Chiếc tiêm kích Su-27S của Không quân Ukraine được phát hiện với lớp sơn ngụy trang màu xám giống với tông màu của tiêm kích F-15C Eagle thuộc Không quân Mỹ. Ảnh: X
Theo các báo cáo gần đây, một chiếc tiêm kích Su-27S của Không quân Ukraine đã được phát hiện với lớp sơn ngụy trang mới. Không giống như kiểu sơn ngụy trang màu xanh da trời pha màu xám truyền thống cho vỏ máy bay của Không quân Ukraine, chiếc Su-27S mới xuất hiện với toàn thân màu xám.
Dòng chú thích đính kèm hình ảnh được đăng trên nền tảng mạng xã hội X bởi OSINTtechnical ghi rõ: “Su-27S Flanker trong biên chế của Trung đoàn Không quân Chiến thuật số 831 của Ukraine, được sơn màu xám”.
Đây không phải là lần đầu tiên một chiếc Su-27 của Không quân Ukraine được phát hiện với màu sơn thay đổi. Năm ngoái, một chiếc Su-27S khác đã xuất hiện với lớp sơn xám giống với tông màu của tiêm kích F-15C Eagle thuộc Không quân Mỹ.
Mục đích phủ sơn mới cho tiêm kích Su-27S
Theo trang tin quân sự Bulgarian Military, việc sơn lại các máy bay chiến đấu không chỉ đơn thuần là vấn đề thẩm mỹ hay sở thích cá nhân của phi công. Mặc dù sự thay đổi này có thể được xem là một bước tiến theo xu hướng phương Tây hoặc hiện đại hóa lực lượng không quân, nhưng cũng có một lý do chiến thuật cấp thiết hơn, liên quan trực tiếp đến sự thay đổi trong tác chiến đường không của Ukraine trong cuộc xung đột hiện tại.
Thay đổi chiến thuật này nhằm cải thiện khả năng ngụy trang của nó trong các điều kiện khí quyển khác nhau, phục vụ cho việc tăng cường khả năng hoạt động ở độ cao lớn của máy bay.
Theo truyền thống, các máy bay Su-27 của Không quân Ukraine có hoa văn ngụy trang xanh-xám, để tối ưu hóa hoạt động ở độ cao trung bình và thấp. Tuy nhiên, với sự thay đổi trong chiến tranh hiện đại, các cuộc không chiến ngày càng diễn ra ở độ cao lớn, nơi màu sắc của bầu trời và các tầng mây đòi hỏi một cách tiếp cận khác trong việc ngụy trang.
Việc sơn phủ thân máy bay bằng màu xám nhạt giống như các lực lượng không quân phương Tây giúp giảm khả năng bị phát hiện trong môi trường này, khiến kẻ địch khó theo dõi bằng mắt thường hơn trong những tình huống giao chiến.
Trên thực tế, điều kiện khí quyển ở các độ cao khác nhau có tác động khác nhau lên hiệu quả che giấu của máy bay quân sự. Không khí ở độ cao lớn không đồng nhất và ảnh hưởng không chỉ đến động lực khi bay, mà còn tạo ra các cơ hội khác nhau để ẩn nấp hoặc phát hiện mục tiêu.
Ở độ cao thấp, mây và độ ẩm trong khí quyển đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện máy bay. Trong những điều kiện này, các mẫu ngụy trang truyền thống với tông màu sáng hoặc tối có thể hòa vào môi trường tự nhiên, đặc biệt trong thời tiết nhiều mây và các hiện tượng khí tượng khác.
Trong khi đó, ở độ cao lớn, tình hình thay đổi đáng kể. Không khí ở tầm cao trong hơn và ổn định hơn, có ít mây hơn và độ ẩm thấp hơn. Trong bối cảnh này, các mẫu ngụy trang xám sáng sẽ hòa vào nền trời xanh và các tầng mây tốt hơn.
