Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (sáp nhập ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm hành chính đặt tại Ninh Bình).
Cổng tam quan tại TP Hoa Lư. Ảnh: N.L.
Theo đó, tỉnh Ninh Bình được xác định là đầu mối chủ trì toàn bộ quá trình xây dựng đề án, điều phối hoạt động giữa các tỉnh liên quan, lập hồ sơ, lấy ý kiến cử tri, tổ chức kỳ họp HĐND các cấp và trình Chính phủ trong thời hạn gấp rút.
Ngay sau khi kế hoạch được ban hành, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Bình phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của hai tỉnh Hà Nam và Nam Định khẩn trương soạn thảo đề cương Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Dự thảo này sẽ được trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình xem xét, đóng góp ý kiến và hoàn thiện, trước khi chuyển tới UBND tỉnh Hà Nam và UBND tỉnh Nam Định để xin ý kiến chính thức.
Một nội dung quan trọng của đề án là tổ chức lấy ý kiến cử tri tại các địa phương. UBND các huyện, thành phố, thị xã của ba tỉnh sẽ chủ trì tổ chức lấy ý kiến người dân theo hình thức phù hợp, bảo đảm đồng bộ với quá trình lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Theo kế hoạch, toàn bộ quá trình lấy ý kiến sẽ được hoàn tất trong ngày 23/4, kết quả sẽ được tổng hợp và gửi về Sở Nội vụ tỉnh Ninh Bình để tiếp tục hoàn thiện Đề án.
Một góc Di sản Tràng An. Ảnh: N.L.
Sau khi lấy ý kiến cử tri, ba tỉnh sẽ đồng loạt tổ chức các kỳ họp HĐND cấp xã và huyện vào ngày 25 và 26/4, để xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tiếp đó, vào ngày 28/4, HĐND các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình sẽ tiến hành họp phiên đặc biệt để ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập, làm cơ sở pháp lý trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Trên cơ sở các Nghị quyết của HĐND và kết quả lấy ý kiến cử tri, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thiện hồ sơ Đề án và xây dựng Tờ trình UBND tỉnh để gửi lên Chính phủ và Bộ Nội vụ, thời hạn hoàn thành là trong ngày 29/4.
Hà Tĩnh dự kiến còn 70 đơn vị cấp xã sau sắp xếp
Ngày 22/4, Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho biết đơn vị này vừa có đề xuất phương án chọn trụ sở làm việc mới cho 70 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. Đề xuất này được dựa trên một số nguyên tắc ưu tiên và cơ sở phương án dự kiến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã do Sở Nội vụ lập và ý kiến tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Thành phố Hà Tĩnh từ 26 phường, xã dự kiến sau sắp xếp còn 7 phường xã.
Theo đó, Hà Tĩnh ưu tiên sử dụng trụ sở bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, giúp chính quyền địa phương mới nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.
Vị trí đặt trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới phải là khu vực trung tâm phân bổ dân cư, có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển giúp người dân dễ dàng tiếp cận và đảm bảo khả năng kết nối thuận lợi với các khu vực khác trong tỉnh.
Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập, bảo đảm giữ vững quốc phòng an ninh.
Ưu tiên lựa chọn các Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới tại các đô thị đã có trong danh mục phương án phát triển đô thị tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030
Theo dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hà Tĩnh, sẽ thực hiện sắp xếp từ 209 đơn vị hiện nay thành 70 đơn vị hành chính cấp xã mới, dự kiến giảm 139 đơn vị (giảm hơn 66,5%). Đối với Thành phố Hà Tĩnh từ 26 phường, xã, dự kiến sau sắp xếp còn 7 đơn vị hành chính.
Tại một số địa phương của tỉnh hiện đang thực hiện đề án thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Cùng với đó tên gọi đơn vị hành chính mới cũng là vấn đề được bàn luận, lấy ý kiến để phù hợp.
“Việc sáp nhập các đơn vị hành chính là chủ trương lớn, theo đề án cụ thể. Với tên gọi các địa phương, đơn vị hành chính sau sắp xếp sẽ ưu tiên các tên gọi cũ, có từ lâu và ý kiến đồng thuận, phù hợp của người dân”, một lãnh đạo địa phương chia sẻ.
Minh Đức - Phạm Trường