Khu vực bày bán gạo tại GrandLucky, một chuỗi siêu thị lớn ở Jakarta. Ảnh: Đỗ Quyên-PV TTXVN tại Indonesia
Ngày 3/2, quyền Giám đốc Cơ quan Thống kê quốc gia Indonesia (BPS), Amalia Adininggar Widyasanti, cho biết, sản lượng gạo của Indonesia từ tháng 1-3/2025 có thể đạt 15,06 triệu tấn thành phẩm (GKG), tăng 5,18 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2024. Điều này có nghĩa sản lượng gạo trong quý I/2025 tăng 52,40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà Amalia, triển vọng tăng trưởng trên được đưa ra dựa trên đánh giá kết quả sản xuất lúa gạo năm ngoái và khả năng thu hoạch trong cả nước từ đầu năm tới nay. Dữ liệu của BPS cũng báo cáo rằng sản lượng gạo trong năm 2024 giảm 1,54% so với năm 2023, xuống còn 30,62 triệu tấn. Bà Amalia cho biết: “Sự sụt sản lượng gạo có xu hướng giảm từ đầu năm 2024 do hiện tượng nắng nóng El Ninõ kéo dài gây hạn hán và mất mùa”.
Theo bà Amalia, tình trạng khan hiếm gạo khiến giá mặt hàng này tăng trong những tháng đầu năm 2025. Theo ghi nhận, giá gạo tăng đều ở các khâu gồm xay xát, bán buôn và bán lẻ, với mức tăng trung bình khoảng 0,92% trong tháng 1/2025, nhưng giảm 4,30% so với cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, gạo ở cấp độ bán buôn tăng 0,56% trong tháng 1/2025 và 1,11% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở cấp độ bán lẻ, giá gạo cũng có lạm phát lên tới 0,36% trong tháng 1/2025 và 2,29% so với cùng kỳ. Bà Amalia khẳng định, gạo là nguồn lương thực chủ yếu đối với người dân Indonesia. Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát giá gạo trên thị trường, trong đó tích cực tăng sản lượng dự trữ gạo quốc gia, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước.
Văn Phong (P/v TTXVN tại Jakarta)