Lớp ngụy trang này giảm đáng kể khả năng bị phát hiện từ mặt đất hoặc từ trên không, khiến đối phương gặp nhiều khó khăn hơn trong việc theo dõi thị giác tiêm kích Ukraine trong các trận không chiến.
Điều kiện khí quyển cũng ảnh hưởng đến khoảng cách mà radar có thể phát hiện mục tiêu. Ở độ cao lớn, tín hiệu radar thường truyền qua không khí rõ hơn, mang lại lợi thế cho các máy bay hoạt động ở tầm cao.
Sự kết hợp của hai yếu tố – ngụy trang phù hợp và lợi thế về khả năng phát hiện radar – giúp các máy bay có thể cơ động với nguy cơ bị phát hiện thấp hơn trong giai đoạn đầu của trận không chiến.
Lợi thế chiến thuật khi hoạt động ở độ cao lớn
Tác chiến ở độ cao lớn mang lại một số lợi thế chiến thuật quan trọng.
Thứ nhất là tăng năng lượng động học, giúp máy bay có thể sử dụng tốc độ và quán tính tốt hơn, từ đó tăng hiệu suất của các tên lửa đối không đối không.
Thứ hai là mở rộng phạm vi phát hiện và tấn công vì ở độ cao này, radar có thể quét và khóa mục tiêu từ khoảng cách xa hơn.
Với các lợi thế chiến thuật khi hoạt động ở độ cao lớn, những chiếc tiêm kích Su-27 của Không quân Ukraine có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn như đánh chặn từ xa; kiểm soát không phận và bảo vệ các máy bay đồng minh trong khu vực tác chiến.
Tuy nhiên, để thực hiện các nhiệm vụ này một cách hiệu quả, những chiếc Su-27 của Không quân Ukraine có khả năng sẽ được trang bị các loại vũ khí phương Tây, đặc biệt là tên lửa đối không tầm xa.
Vũ khí mới có thể được trang bị cho Su-27 của Không quân Ukraine
Một trong những loại vũ khí quan trọng mà Không quân Ukraine có thể trang bị cho Su-27 là tên lửa AIM-120.
Đây là một loại tên lửa không đối không tầm ngắn tiên tiến (ASRAAM), được thiết kế dành cho hoạt động tác chiến ở cự ly gần, có khả năng cơ động cao, tự dẫn bằng radar chủ động.
Có thông tin đáng tin cậy rằng Ukraine đã nhận được tên lửa AIM-120B và AIM-120C như một phần hỗ trợ quân sự từ Mỹ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. Chúng được trang bị cho lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm cả trên các tiêm kích F-16 do các đối tác phương Tây cung cấp.
Hai loại tên lửa này có tầm bắn lần lượt khoảng 70 km và 105 km. Tuy nhiên, không có xác nhận chính thức về việc nước này có được phiên bản AIM-120D (tầm bắn 160-180 km).
Theo các nguồn tin công khai, bao gồm các báo cáo từ năm 2024, Ukraine đã nhận được các biến thể như AIM-120B và AIM-120C, với tầm bắn lần lượt khoảng 70 km và 105 km. Tuy nhiên, việc bàn giao biến thể mới nhất AIM-120D, có tầm bắn 160-180 km, vẫn chưa được xác nhận, mặc dù điều này đã được đề cập như một khả năng trong tương lai.
Mặc dù Vương quốc Anh là một đồng minh quan trọng của Ukraine và đã cung cấp viện trợ quân sự đáng kể, bao gồm tên lửa Storm Shadow và các hệ thống phòng không, nhưng tính đến tháng 2/2025, không có dữ liệu cụ thể về việc bàn giao ASRAAM. Có khả năng các cuộc đàm phán đã diễn ra hoặc có những thông tin không được công khai, nhưng điều này chưa được xác nhận từ các nguồn tin đáng tin cậy.
