Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The War Zone, Giám đốc Tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov cho biết, Triều Tiên dự kiến sẽ đưa thêm quân tiếp viện đến tỉnh Kursk. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng có kế hoạch chuyển thêm 150 tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23 tới Nga vào năm 2025, ngoài 148 tên lửa đã được cung cấp vào năm 2024.
Quan chức này lưu ý rằng, trong ba tháng qua, Triều Tiên đã cung cấp cho Nga khoảng 120 pháo tự hành M1989 Koksan 170 mm cũng như 120 hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) M-1991 240 mm. Trong thời gian tới, Bình Nhưỡng có khả năng sẽ cung cấp thêm số lượng thiết bị quân sự tương tự cho Moscow.
"Họ có rất nhiều hệ thống vũ khí như vậy. Hầu hết các loại vũ khí này được sử dụng để chống lại lực lượng Ukraine hoặc để huấn luyện ở Nga... Chúng làm phức tạp thêm các hoạt động ở tiền tuyến", ông Kyrylo Budanov nói.
Tháng 12/2024, trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Svoboda, ông Andrii Cherniak, đại diện của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết, quân đội Nga đã sử dụng khoảng 60 tên lửa KN-23 của Triều Tiên trong các cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraine. Ông lưu ý, độ chính xác của chúng tuy thấp nhưng những tên lửa này cũng gây ra mối nguy hiểm rất nghiêm trọng.
Tháng 1/2024, điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby xác nhận Nga đã sử dụng những tên lửa này để tấn công Zaporizhzhia vào tháng 12/2023 và Kharkiv vào tháng 1/2024.
Hiện, phía Nga vẫn chưa bình luận về các thông tin trên.
KN-23 (hay còn gọi là Tên lửa Hwasong-11) giống với tên lửa đạn đạo 9M723 thuộc tổ hợp tác chiến và chiến thuật Iskander của Nga.
Tên lửa có chiều dài 8,7m, trọng lượng 3.415 kg, trong đó đầu đạn mang theo nặng 500 kg. Tên lửa có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường.
Giống như Iskander-M, tên lửa đi theo quỹ đạo gần như đạn đạo, đạt độ cao khoảng 50 km. Tầm bắn nằm trong khoảng 450-700 km.
Quỳnh Như
Theo The War Zone