Tỉnh đầu tiên đồng bằng sông Cửu Long thực hiện đề án nông nghiệp hữu cơ

Tỉnh đầu tiên đồng bằng sông Cửu Long thực hiện đề án nông nghiệp hữu cơ
3 giờ trướcBài gốc
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, tỉnh Sóc Trăng được xem là địa phương đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện thực hóa quyết định này.
Tháng 5/2022, HĐND tỉnh Sóc Trăng ra Nghị Quyết số 26 về việc thông qua Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đến tháng 6/2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 1560 phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Sóc Trăng đã dành gần 68 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã triển khai các chương trình tập huấn, xây dựng các mô hình sản xuất, tiến tới chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ.
Nhiều nhà vườn đã được hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành, tạo tán; phân, thuốc hóa học được thay hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ và vi sinh, trái cũng được tiến hành bao bọc ngay từ khi còn nhỏ để hạn chế sâu hại tấn công. Việc áp dụng phương pháp sản xuất bài bản, khoa học đã giúp nhiều hợp tác xã trồng vú sữa tím tại huyện Kế Sách duy trì tốt chuỗi liên kết tiêu thụ với nhiều công ty xuất khẩu.
Cuối năm 2023, Ban quản lý Đề án đã triển khai hỗ trợ cho 7 hộ nông dân tại xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu thực hiện mô hình trồng hành tím hữu cơ, với tổng diện tích là 3,1ha, lượng phân bón hữu cơ được hỗ trợ là 6.200 ký.
Mô hình trồng hành tím hữu cơ đã hướng bà con trồng hành tím có điều kiện tiếp cận xu hướng phát triển nông nghiệp sạch khi sử dụng phương pháp bón lót hoàn toàn bằng phân hữu cơ, giảm tối đa lượng thuốc bảo vệ thực vật so với cách trồng truyền thống. Khi áp dụng quy trình trồng hành hữu cơ, sâu bệnh gây hại trên hành ít xảy ra, nên năng suất đạt cao hơn so với phương thức canh trác truyền thống, tần suất bón phân, xịt thuốc phòng trừ sâu hại ít, giúp nông dân tiết giảm được đến 50% chi phí sản xuất.
Riêng về cây lúa khi tiếp cận mô hình, bà con nông dân còn được chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác mới, nâng cao trình độ thâm canh và ứng dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng an toàn để cải thiện giá trị sản phẩm. Theo đó, ruộng được cung cấp phân hữu cơ, giảm tối đa phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên lúa cứng cây, chắc khỏe, mức độ sâu rầy tấn công giảm thiểu so với trước kia. Mặc dù năng suất và giá bán không có sự chênh lệch nhiều so với phương thức canh tác truyền thống nhưng bù lại mỗi 1ha canh tác lúa hữu cơ giúp nông dân tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng chi phí đầu tư cho sản xuất.
Sau 2 năm triển khai, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã hỗ trợ triển khai được 32 mô hình sản xuất hữu cơ trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, tiến trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã từng bước nâng lên tiêu chuẩn hữu cơ đang lan tỏa mạnh tại nhiều địa phương.
Cũng theo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, việc trước mắt và lâu dài là giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hình thành được chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là điều cần thiết.
Có thể khẳng định hiệu quả bước đầu thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Sóc Trăng đã chuyển đổi được nhận thức của người dân tham gia các mô hình sản xuất hữu cơ. Khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế nông nghiệp vùng nông thôn.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!
Công Tràng - Chí Điển
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/tinh-dau-tien-dong-bang-song-cuu-long-thuc-hien-de-an-nong-nghiep-huu-co-238921.htm