Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 19/2, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (New York) tổ chức Lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028.
Theo đó, ngày 12/12 vừa qua, tại Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, ở New York (Hoa Kỳ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã thông báo việc Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028.
"Trên cơ sở chủ trương nhất quán và cam kết mạnh mẽ cùng nỗ lực, thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cũng như tăng cường tham gia đóng góp vào các diễn đàn đa phương, Việt Nam đang đảm nhiệm cương vị là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với nhiều dấu ấn, sáng kiến với tinh thần: tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người trên 8 lĩnh vực ưu tiên, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao", bà Hằng nói.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng.
Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, trong hai năm đầu của nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam cũng đã tích cực hoàn thành trách nhiệm thành viên, trong đó đã tham gia Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV và đón Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền phát triển vào thăm Việt Nam với những kết quả rất tích cực. Đây là những nền tảng hết sức quan trọng để Việt Nam tiếp tục ứng cử làm Ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028.
"Tôi xin nhấn mạnh việc ứng cử của Việt Nam là khẳng định sự tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam tin tưởng rằng với những thành công đã đạt được, các nước sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam ứng cử vào nhiệm kỳ sắp tới.
Chúng tôi cam kết sẽ phát huy vai trò tích cực, xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền của mọi người dân trên toàn thế giới," bà Phạm Thu Hằng khẳng định.
Lê Mạnh Quốc