Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay duy trì đà giảm nhẹ

Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay duy trì đà giảm nhẹ
9 giờ trướcBài gốc
Ảnh: Energy
Giá dầu hôm nay duy trì đà giảm nhẹ
Tính đến đầu giờ chiều 7/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 66,34 USD/thùng - giảm 0,24%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 68,09 USD/thùng - giảm 0,31%.
Một trong những yếu tố chính gây áp lực lên giá dầu hiện nay là chính sách gia tăng sản lượng của OPEC+, trong bối cảnh thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh về nhu cầu tiêu thụ.
OPEC+ mới đây đã nhất trí tiếp tục tăng sản lượng dầu mỏ trong tháng 8 thêm 548.000 thùng/ngày, nhằm giành lại thị phần trong bối cảnh nguồn cung từ các nhà khai thác đối thủ như Mỹ ngày càng tăng.
Việc tăng sản lượng của OPEC+ cho thấy liên minh này như đang làm theo mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng sản lượng và ngăn chặn bất kỳ sự tăng giá dầu nào. Mặc dù giá dầu đã tăng gần mức cao nhất năm 2025 vào tháng 6, trong bối cảnh xung đột Israel - Iran nhưng việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn đã khiến giá dầu thô đảo chiều giảm xuống dưới 70 USD/thùng.
Giá khí tại Mỹ hôm nay quay đầu giảm
Tính đến đầu giờ chiều 7/7 (theo giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên tại thị trường Mỹ giao dịch ở ngưỡng 3,310 USD/mmBTU - giảm 2,27%.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang vật lộn để cân bằng giữa nhu cầu năng lượng và các nguy cơ địa chính trị tiềm ẩn, thị trường khí đốt tiếp tục dao động mạnh với những xu hướng phân hóa rõ rệt giữa ba khu vực trọng điểm: Mỹ, châu Âu và châu Á. Từ những đợt nắng nóng kỷ lục tại Bắc Mỹ đến nỗ lực tích trữ quy mô lớn của châu Âu và sự suy yếu nhu cầu tại châu Á, bức tranh thị trường khí đốt hôm nay phản ánh rõ sự đan xen giữa yếu tố khí hậu, chính sách và địa chính trị.
Tại Mỹ, thời tiết nóng nực được cho là tiếp tục kéo dài ở miền Nam và miền Trung nước này. Nhu cầu làm mát tăng mạnh khiến lượng điện tiêu thụ tăng vọt, kéo theo nhu cầu khí cho phát điện. Theo dự báo, cao điểm đợt nắng nóng sẽ đến vào giữa tháng 7, khi đó giá có thể được hỗ trợ đáng kể. Tuy nhiên, nguồn cung khí khô của Mỹ vẫn ở mức cao kỷ lục - khoảng 106 tỷ feet khối mỗi ngày - góp phần giữ giá không tăng đột biến. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) đang tạm thời chững lại do bảo trì tại các tổ hợp Sabine Pass và Freeport, khiến tổng xuất khẩu tháng 6 giảm xuống còn 8,4 triệu tấn.
Trong khi đó, châu Âu đang chứng kiến làn sóng tích trữ LNG chưa từng có nhằm chuẩn bị cho mùa đông. Sáu tháng đầu năm, khối này đã nhập khẩu tới 66,4 triệu tấn LNG - tăng hơn 21% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc khối EU tiếp tục giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, đồng thời đề phòng các rủi ro từ Trung Đông.
Căng thẳng tại eo biển Hormuz - nơi hơn 20% lưu lượng LNG toàn cầu đi qua, đã khiến phí vận chuyển tăng gấp bốn lần kể từ đầu tháng 6. Một sự gián đoạn nghiêm trọng tại đây có thể khiến 86 tỷ mét khối khí mỗi năm bị cắt khỏi thị trường, đẩy giá tại sàn TTF vọt lên mức 29 USD/MMBtu, theo một ước tính của Rystad Energy. Dù giá khí tại châu Âu hiện tạm thời giảm nhẹ về mức 33 EUR/MWh, thị trường vẫn ở trạng thái nhạy cảm cao trước bất kỳ biến động nào.
Ngược lại, thị trường châu Á lại đang có dấu hiệu suy yếu khi giá cao tiếp tục kìm hãm nhu cầu nhập khẩu. Tổng lượng LNG nhập về khu vực này trong nửa đầu năm đã giảm 6,4%, trong đó Trung Quốc - nước nhập khẩu lớn nhất - giảm tới 22%.
AI đe dọa đến sự ổn định của lưới điện
Giám đốc điều hành của Hitachi Energy, Andreas Schierenbeck đã cảnh báo rằng sự gia tăng đột biến về mức tiêu thụ năng lượng từ các trung tâm dữ liệu AI đang khiến lưới điện trở nên bất ổn hơn.
Cuộc đua trí tuệ nhân tạo đã làm dấy lên nhiều lo ngại về an ninh cung cấp điện do quy mô lớn của mức tiêu thụ năng lượng của trung tâm dữ liệu AI. Tháng trước, Rystad Energy cho biết mức tiêu thụ này đang gây quá tải cho lưới điện, trích dẫn dữ liệu của Mỹ cho thấy trong khi một thập kỷ trước, các trung tâm dữ liệu ở Hoa Kỳ tiêu thụ 50 TWh điện, thì hiện tại họ tiêu thụ 140 TWh, chiếm 3,5% tổng mức tiêu thụ điện của cả nước.
Một vấn đề khác phát sinh từ thực tế là nhóm Big Tech rất muốn sử dụng năng lượng gió và mặt trời để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu của mình. Đây là những nguồn năng lượng không liên tục chỉ sản xuất khi thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, các trung tâm dữ liệu cần nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy, hầu như không có thời gian nghỉ, nghĩa là họ đang dựa nhiều vào việc sản xuất điện từ khí đốt, than đá và hạt nhân.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo rằng mức tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu sẽ tăng gấp đôi, lên 945 TWh vào năm 2030. FT lưu ý rằng con số này bằng toàn bộ mức tiêu thụ của cả đất nước Nhật Bản.
Bình An
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-gia-dau-the-gioi-hom-nay-duy-tri-da-giam-nhe-729793.html