GIẢM CHI PHÍ, TĂNG LỢI NHUẬN
Kiên Giang là một trong 5 tỉnh, thành phố được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thực hiện các mô hình thí điểm áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp và Hợp tác xã tôm cua lúa Thạnh An, huyện An Minh, làm tiền đề để nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh, phấn đấu diện tích lúa chất lượng cao, phát thải thấp đến năm 2025 đạt 200.000ha.
Sau thời gian dài chuẩn bị, đề án chính thức khởi động và thực hiện sản xuất vụ lúa đầu tiên trong năm 2024, với những tín hiệu tích cực về hiệu quả kinh tế, môi trường và tư duy của nông dân về quy trình canh tác.
Nông dân Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, huyện Tân Hiệp thu hoạch lúa bằng máy gặt tuốt liên hợp.
Vụ thu đông 2024 là vụ lúa đầu tiên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa thực hiện thí điểm quy trình canh tác mới với quy mô 50ha. Với quy trình canh tác này, nông dân thực hiện giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng giống xác nhận, áp dụng quản lý nước ngập, khô xen kẽ, gieo sạ bằng máy, rơm rạ sau thu hoạch được đưa ra khỏi đồng, không đốt hoặc chôn vùi rơm rạ để giảm lượng khí thải nhà kính.
Anh Nguyễn Văn Huỳnh - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa cho biết: “Mặc dù lúc bắt đầu thực hiện quy trình canh tác mới, một số nông dân vẫn còn lo ngại quy trình này sẽ không mang lại năng suất cao vì lượng giống giảm nhiều so với phương thức canh tác truyền thống. Quá trình triển khai thực hiện, hợp tác xã nhận được quan tâm và đồng hành của các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào sản xuất, máy móc nông nghiệp, lúa giống, phân bón… cùng sự hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăm sóc lúa từ lúc gieo sạ đến thu hoạch của cán bộ tổ khuyến nông cộng đồng, vụ lúa thu đông 2024 hợp tác xã thắng lợi lớn cả về năng suất, sản lượng”.
Ông Hồ Văn Hướng - thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa nói: “Không riêng tôi, các hộ tham gia canh tác theo quy trình mới chi phí sản xuất giảm đáng kể, lợi nhuận bình quân từ 30-35 triệu đồng/ha. Nhờ giảm lượng giống gieo sạ từ 120kg/ha xuống còn 70kg/ha, bón phân cân đối đúng cách giúp giảm hơn 50% lượng phân đạm trong sản xuất, cây lúa khỏe, đẻ nhánh tốt, không bị đổ ngã, năng suất bình quân đạt 5,5 - 6 tấn/ha”.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, sau vụ đầu tiên áp dụng quy trình canh tác này, các hộ nông dân tham gia mô hình nhận thấy được những lợi ích thiết thực từ việc giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, lượng nước tưới trong quá trình sản xuất. Đây là những giải pháp kỹ thuật giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Ngoài ra, đây là mô hình đầu tiên có sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Kết quả mô hình thí điểm là nền tảng, cơ sở để ngành nông nghiệp tiếp tục nhân rộng trên toàn diện tích tham gia đề án như cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian tới.
GIẢM 50% LƯỢNG KHÍ NHÀ KÍNH
Anh Nguyễn Văn Huỳnh cho biết: “Ngoài việc giảm chi phí, tăng lợi nhuận, mô hình canh tác bước đầu mang lại hiệu quả về giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cho nông dân”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI, khi nông dân áp dụng kỹ thuật ngập, khô xen kẽ, thực hiện 3 lần siết nước/vụ, lượng khí thải nhà kính đo được khoảng 6-7 tấn CO2 tương đương/ha, giảm khoảng 8 tấn khí CO2 tương đương/ha.
Nông dân Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, huyện Tân Hiệp áp dụng gieo sạ bằng máy sạ cụm trong vụ đông xuân 2024-2025.
Ngoài ra, việc cơ giới hóa sản xuất như gieo sạ bằng máy sạ hàng, máy sạ cụm mang lại hiệu quả cao hơn, giúp bộ rễ của lúa phát triển tốt, tận dụng tối đa dinh dưỡng từ phân bón tốt nhất, tận dụng được tối đa ánh sáng, giúp năng suất cao hơn, giảm được đổ ngã. Lượng giống giảm khoảng 30kg/ha, lượng phân đạm giảm khoảng 44kg/ha, ngoài ra giảm lượng phân đạm giúp giảm đáng kể lượng khí nhà kính.
Nông dân áp dụng thành thạo các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM đã giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, góp phần giảm chi phí và tác động tiêu cực đến môi trường. Lượng phát thải khí nhà kính ước tính giảm khoảng 50%.
Những kết quả tích cực từ mô hình thí điểm đã minh chứng rõ nét về hiệu quả bước đầu của đề án 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long là nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua áp dụng quy trình canh tác bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bài và ảnh: THÙY TRANG