Hà Nội xử lý nghiêm vi phạm quản lý đất đai, TPHCM đề xuất chính quyền cấp xã được cấp sổ hồng
Một góc TPHCM. Ảnh: TL
Trong hôm nay (29-4), trên cả nước có nhiều thông tin đáng chú ý xoay quanh lĩnh vực đất đai. Chẳng hạn, Hà Nội, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua quy định áp dụng mức phạt tiền gấp đôi quy định hiện hành của Chính phủ đối với 71 hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Biện pháp này được kỳ vọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai trên địa bàn, đặc biệt với những hành vi vi phạm phổ biến hoặc gây hậu quả khó khắc phục.
Đáng chú ý, Hà Nội cũng đề xuất thí điểm một chính sách mới theo Nghị quyết 171 của Quốc hội, cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án nhà thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp (đất thương mại dịch vụ). Danh mục dự kiến có 157 khu đất với tổng diện tích hơn 860 hecta được đề xuất cho chương trình thí điểm này trong 5 năm.
Trong khi đó, ở Đồng Nai, qua kiểm tra 5 dự án nhà ở xã hội ở thành phố Biên Hòa, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã chỉ ra nhiều tồn tại và vi phạm, trong đó có đến 26 căn hộ sử dụng không đúng đối tượng, gần 370 trường hợp vắng mặt khi kiểm tra và nhiều căn bỏ trống. Thậm chí một số trường hợp cho người nước ngoài thuê lại nhà ở xã hội.
Tình trạng này được đánh giá làm giảm cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của những người thực sự đủ điều kiện và có nhu cầu. Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư rà soát, kiểm điểm và xử lý các trường hợp vi phạm đồng thời kiến nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi nhà ở xã hội sử dụng sai đối tượng.
Cũng liên quan đến quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã kiến nghị chuyển thẩm quyền giao đất cho cá nhân và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) lần đầu về chính quyền cấp xã, thay vì cấp huyện như hiện nay. Điều này nhằm tạo thuận tiện cho người dân và phù hợp với phân cấp. Thành phố cũng đề xuất tái cấu trúc hệ thống văn phòng đăng ký đất đai theo mô hình cụm địa bàn.
Trong khi đó, tỉnh Long An đang chuẩn bị thu hồi đất để triển khai khu dân cư đô thị quy mô khoảng 317 hecta phía bắc sông Bến Lức - Chợ Đệm. Khu này dự kiến sẽ là nơi sinh sống của khoảng 50.000 người. Dự án này nằm ven đường Vành đai 3 TPHCM và được coi là một phần quan trọng trong việc phát triển các khu đô thị công nghiệp hiện đại dọc theo các trục kinh tế động lực của tỉnh.
Thúc đẩy đầu tư và hoàn thiện hạ tầng giao thông
Hôm nay (29-4), tại Bình Phước, dự án thành phần 1 tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đã chính thức được động thổ. Với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỉ đồng, tuyến cao tốc này được kỳ vọng là trục kết nối chiến lược giữa Bình Phước, Đắk Nông với Bình Dương và TPHCM, giúp rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí logistics và thúc đẩy giao thương.
Cũng liên quan đến lĩnh vực giao thông, TPHCM và tỉnh Đồng Nai đang phối hợp triển khai các bước tiếp theo để xây dựng tuyến đường tốc độ nhanh kết nối khu nam TPHCM với sân bay Long Thành. Dự kiến, tổng vốn dự án hơn 21.484 tỉ đồng, dài khoảng 16,7km, quy mô 6 làn xe cơ giới, là một phần của mạng lưới đường trục chính tốc độ nhanh mà TPHCM đang nghiên cứu. Tuyến đường này cùng với các tuyến khác sẽ tạo trục giao thông kết nối hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Hai địa phương cũng tập trung xây dựng cầu kết nối như cầu đường Phú Mỹ 2, cầu Cát Lái và cầu Đồng Nai 2 đồng thời đẩy nhanh tiến độ kết nối đường sắt và nghiên cứu tuyến tàu cao tốc đường thủy.
Tại Hà Nội, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu. Cây cầu dài khoảng 7,5 km bắc qua sông Hồng, nối Hà Nội với Hưng Yên với tổng mức đầu tư dự kiến gần 12.000 tỉ đồng và dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2025-2028. Việc hoàn thành cầu Ngọc Hồi sẽ giúp hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3,5, tăng cường kết nối liên vùng, phân luồng giao thông và giảm áp lực cho các tuyến đường hiện hữu đi vào trung tâm.
