyền bức ảnh vượt lũ của một đôi vợ chồng khắc khổ cùng đứa con nhỏ. Người chồng tầm tuổi 40 tuổi ngâm nửa mình dưới dòng nước lũ, đặt người vợ địu đứa con thơ trong chiếc chậu nhựa và đẩy đi "vượt lũ". Ánh mắt lo lắng của người chồng và gương mặt sợ sệt, khóc lóc của người vợ cộng thêm hình ảnh đứa con thơ nhỏ xíu được địu trong lòng mẹ... khiến bao người xót thương.
Không chỉ dân mạng mà một số báo cũng bị lừa bởi “bi kịch Titanic” do kênh Youtube Ly Tieu Hau Single Mom dựng lên để câu view
Không lâu sau đó, cộng đồng mạng phát hiện ra hình ảnh này được chụp lại từ một clip trên kênh Youtube Ly Tieu Hau Single Mom. Trong clip gốc được truy xuất, có cảnh hậu trường người chồng đứng từ nơi nước nông đẩy chậu ra dần tới khu vực nước sâu và người vợ vẫn đang chưa hề hấn gì nhưng khóc lóc nức nở. Cộng đồng mạng sau đó được phen bực tức, lên án ê kíp làm clip câu view, "ăn mày lòng thương" một cách vô đạo đức.
Bịa đặt về người nổi tiếng
Giữa thực trạng thông tin nhảm tràn lan trên mạng xã hội, một “mỏ vàng” để các kênh thông tin hay người dùng mạng bất minh ưa thích khai thác ấy là những ngôi sao, những người của công chúng. Đối tượng này có sức hút về tên tuổi, hình ảnh nên những thông tin về họ rất dễ được lan truyền và quan tâm bàn tán. Dựa vào tâm lý này, những thành phần xấu lợi dụng tình hình bát nháo khó kiểm soát để tha hồ chế tác thông tin sai sự thật.
Đợt xảy ra scandal "vạ miệng" của hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi năm ngoái, nhiều người dùng Facebook "đổ thêm dầu vào lửa" khi liên tiếp cho xuất hiện dày đặc những bài viết "gắp lửa bỏ tay người", thêm mắm thêm muối và bịa đặt về hoa hậu này với những lời mà cô chưa từng phát ngôn.
Cách đây không lâu, nam diễn viên Công Lý lâm trọng bệnh và phải điều trị một thời gian dài. Mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều thông tin thêu dệt về tình trạng hôn nhân của anh với vợ trẻ kém 15 tuổi, trong khi hai vợ chồng họ vẫn đồng hành cùng nhau qua giai đoạn khó khăn của cuộc đời.
Mới đây, diễn viên Nhật Kim Anh lộ diện với bụng bầu, thông báo sắp sinh em bé thứ hai, một vài trang tin lá cải ghép hình ảnh con trai đầu của cô kèm thông tin bịa đặt “Con trai Nhật Kim Anh phản đối dữ dội chuyện mẹ sinh em bé”.
Diễn viên truyền hình Hoàng Yến thông tin sẽ tiếp tục lên xe hoa sau 4 lần đổ vỡ. Vậy là hằng hà sa số các trang thông tin nhảm lấy hình ảnh những nam nhân lạ mặt ghép đôi với cô cùng những dòng chú thích kích động, dù nữ diễn viên này chưa hề công bố danh tính và hình ảnh người chồng thứ 5.
Ca sĩ Kasim Hoàng Vũ lâm trọng bệnh đang được điều trị nhưng nhiều trang Facebook đã đăng tin anh "đã qua đời". MC, nhà báo Lại Văn Sâm không biết bao nhiêu lần bị lên bài và hình ảnh “cáo phó, tin buồn” dù ông vẫn đang khỏe mạnh, sống vui… Những thông tin sai sự thật như vậy vẫn tồn tại trên mạng và vẫn lừa được rất nhiều người tin, comment bày tỏ cảm xúc.
Tràn lan phim ngắn với nội dung nhảm nhí
Manh nha từ gần 10 năm nay, với sự tiện lợi của công nghệ trong việc hỗ trợ sản xuất nội dung video phát trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội tràn ngập “các nhà làm phim” đủ loại chuyên làm các tiểu phẩm đăng lên không gian mạng.
Một mô típ được khai thác đến mức nhàm chán mà các “biên kịch và đạo diễn” mạng đào đi xới lại là câu chuyện chủ đề “nhìn nhầm người giàu thành người nghèo”. Nào là cô gái đến xin việc ở tập đoàn lớn gặp lại anh người yêu cũ ở cổng cơ quan rồi nghĩ nhầm anh là bảo vệ nên ra sức chì chiết, coi khinh cho đến cuối mới biết anh giờ là chủ tịch tập đoàn. Nào là cô gái đến ra mắt nhà người yêu, bước vào nhà ra sức lên giọng miệt thị, ra oai với bà giúp việc để rồi sau đó mới vỡ lẽ bà là mẹ chồng tương lai. Nào là anh chàng hí hửng sắp được thăng tiến tỏ ý xem thường một cô gái ăn mặc như công nhân để rồi về sau mới biết đó là nữ chủ tịch vi hành đến công trường…
Những bộ phim bất chấp để "câu view" gây ra hệ lụy về nhận thức
Những gương mặt diễn xuất trong các tiểu phẩm này hầu như toàn bộ là các diễn viên nghiệp dư. Đi cùng với kịch bản kiểu kích động, nét diễn của các “diễn viên” này cũng theo lối cường điệu hóa, thậm xưng quá đáng… Nếu nhìn bằng con mắt nghiêm túc thì thấy đó là những màn diễn hạ thấp nhân phẩm con người.
Mới đây, cộng đồng mạng dậy sóng vì một clip phim ngắn mà độ nhảm được nâng cấp lên max level (hết mức). Trong clip dài mấy phút là cảnh một cô con dâu ngồi rửa bát bên chiếc vòi nước rồi lộ chuyện ngoại tình mà không biết bà mẹ chồng đã nghe biết hết chuyện do cosplay (đóng vai) chiếc vòi nước. Bên dưới bài đăng gần 1.000 lượt chia sẻ là hàng ngàn comment tức giận với những người làm clip vì thứ hình ảnh cẩu thả đến kệch cỡm, không lừa được trẻ con.
Hình ảnh bà mẹ chồng cosplay thành chiếc vòi nước mà cô con dâu lăng loàn ngồi rửa bát không hề phát hiện ra gây nên tràng cười mỉa mai từ dân mạng
Còn rất nhiều thông tin giả mạo hay thông tin bẩn, nhảm như thế đang len lỏi vào cuộc sống hằng ngày của cư dân mạng.
Youtube, Facebook và Tiktok cũng đánh mất niềm tin của người dùng khi không can thiệp gỡ các sản phẩm bịa đặt, nhảm nhí dù đã có độc giả report (báo cáo), khiến những tin này có thêm "đất sống" khi thường xuyên giới thiệu, lan tỏa chúng trên news feed người dùng.
Hoàng Phương Lê