Năng lực hiện tại của châu Âu
Theo các số liệu gần đây nhất, Mỹ và châu Âu hiện cung cấp lượng hỗ trợ quân sự tương đương nhau cho Ukraine với mỗi bên 43%. Ở EU, Đức là nước hỗ trợ lớn nhất với 12% và Anh là nước hỗ trợ lớn thứ hai ngoài EU, khoảng 9%.
Những số liệu này tự bản thân chúng đã nói lên nhiều điều: Để EU thay thế Mỹ, khối này sẽ cần tăng gấp đôi hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Tình hình chính trị hiện tại ở châu Âu, cùng với năng lực quân sự thực sự của các nước châu Âu đồng nghĩa với việc châu Âu không thể tăng cường năng lực trong ngắn hạn. Đây là tin xấu với Ukraine và với cả châu Âu, hiện đang dần nhận thức được thực tế rằng, nếu không có Mỹ, liên minh này sẽ chật vật để tăng cường khả năng quốc phòng đáng kể trước một đối thủ mạnh từ bên ngoài.
Ảnh minh họa: Reuters
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hầu hết các nước châu Âu đã giảm sản xuất quân sự và dịch chuyển sang các mô hình công nghiệp quân sự, tập trung vào thị trường xuất khẩu và sản xuất theo phương pháp just-in-time (Đúng sản phẩm - với đúng số lượng - tại đúng nơi - vào đúng thời điểm cần thiết). Viện Kinh tế Quốc tế Kiel - một trung tâm nghiên cứu ở Đức đã đưa ra minh chứng của Đức, quốc gia gần đây đã tăng chi tiêu quân sự. Với tỷ lệ hiện tại, nước này sẽ mất nhiều thập kỷ để thay mới kho vũ khí bằng tốc độ họ từng làm cách đây 20 năm.
Theo Hội đồng Đối ngoại châu Âu: "Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, ngành quốc phòng châu Âu đã tăng năng lực sản xuất đạn dược thêm 50% và có mục tiêu sản xuất hơn 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm vào cuối năm 2025, tăng gấp đôi năng lực so với tháng 2/2022".
Ủy ban châu Âu đề xuất đưa EU sang nền kinh tế thời chiến nhưng việc này vẫn đang trong giai đoạn thảo luận. Ukraine sẽ cần nhiều hơn các đề xuất được thảo luận ở Brussels để đáp ứng những thiếu hụt trước khả năng Mỹ dừng viện trợ.
Vấn đề thậm chí còn phức tạp hơn khi phòng thủ là một trong những ngành công nghiệp ít tích hợp nhất trong EU. Vương quốc Anh sẽ không còn có thể tham gia vào các dự án công nghiệp quốc phòng trên toàn EU, làm gia tăng những thách thức với khối này. Tuy nhiên, các thỏa thuận song phương giữa Anh và Pháp và giữa Anh và Đức sẽ cố tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và việc mua sắm quân sự giữa Anh và 2 cường quốc quốc phòng lớn của châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những nhà lãnh đạo Tây Âu kêu gọi mạnh mẽ một nền quốc phòng châu Âu độc lập và ủng hộ hết mình cho Ukraine. Tuy nhiên, tiến độ thực tế trong việc tăng cường sản xuất công nghiệp tại Pháp vẫn diễn ra chậm. Pháp là một trong những nước đóng góp viện trợ quân sự nhỏ nhất cho Ukraine so với GDP của nước này, mặc dù Pháp đã thực hiện hầu hết những gì họ đã cam kết.
Châu Âu liệu có thể lấp đầy khoảng trống Mỹ để lại?
Việc thiếu năng lực không chỉ là vấn đề của châu Âu mà còn là vấn đề của toàn NATO. Vào tháng 2/2023, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, tỷ lệ chi tiêu đạn dược của Ukraine cao hơn nhiều so với tỷ lệ sản xuất hiện tại của các đồng minh, khiến ngành công nghiệp quốc phòng của NATO chịu áp lực. Ngay cả trước chiến thắng của ông Trump, đã có những đồn đoán Mỹ xa rời châu Âu, dường như là do những căng thẳng trong lĩnh vực quốc phòng của Washington cũng như sự chuyển hướng chiến lược sang khu vực châu Á và Trung Đông.
Chuyên gia Keir Giles của Chatham House, tác giả cuốn sách "Ai sẽ bảo vệ châu Âu" được ra mắt vào đầu tháng này, lập luận rằng châu Âu luôn biết sự xuất hiện của ông Trump sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với Ukraine. Một dấu hiệu báo trước đã được nhìn thấy vào đầu năm nay khi Quốc hội chặn gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Kết quả trên chiến trường đã rõ ràng với những tổn thất về lực lượng và lãnh thổ. Cảnh báo của chuyên gia Giles rất nghiêm trọng khi cho rằng: "Nếu Washington rút lui, sẽ không có gì cản trở được Nga", dù là với Ukraine hay toàn bộ châu Âu.
Khi cuộc xung đột ở Ukraine sắp tròn 3 năm, các nhà lãnh đạo của nước này ngày càng đối mặt với áp lực đàm phán gia tăng.
Trong khi đó, châu Âu cũng đối mặt với những rối ren của riêng mình. Đức - nhà tài trợ quân sự lớn nhất châu Âu cho Ukraine đã rơi vào hỗn loạn chính trị với sự sụp đổ của liên minh do Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo. Tổng thống Pháp Macron - một người bảo vệ kiên định cho Ukraine, đã mất đi phần lớn quyền tựu do hành động kể từ cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6, nơi đảng của ông đã mất thế đa số.
Ở những nơi khác tại châu Âu, các đảng phái chính trị cực hữu và cực tả đang nổi lên. Thủ tướng Hungary Viktor Orban bị coi là một trở ngại lớn với viện trợ quân sự trên toàn EU cho Ukraine.
Tuy nhiên, các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia và Litva cùng với Ba Lan đã hào phóng hỗ trợ Ukraine trong khi tăng cường chi tiêu quốc phòng của riêng mình.
Trong khi EU và các nước thành viên đã đạt được những bước tiến trong việc tăng viện trợ và sản xuất quân sự thì thực tế khắc nghiệt vẫn là châu Âu chưa thể lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Kyiv Independent