Tín hiệu vui cho nông sản

Tín hiệu vui cho nông sản
2 ngày trướcBài gốc
Giá tiêu xuất khẩu tăng
Khảo sát ngày 16/1, giá tiêu trong nước quay đầu giảm nhẹ. Hiện giá thu mua tiêu tại các thị trường trọng điểm dao động trong khoảng 145.000 - 146.000 đồng/kg; giá tiêu trung bình là 145.400 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay ở Gia Lai và Đắk Lắk ít biến động so với phiên giao dịch trước. Hiện giá tiêu 2 địa phương này được thu mua ở mức 145.000 đồng/kg…
Xuất khẩu hạt tiêu dự báo sẽ được giá trong năm 2025. Ảnh: Chu Khôi.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dù giá tiêu có chiều hướng giảm nhẹ song giá trên vẫn đang ở mức cao. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), giá tiêu nội địa người dân bán ra tại các vườn trồng tiêu vẫn đang ở mức rất cao, ngang bằng với giá tiêu trong nước ngày 27/12/2024 ở mức 145.000 - 146.000 đồng/kg. So với mức giá tiêu nội địa vào cuối tháng 12/2023 chỉ ở mức 82.000 - 83.000 đồng/kg, thì hiện tại giá tiêu trong nước đã tăng tới 75%, tương đương với mức tăng 62.000 - 63.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam đi ngang trong những ngày giữa tháng 1/2025, hiện giá tiêu đen của Việt Nam loại 500gr/l đạt 6.350 USD/tấn; loại 550gr/l đạt 6.650 USD/tấn.
Tương tự, giá tiêu trắng của Việt Nam vẫn ổn định ở mức cao, đạt 9.550 USD/tấn. Như vậy, so với cuối tháng 12/2024, hiện tại giá tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng tới 1.300 USD/tấn, tức là tăng 16%. So với giữa năm 2024, hiện tại giá tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam tăng tới 2.660 USD/tấn, tương đương với tăng 38%; trong khi đó giá tiêu đen tăng thêm 1.490 USD/tấn, tương đương với tăng 29%.
Theo VPSA, giá hồ tiêu cao hiện nay sẽ khuyến khích nông dân tăng cường canh tác, nâng cao năng suất. Tuy nhiên, các khu vực trồng mới sẽ cần thời gian để cho ra sản phẩm, do đó các quốc gia sản xuất như Việt Nam khó có thể phục hồi đáng kể trong thời gian ngắn. Dù vậy, những tín hiệu ban đầu cho vụ mùa năm 2025 tại Việt Nam khá tích cực, với tiềm năng đạt năng suất cao nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Qua đó kỳ vọng vừa được mùa, vừa được giá.
“Nông dân và doanh nghiệp ngành hàng tiêu cần nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu trồng, các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu” - VPSA khuyến nghị.
Xuất khẩu điều có nhiều cơ hội bứt phá
Mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn về mùa vụ và thị trường, nhưng năm 2024 nhân điều xuất khẩu vẫn nằm trong nhóm 7 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu trên 3 tỷ USD của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 4,37 tỷ USD, tăng 20,2% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với năm 2023. Năm 2024 cũng là năm đánh dấu kỷ lục xuất khẩu của ngành điều Việt Nam, giữ vững vị trí số 1 thế giới suốt 18 năm liên tục khi chiếm hơn 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu toàn cầu. Ngành điều Việt Nam đã lấy lại vị thế xuất siêu trong năm 2024, với thặng dư thương mại đạt 1,12 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất. Đáng chú ý, năm 2024 ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ chi tới hơn 1,15 tỷ USD để nhập khẩu gần 192.200 tấn hạt điều của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Mỹ tăng 21,3% về lượng và tăng 30,3% về giá trị so với năm trước đó.
Về triển vọng năm 2025, Hiệp hội Điều Việt Nam đánh giá, động lực tăng trưởng của thị trường hạt điều là sự phát triển của ngành chế biến thực phẩm, được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa, lối sống thay đổi của người tiêu dùng và nhu cầu về thực phẩm tiện lợi. Theo đó, hạt điều được sử dụng rộng rãi trong ngành chế biến thực phẩm để làm đồ ăn nhẹ, bánh kẹo, sản phẩm bánh mì...
Với xu hướng này, nhu cầu nhập khẩu hạt điều của các thị trường lớn nhiều khả năng sẽ vẫn có xu hướng tăng trong thời gian tới, tạo dư địa xuất khẩu cho các nhà cung ứng Việt Nam. Theo dự báo, thị trường hạt điều toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022 - 2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao, trong đó có hạt điều... Đây sẽ là cơ hội tốt để ngành điều Việt Nam bứt tốc hơn nữa trong thời gian tới.
Không chỉ riêng mặt hàng hồ tiêu và hạt điều, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2025. Hiện nay, nhiều đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) được triển khai hiệu quả kết hợp với các giải pháp mở cửa thị trường mới như Trung Ðông, châu Phi, Nam Á…; đàm phán, ký kết các đơn hàng tiếp theo trong năm 2025 đang là cơ sở vững chắc để xuất khẩu nông sản bứt phá mạnh mẽ.
Để nắm bắt được cơ hội, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Hòa cho rằng, cần bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản gắn với phát triển hạ tầng logistics. Đặc biệt, chú trọng thực hiện hiệu quả nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ... nhằm đáp ứng nhanh chóng, đầy đủ những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, môi trường, lao động, xã hội... của các đối tác nhập khẩu.
TS Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn dự báo, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản có thể tăng trưởng tốt trong quý I/2025. Nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia do bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn.
Khanh Lê
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tin-hieu-vui-cho-nong-san-10298475.html