Tạo sự khác biệt trong sản phẩm
Chúng tôi đến thăm Lò rèn Huế của hộ ông Hoàng Ngọc Thiện ở phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài vào một buổi sáng cuối tuần. Chỉ khoảng hơn một tiếng đồng hồ trò chuyện và tiếp xúc với công việc tại lò đã có một số khách đến đặt hàng các loại dụng cụ làm nông nghiệp. Để được là lựa chọn của nhiều khách hàng, lò rèn của ông Thiện luôn cố gắng làm ra nhiều loại nông cụ khác nhau đáp ứng yêu cầu công việc. Cuốc, xẻng, rựa, các loại dao sắt, dao cắt, dao cạo mủ cao su… được người dân đặt làm rất nhiều. Ông Thiện chia sẻ: Khách hàng có khi là hộ gia đình, tiểu thương bán thịt ở các chợ truyền thống hay các chủ trang trại trồng cây… Họ tìm đến lò rèn để có được những sản phẩm ưng ý nhất.
Dù chỉ là mài, sửa lại những chiếc dao, kéo đã cũ, hỏng nhưng ông Thiện vẫn cần mẫn với tất cả cái tâm của người làm nghề - Ảnh: Từ Huy
Ngoài nhận rèn các loại nông cụ, trong một góc nhỏ của cơ sở, ông Thiện đặt một chiếc máy mài khá lớn, máy được gắn 2 viên đá đường kính khoảng 20, 30cm. Mỗi viên đá có một tác dụng mài khác nhau. Đây cũng là bộ công cụ ông dùng để mài dao, kéo… cho người có nhu cầu. Không chỉ mài, ông còn sửa các lỗi cong, vênh của sản phẩm để đảm bảo khi trả lại cho khách hàng như một sản phẩm mới. Hiện công việc này cũng khá ít nơi còn duy trì.
Ông Hoàng Văn Liêm ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú cho biết: Tôi đã nhiều lần đặt hàng ở lò rèn này. Nhà làm nông nghiệp nên cần nhiều cuốc xẻng, tôi thường đến đây đặt rồi đến ngày hẹn lấy về sử dụng, tuy giá cao hơn ở chợ nhưng hàng chất lượng hơn hẳn. Dùng lâu ngày nó cùn thì mang ra mài là lại như mới. Dao, kéo cũng vậy… ở lò rèn làm được nhiều thứ nên mình chỉ cần đến đây là yên tâm. Tôi thích nhất nước tôi của lò rèn này, nó chắc chắn nên vật dụng dùng bền.
Vào Đồng Xoài lập nghiệp từ năm 1980, nghề rèn là nghề truyền thống của ông cha, đến anh em ông Thiện là đời thứ 5 liên tiếp giữ lửa nghề. Năm 1984, gia đình ông Thiện bắt đầu mở lò rèn tại Đồng Xoài để rèn nông cụ phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân địa phương. Lúc đầu chỉ một vài người, sau dần, việc ngày càng nhiều, có 6 anh em trong đại gia đình ông cùng nhau duy trì công việc. Sau hơn 40 năm gắn bó, nhiều người tuổi cao, sức yếu nên đã nghỉ làm. Hiện ông Thiện là người duy nhất còn giữ lửa lò rèn mỗi ngày. Tuy một mình nhưng ông vẫn kiên trì giữ nghề. Vì hiện để rèn ra một sản phẩm đã có máy móc hỗ trợ hoàn toàn trong việc quạt lò, rèn, đập đe…, người thợ chỉ cần duy trì chính xác thao tác ở các công đoạn thủ công để cho ra sản phẩm đạt chất lượng.
Nghề này tuy không khó nhưng cần sự kiên trì và tỉ mỉ. Hiện nay, nhiều người vẫn chọn hàng rèn thủ công vì nó bền và chắc chắn hơn hàng chợ. Nhờ kinh nghiệm lâu năm nên mình biết được chất lượng sắt, thép. Quan trọng nhất là kỹ thuật tôi sắt, tôi thép. Làm ra sản phẩm người ta dùng mà không vênh, méo, mẻ… Đó là cái mà họ cần nhất.
Ông HOÀNG NGỌC THIỆN, chủ cơ sở Lò rèn Huế, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài
Thay đổi tư duy để duy trì nghề
Rèn là công việc nặng nhọc. Giữa muôn vạn lối đi, người trẻ có nhiều lựa chọn hơn là việc giữ lại nghề truyền thống của gia đình. Hiện nhiều lò rèn trên địa bàn tỉnh cũng rất tâm tư trong việc phải dừng lại công việc khi không có người trong gia đình tiếp nhận và duy trì. Nhiều người lo lắng nghề rèn sẽ mai một theo thời gian nhưng ông Thiện lại có tư duy rất khác. Ông sẵn sàng truyền nghề cho người cần học và yêu nghề dù đó không phải là con cháu trong gia đình hay người thân, ruột thịt. Mục đích cuối cùng của ông là để nghề thủ công truyền thống này được nhiều người quan tâm, gìn giữ.
Kiên trì từng chút một, ông Thiện tin rằng mình vẫn tồn tại được với nghề
“Hơn 40 năm làm nghề tôi cũng đã nhận hướng dẫn và truyền nghề cho hơn 10 học trò. Các em, các cháu thành thạo nghề cũng đã ra mở lò riêng. Vậy nên dù trong gia đình, dòng họ không có người yêu thích để duy trì công việc được thì mình có thể trao truyền cho người ngoài. Tôi muốn để lại cái nghề cho đời thì miễn là người thích học, yêu nghề là tôi nhận hướng dẫn. Tôi biết được gì, làm được gì sẽ chỉ hết cho học trò. Cũng mong các em, các cháu tiếp tục giữ nghề” - ông Thiện chia sẻ.
Với sự đa dạng trong sản phẩm cùng tay nghề vững vàng và nhiều kinh nghiệm qua năm tháng, ông Thiện luôn tin tưởng, nghề mình đang gìn giữ hơn 40 năm qua vẫn giúp ông có thể tồn tại giữa xã hội hiện đại này. Vì khách hàng còn cần sản phẩm tốt thì lò rèn của ông vẫn đỏ lửa để phục vụ bà con và đó cũng là cách góp phần giúp nghề rèn còn mãi với thời gian.
Ly Na