Tin vui cuối năm: TP HCM tăng mạnh mức hỗ trợ cho người nghèo, người có công, đối tượng yếu thế

Tin vui cuối năm: TP HCM tăng mạnh mức hỗ trợ cho người nghèo, người có công, đối tượng yếu thế
4 giờ trướcBài gốc
Tại kỳ họp thứ 20 (kỳ họp thường lệ cuối năm) vừa diễn ra, HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua rất nhiều chính sách mới dành cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo với mức hỗ trợ cao hơn hiện nay.
Người nghèo được hỗ trợ 755.100 đồng tiền điện
Đầu tiên là Nghị quyết hỗ trợ cho hộ gia đình có liên quan đến việc thay đổi tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo trong Chương trình Giảm nghèo bền vững TP HCM giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, TP HCM chi hỗ trợ tiền điện 184.999.500 đồng cho 245 hộ, mỗi hộ được 755.100 đồng (quận 4 có 29 hộ; quận Gò Vấp 63 hộ, huyện Hóc Môn 66 bộ, huyện Cần Giờ 87 hộ).
Tại kỳ họp thứ 20, đại biểu HĐND TP HCM đã thông qua nhiều chính sách an sinh xã hội tốt hơn trước; Ảnh: PHAN ANH
TP HCM chi hỗ trợ mua thẻ BHYT 173.997.720 đồng cho 459 thành viên thuộc hộ gia đình được hỗ trợ mua thẻ BHYT do có liên quan đến việc thay đổi tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo trong Chương trình giảm nghèo bền vững TP HCM giai đoạn 2021-2025, mỗi thành viên nhận 379.080 đồng.
Quận 4 có 44 người; quận Gò Vấp có 196 người; huyện Hóc Môn có 128 người; Cần Giờ có 91 người.
TP HCM còn chi hỗ trợ chi phí học tập 315.900.000 đồng cho 234 học sinh thuộc hộ gia đình được hỗ trợ chi phí học tập do có liên quan đến việc thay đổi tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo trong Chương trình Giảm nghèo bền vững thành phố giai đoạn 2021-2025.
Quận 4 có 12 học sinh, quận Gò Vấp có 66 học sinh, huyện Hóc Môn có 23 học sinh, huyện Cần Giờ có 133 học sinh.
TP HCM là địa phương khởi xướng Chương trình Giảm nghèo bền vững vào năm 1992, tên gọi trước đây là Chương trình Xóa đói giảm nghèo.
Hiện nay, hệ thống chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn TP HCM được quy định cụ thể tại Quyết định 1291/2021 của UBND TP HCM về Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể: cho vay tín dụng ưu đãi và 12 chính sách hỗ trợ không hoàn lại. Ngoài chính sách Trung ương (y tế, nhà ở, bảo hiểm...), thành phố còn có 3 chính sách mang tính chất đặc thù của thành phố là trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo diện khó khăn; trợ cấp Tết Nguyên đán, khuyến khích hỏa táng.
Theo nghị quyết, tiền điện, tiền mua thẻ BHYT sẽ chi một lần cho các hộ gia đình, thành viên.
Đối với chi hỗ trợ chi phí học tập: Chia thành 2 đợt, đợt 1 chi trả 5 tháng trong năm học 2024 – 2025 (từ tháng 1-2025 đến tháng 5-2025); đợt 2 chi trả 4 tháng năm học 2025 - 2026 (từ tháng 9-2025 đến tháng 12-2025). Chính sách này được áp dụng trong năm 2025.
UBND TP HCM cho biết vừa qua thành phố điều chỉnh quy định chuẩn nghèo đa chiều, có hiệu lực từ ngày 1-10-2024, ảnh hưởng đến kết quả phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo và ảnh hưởng đến việc hưởng thụ chính sách của 245 hộ tại 4 địa phương trên.
Do đó, chính sách hỗ trợ trên sẽ góp phần ổn định, đảm bảo quyền lợi cho hộ, góp phần hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.
Tăng tiền hỗ trợ đối tượng xã hội mỗi tháng từ 480.000 đồng lên 600.000 đồng
Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn là 600.000 đồng/tháng.
Đối tượng áp dụng: đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021 của Chính phủ; người hưởng chính sách trợ giúp xã hội trại viên Bệnh viện Bến Sắn; người ngưng hưởng chế độ mất sức lao động chuyển sang hưởng trợ cấp thường xuyên; người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng khác có hoàn cảnh khó khăn theo Nghị quyết 35/2023 của TP HCM và các đối tượng khác có liên quan.
So với mức hỗ trợ hiện nay theo Nghị quyết 20/2021 của HĐND TP HCM là 480.000 đồng/tháng, mức hỗ trợ theo nghị quyết mới tăng 120.000 tháng/người. TP HCM sẽ chi hơn 1.433 tỉ đồng/năm để chăm lo cho những đối tượng trên, tăng hơn 286,6 tỉ đồng/năm so với hiện nay.
Tăng tiền trợ cấp người có công
Nghị quyết quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn.
Mức hỗ trợ mức trợ cấp thường xuyên hằng tháng bằng 1,5 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo Nghị định 77/2024 về quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Đối tượng áp dụng: Thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có hoàn cảnh khó khăn; bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có hoàn cảnh khó khăn; thân nhân hưởng trợ cấp tuất hai liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn; thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng có hoàn cảnh khó khăn.
Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng có hoàn cảnh khó khăn; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có hoàn cảnh khó khăn; con đẻ còn sống của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học mà bản thân người con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có hoàn cảnh khó khăn.
Hỗ trợ chi phí cấp bùchênh lệch cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng có nhu cầu trang bị phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình .
Mức hỗ trợ chênh lệch giữa mức giá thực tế của các phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình tại các cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng được thẩm định, phê duyệt qua đấu thầu với mức hỗ trợ mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết, vật phẩm phụ và vật dụng khác được quy định Nghị định 75/2021.
Tùy theo phương tiện trợ giúp và dụng cụ mà mức hỗ trợ tối đa từ 141.200 đồng đến hơn 64,9 triệu đồng.
Đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31-12-1993; người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày.
Người có công giúp đỡ cách mạng thuộc trường hợp người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước" trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; con đẻ bị dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.
Trong thời gian qua, TP HCM thực hiện nhiều chính sách chăm lo cho người có công
Hỗ trợ quà tặng cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu khi tham gia hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc; chương trình họp mặt người có công tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ và chương trình về nguồn do Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức, là 3 triệu đồng/người/lần tham dự.
Chính sách này có hiệu lực từ ngày 1-1-2025
Nghị quyết này thay thế Nghị quyết 126/2016 của HĐND TP HCM. So với Nghị quyết 126, nghị quyết mới tăng tiền hỗ trợ lẫn đối tượng được hỗ trợ. Nếu Nghị quyết hỗ trợ 2 triệu đồng/người/ tháng thì nghị quyết mới là 1,5 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo Nghị định 77/2024, cao hơn.
Theo Nghị định 77/2024, mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối vối người có công với cách mạng và thân nhân của người có công cách mạng là từ 1,399 triệu đồng/tháng đến 10.704 triệu/đồng/tháng, tùy đối tượng cụ thể. Mức cao nhất là dành cho Mẹ Việt Nam anh hùng.
PHAN ANH
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/tin-vui-cuoi-nam-tp-hcm-tang-manh-muc-ho-tro-cho-nguoi-ngheo-nguoi-co-cong-doi-tuong-yeu-the-196241212100031852.htm