Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Từng bước cải thiện - “chậm nhưng chắc”
Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, tính đến ngày công bố thông tin 31/10/2024, có 21 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trị giá 19.678 tỷ đồng và 4 đợt phát hành ra công chúng trị giá 1.800 tỷ đồng trong tháng 10/2024.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 316 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 304.000 tỷ đồng và 19 đợt phát hành ra công chúng trị giá 28.854 tỷ đồng. Trên thị trường sơ cấp, 10 tháng năm 2024, tổng giá trị phát hành TPDN đạt gần 348 nghìn tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Những dữ liệu trên cho thấy thị trường đang phục hồi khá tích cực.
Tuy nhiên, quy mô thị trường TPDN Việt Nam hiện ước đạt 11% GDP cuối năm 2023, còn quá thấp so với thị trường TPDN của nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí, thị trường trái phiếu vẫn ở giai đoạn sơ khai nên doanh nghiệp lệ thuộc tín dụng ngân hàng.
Với mục tiêu, dư nợ thị trường TPDN đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 và 25% vào năm 2030, theo ước tính của một số đơn vị, bình quân trong vòng 8 năm tới, mỗi năm Việt Nam phải có khoảng 370 nghìn tỷ đồng TPDN phát hành mới. Đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội phát triển của thị trường.
Để đạt được mục tiêu trên, các cơ quan quản lý và thành viên thị trường cần gấp rút hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho thị trường TPDN để nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự tin đưa vốn vào kênh TPDN.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những cải cách gần đây của Bộ Tài chính nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng là rất cần thiết để tạo sự cân bằng giữa hai kênh phát hành. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP được Bộ Tài chính đưa ra, yêu cầu các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu riêng lẻ phải cung cấp thông tin minh bạch và đầy đủ, đồng thời áp dụng các biện pháp giám sát nghiêm ngặt hơn.
Bên cạnh đó, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán một mặt “siết” chặt hơn khi bổ sung quy định về điều kiện chào bán ra công chúng, “nắn” thị trường đến một “sân chơi” của nhà đầu tư chuyên nghiệp, mặt khác mở rộng cửa hơn đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, thay vì phát triển nhanh về “chiều rộng” để sớm đạt “KPI” về quy mô, cơ quan quản lý tập trung phát triển về “chiều sâu”, tức là nâng cao chất lượng thị trường theo hướng an toàn, lành mạnh và minh bạch. Mục tiêu này trước tiên là lấy lại niềm tin của nhà đầu tư cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Phát triển bền vững trong tương lai
Mới đây, chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển thị trường TPDN hướng tới chuyên nghiệp, bền vững”, ông Hoàng Văn Thu - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, sau thời kỳ trầm lắng, một số sai phạm trên thị trường TPDN riêng lẻ, với nỗ lực chỉ tạo từ Chính phủ, bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước, thị trường trái phiếu đã đi vào hoạt động ổn định. Về phía UBCKNN luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán, trong đó có kênh phát hành trái phiếu.
Niếm tin của nhà đầu tư là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của thị trường TPDN.
Phó Chủ tịch UBCKNN lưu ý để phát triển thị trường trái phiếu bền vững, các cấu phần tham gia thị trường đều cần nâng cao tính chuyên nghiệp. Về phía tổ chức phát hành: Cần minh bạch thông tin, có chiến lược huy động vốn, sử dụng vốn dài hạn; chú trọng đến quản trị doanh nghiệp; có phương án, hoạt động kinh doanh hiệu quả và có năng lực hấp thụ nguồn vốn; tăng cường các sản phẩm trái phiếu xanh trên thị trường.
Về phía nhà đầu tư thì cần nâng cao năng lực đánh giá doanh nghiệp, cẩn trọng khi đầu tư và tuân thủ quy định pháp luật về điều kiện được mua TPDN. Với kênh trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư phải tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Trong câu chuyện sai phạm xảy ra trên thị trường đều rơi vào nhóm nhà đầu tư có cơ hội đánh giá rủi ro hạn chế. Do vậy, theo định hướng, UBCKNN đang nghiên cứu đối tượng phát hành trái phiếu riêng lẻ hướng tới nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp để tăng cường tính chuyên nghiệp, đánh giá rủi ro.
Về các tổ chức cung cấp dịch vụ thì cần phát triển, nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và năng lực quản trị của tổ chức tư vấn, tổ chức định mức tín nhiệm, tổ chức kiểm toán, thẩm định giá… trên thị trường.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng thị trường TPDN Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều rủi ro, thách thức và chúng cần nhận diện đầy đủ. Để thị trường TPDN phục hồi và phát triển bền vững cần củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư ít nhất là đến hết năm 2025. Trong trung – dài hạn, cần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế.
Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng TTCK nói chung và thị trường TPDN nói riêng, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin – dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo…
Ngoài ra cần liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức thông qua nhiều giải pháp khác nhau; hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý và giám sát thị trường; việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính.
Bản thân doanh nghiệp, tổ chức phát hành cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn; quan tâm quản lý rủi ro; chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh.
Về phía nhà đầu tư, cần trau dồi kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, nhất là về các sản phẩm đầu tư, quy định của pháp luật về TTCK và thị trường TPDN, tìm hiểu đầy đủ thông tin về tổ chức phát hành; có thể thông qua nhà đầu tư tổ chức (công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, NHTM…) để có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, phù hợp.
Thái Tuấn