Hà Nội cũng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường kết nối cầu Tứ Liên với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có thêm 9 cầu bắc qua sông Hồng trong tương lai.
Hơn 150 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo
Hoạt động thương mại quốc tế và xuất khẩu của Việt Nam cũng ghi nhận những điểm sáng tăng trưởng.
Tính đến cuối tháng 4, Việt Nam có 152 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Ảnh: Trung Chánh
Tính đến cuối tháng 4, Việt Nam có 152 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong 3 tháng đầu năm 2025, cả nước xuất khẩu gần 2,31 triệu tấn gạo, thu về 1,21 tỉ đô la Mỹ. Dự báo xuất khẩu gạo năm 2025 có thể giảm về lượng so với năm 2024 nhưng giá trị có thể tăng nếu đẩy mạnh các dòng gạo thơm và chất lượng cao.
Liên quan đến xuất khẩu, mặt hàng tôm, ngành tôm tiếp tục ghi nhận tăng trưởng cao trong quí 1-2025 với kim ngạch xuất khẩu đạt 939 triệu đô la Mỹ, tăng 37% so với cùng kỳ. Trung Quốc, Mỹ và EU là những thị trường xuất khẩu tôm chủ yếu của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành tôm đang đối mặt với nhiều thách thức như ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới từ Mỹ (áp thuế đối ứng 46%) cùng với các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Bên cạnh đó là những cạnh tranh từ thị trường Ecuador, Ấn Độ, Indonesia.
Về hoạt động thương mại quốc tế, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia, bà Cham Nimul đã thống nhất sớm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỉ đô la Mỹ.
Hai bên cũng đã ký bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2025-2026 với mức ưu đãi thuế quan cho nhiều hàng hóa. Các biện pháp thúc đẩy hợp tác bao gồm hoàn thiện hạ tầng logistics biên giới, chuyển thương mại tiểu ngạch sang chính ngạch, chống buôn lậu và gian lận thương mại, cũng như tăng cường hợp tác kỹ thuật để giảm thiểu tranh chấp.
Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 14%
Bộ Tài chính cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2025, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 14,32% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024. Vốn ngân sách địa phương giải ngân tốt hơn so với trung ương.
Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp trọng tâm để đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt trên 100% trong năm 2025, bao gồm thúc đẩy giải ngân theo chỉ đạo, xử lý vốn chưa phân bổ và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án ODA.
Nhà thầu thi công tại một dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam. Ảnh: T.Đào
Một thông tin khác, theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, từ nay đến năm 2035, nhu cầu vốn đầu tư cho điện lực ước khoảng 16-18 tỉ đô la Mỹ/năm và tăng lên khoảng 20 tỉ đô la Mỹ mỗi năm sau năm 2035.
Quy hoạch này đặt mục tiêu cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội với tốc độ tăng trưởng GDP cao. Bộ Công Thương đề nghị rà soát quy định, đặc biệt là giá điện, để xây dựng chính sách phù hợp thị trường nhằm thu hút đầu tư.
Nhiều điểm du lịch 'nóng' trong kỳ nghỉ lễ 30-4
Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày là cơ hội để người dân, du khách lên kế hoạch tham quan, nghỉ dưỡng. Một số thành phố như Vũng Tàu, Nha Trang và Phú Quốc đều ghi nhận lượng khách khá đông. Công suất phòng tại nhiều khách sạn, resort đạt mức cao.
Chẳng hạn, từ ngày 28-4 đến 4-5, Phú Quốc đón từ 84-100 chuyến bay đưa, đón khách du lịch trong và ngoài nước đến đảo tham quan du lịch. Ngoài ra, các hãng phà, tàu cao tốc từ thành phố Rạch Giá - thành phố Phú Quốc, thành phố Hà Tiên - thành phố Phú Quốc cũng tăng chuyến chạy phục vụ du khách.
Ở Khánh Hòa, lượng khách du lịch tập trung cao điểm trong ba ngày, từ ngày 1 đến 3-5 với công suất phòng trên 80% tại một số khách sạn lớn ở trung tâm thành phố Nha Trang.
Ngoài ra, với kỳ nghỉ dài, Đà Lạt dự kiến đón hơn 80.000 lượt khách. Các chủ khách sạn kỳ vọng công suất sẽ tăng cao trong những ngày chính thức của kỳ lễ, đặc biệt là các khách sạn ở khu vực ngoại ô nhờ giá cả hợp lý và đi lại thuận tiện.
Đào Tân