Giá cá tra cao nhất kể từ năm 2020. Ảnh: Ngọc Yến.
Vượt qua hai năm đầy biến động về thị trường xuất khẩu và sản xuất trong nước, ngành cá tra Việt Nam đã chứng tỏ khả năng thích ứng linh hoạt và quyết tâm mạnh mẽ để nắm bắt cơ hội bứt phá trong xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 1/2025 ước đạt 209 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2024, xuất khẩu cá tra đạt 2 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023 và đóng góp 20% vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo VASEP, nguyên nhân chính khiến giá cá tra cỡ lớn tăng mạnh là do nguồn cung hạn chế. Tính đến cuối tháng 12/2024, cá tra có trọng lượng từ 800g - 1kg chiếm 37% tổng đàn, trong khi cá có kích thước lớn hơn chỉ chiếm khoảng 5%. Nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, cũng góp phần đẩy giá lên mức cao. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh trong tháng 12 khiến cá phát triển chậm, càng làm giảm nguồn cung. Giá cá giống cũng tiếp tục tăng mạnh, đạt 46.300 đồng/kg trong tháng 1/2025, mức cao nhất kể từ tháng 2/2023.
VASEP nhận định năm 2025 hứa hẹn sẽ là năm xuất khẩu cá tra chinh phục những cột mốc mới. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ sẽ rất thuận lợi, vì ngày 17/1/2025, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Thỏa thuận song phương về việc dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với cá philê xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã được đưa ra khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá đối với cá tra, basa xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Đây là công ty chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ. Thỏa thuận giải quyết tranh chấp thuế chống bán phá giá này mở ra cơ hội lớn cho Vĩnh Hoàn và ngành cá tra Việt Nam, giúp mở rộng xuất khẩu ổn định hơn sang thị trường Hoa Kỳ với các sản phẩm chất lượng và bền vững.
“Năm 2025, kinh tế tiếp tục phục hồi và nhu cầu tại các thị trường lớn bắt đầu gia tăng mạnh mẽ. Đây sẽ là động lực quan trọng giúp ngành cá tra Việt Nam bứt phá” - VASEP nhận định. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi theo VASEP chất lượng con giống - khâu quan trọng của ngành hàng vẫn còn chưa đạt. Theo VASEP, dù nhu cầu từ các thị trường như Trung Quốc và EU vẫn ổn định, nhưng sự thiếu hụt cá giống và các biến động về thuế quan quốc tế, đặc biệt là các chính sách áp dụng thuế chống bán phá giá, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tăng trưởng của xuất khẩu cá tra trong năm nay.
Việc nguồn cung cá tra bị hạn chế, kết hợp với sự biến động trong các thị trường xuất khẩu, có thể dẫn đến sự gia tăng giá trị xuất khẩu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguyên liệu thô và sự thay đổi trong chính sách thuế quan có thể tạo ra một môi trường khó khăn cho ngành cá tra trong thời gian tới.
Để khắc phục vấn đề này, VASEP cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu chọn tạo các tính trạng cá giống (kháng bệnh, tăng tỷ lệ phile, chịu mặn,...) theo nhu cầu thị trường. Kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống theo quy định của Luật Thủy sản.
Khanh Lê