Các tướng lĩnh Ấn Độ tham gia họp báo về chiến dịch Sindoor vào ngày 11/5. Ảnh: Reuters.
Theo Reuters, lần đầu tiên sau nhiều ngày, không có báo cáo về vụ nổ hay nã đạn pháo nào xuyên biên giới Ấn Độ - Pakistan trong đêm ngày 11 và rạng sáng 12/5. Đây được coi là đêm yên bình đầu tiên dù trước đó có thông tin hai bên vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Ấn Độ và Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn hôm 10/5 do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian. Trước đó, hai bên đã có 4 ngày đụng độ quân sự căng thẳng.
Một sĩ quan cấp cao của Ấn Độ cho biết, quân đội nước này đã gửi tin nhắn qua "đường dây nóng" tới Pakistan vào Chủ Nhật về các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn vào ngày hôm trước, khẳng định New Delhi sẵn sàng đáp trả. Một phát ngôn viên quân đội Pakistan bác bỏ cáo buộc từ phía Ấn Độ, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, các tướng lĩnh chỉ huy chiến dịch quân sự của hai bên sẽ trao đổi với nhau vào 12 giờ ngày 12/5 (giờ địa phương) để bàn về các vấn đề tiếp theo.
Hai quốc gia là đối thủ nhiều duyên nợ đã tấn công vào các cơ sở quân sự của nhau bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV), khiến hàng chục người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Mọi chuyện bắt đầu kể từ khi Ấn Độ đổ lỗi cho Pakistan về một cuộc tấn công khiến 26 du khách thiệt mạng ở vùng Kashmir vào tháng trước.
Pakistan bác bỏ cáo buộc của Ấn Độ và kêu gọi một cuộc điều tra trung lập để làm rõ vấn đề.
Islamabad đã gửi lời cảm ơn Washington vì đã tạo điều kiện cho lệnh ngừng bắn và hoan nghênh lời đề nghị của ông Trump về việc làm trung gian hòa giải tranh chấp vùng Kashmir với Ấn Độ. Trong khi đó, New Delhi vẫn chưa bình luận về sự tham gia của Mỹ về việc dàn xếp lệnh ngừng bắn hoặc các cuộc đàm phán tại một địa điểm trung lập trong tương lai.
Phe đối lập Ấn Độ hôm 11/5 kêu gọi một phiên họp Quốc hội đặc biệt về những diễn biến mới nhất với Pakistan.
"Chính phủ nên đưa ra lập trường về các tuyên bố của Mỹ gần đây, vì đây là các vấn đề có liên quan tới Ấn Độ", lãnh đạo Đảng Quốc đại đối lập, Sachin Pilot nêu quan điểm, theo Reuters.
Trước đây, Ấn Độ từng khẳng định sẽ chỉ giải quyết bất đồng với Pakistan một cách trực tiếp và từ chối sự tham gia của bên thứ ba.
Cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng Kashmir. Ấn Độ hiện kiểm soát 55% diện tích vùng, Pakistan kiểm soát 30% và Trung Quốc kiểm soát 15% còn lại.
Đăng Nguyễn - Reuters