Chiến đấu cơ Su-27 của Không quân Ukraine với màu sơn truyền thống. Ảnh: Wikimedia
Chiến lược tác chiến ở tầm cao với tên lửa AIM-120 AMRAAM
Việc sử dụng tên lửa AIM-120 AMRAAM kết hợp với các hoạt động tác chiến ở độ cao lớn có thể làm thay đổi cục diện không chiến trên bầu trời Ukraine. Chiến lược này không chỉ nhằm ngăn chặn hoạt động của không quân Liên bang Nga, mà còn giúp mở rộng khả năng tác chiến của các tiêm kích Ukraine trong các chiến dịch tương lai.
Ngoài những lợi thế chiến thuật, việc thay đổi màu sơn của Su-27 cũng có thể là một tín hiệu của nỗ lực hiện đại hóa quy mô lớn hơn và tăng cường sự tương thích với các đối tác phương Tây. Không quân NATO từ lâu đã sử dụng các mẫu ngụy trang tương tự nhằm đảm bảo ưu thế trên không, một bước đi có thể giúp Ukraine hợp tác và tích hợp dễ dàng hơn với lực lượng đồng minh trong tương lai.
Sự thay đổi về mặt thị giác cũng có tác động tâm lý đáng kể. Trong bối cảnh cuộc chiến với Liên bang Nga, mọi chi tiết nhỏ – kể cả lớp sơn trên tiêm kích – đều có thể ảnh hưởng đến nhận thức trên chiến trường. Việc cập nhật diện mạo cho Su-27 không chỉ giúp phân biệt máy bay Ukraine với máy bay Liên bang Nga, mà còn thể hiện cam kết của Ukraine trong việc hiện đại hóa lực lượng và thích nghi với yêu cầu mới của chiến tranh trên không.
So sánh hiệu quả ngụy trang giữa Su-27 Ukraine và tiêm kích Nga
Hiệu quả của lớp ngụy trang mới trên Su-27 không thể được đánh giá mà không so sánh với màu sơn và đặc điểm tác chiến của các tiêm kích Liên bang Nga cũng như các máy bay chiến đấu khác trong khu vực.
Tiêm kích Su-27 và MiG-29 của Không quân Liên bang Nga cũng dựa vào các mẫu màu sơn đặc trưng để tối ưu hóa khả năng che giấu trong điều kiện tác chiến nhất định. Ví dụ, máy bay Liên bang Nga thường sử dụng tông màu xanh lục-nâu và xám, giúp hòa vào môi trường tự nhiên ở độ cao thấp, nhưng không nhất thiết phát huy tác dụng ở độ cao lớn, nơi điều kiện ánh sáng và khí quyển khác biệt hoàn toàn.
Tác chiến ở độ cao lớn đặt ra yêu cầu hoàn toàn khác về ngụy trang. Các màu sơn truyền thống của Liên bang Nga có thể không mang lại hiệu quả tối ưu trong tác chiến đường không ở độ cao lớn, điều này có thể tạo ra lợi thế cho Su-27 Ukraine với lớp ngụy trang mới.
Việc chuyển sang các tông màu sáng hơn và trung tính hơn không chỉ đồng bộ với chiến thuật của phương Tây, mà còn giúp tiêm kích Ukraine khó bị phát hiện hơn trong điều kiện bay ở độ cao lớn, nơi bầu trời trong hơn và có ít mây hơn.
Sự thay đổi này có thể có ý nghĩa chiến lược đối với khả năng cơ động chiến thuật của máy bay. Ví dụ, nếu Su-27 Ukraine khó bị phát hiện hơn và có thể hoạt động an toàn hơn ở độ cao lớn thì điều này sẽ mang lại lợi thế quan trọng khi đối đầu với tiêm kích của Không quân Liên bang Nga, vốn có thể không có công nghệ hoặc chiến thuật ngụy trang phù hợp cho tác chiến ở độ cao lớn
Khả năng ẩn nấp tốt hơn ở độ cao lớn giúp các máy bay này linh hoạt hơn, giảm khả năng bị phát hiện trước khi có thể tiếp cận và tấn công đối phương từ khoảng cách xa.
Thành Nam/Báo Tin tức