Tỉnh Đồng Tháp bắt tay vận hành chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày đầu tiên

Tỉnh Đồng Tháp bắt tay vận hành chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày đầu tiên
12 giờ trướcBài gốc
Công việc đầu tiên đối với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh Đồng Tháp là ổn định vị trí làm việc, bố trí nơi làm việc cho cán bộ, viên chức từ tỉnh Đồng Tháp (cũ) mới chuyển sang làm việc tại trung tâm hành chính mới ở phường Mỹ Tho và phường Đạo Thạnh (tỉnh Tiền Giang). Theo đó, tỉnh Đồng Tháp đi vào hoạt động với khối hành chính bố trí tất cả cán bộ, công chức cấp trưởng phòng trở lên, cùng 70% công chức cấp phó phòng, chuyên viên của tỉnh Đồng Tháp (cũ) sang làm việc, với hơn 600 người. Số còn lại, trên 200 người, tiếp tục làm việc tại các trụ sở của tỉnh Đồng Tháp (cũ).
Ông Lê Quốc Phong Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp trao quyết định cho các Bí thư xã, phường sau sáp nhập
UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát, sửa chữa, bố trí 06 căn nhà ở công vụ và 56 phòng tại ký túc xá Trường Cao đẳng Y tế ở phường Mỹ Phong phục vụ nơi ở cho gần 200 người. Một số trụ sở cơ quan cũ cũng được trùng tu, nâng cấp để bố trí thêm nơi làm việc cho cán bộ, công chức mới chuyển về, công việc này sẽ hoàn thành trong tháng 10-2025.
Trụ sở của Thành ủy Mỹ Tho nay chuyển sang làm trụ sở làm việc của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp
Khu nhà công vụ của tỉnh Đồng Tháp dành cho cán bộ xa nhà
Tại các xã, phường của tỉnh đã bắt tay ngay vào công việc với tinh thần khẩn trương, đồng bộ. Kỳ họp đầu tiên của HĐND cấp xã, phường được tổ chức để thông qua công tác nhân sự, cho ý kiến về nhiều vấn đề trọng tâm để hệ thống chính quyền hoạt động đúng theo chức năng, nhiệm vụ.
Toàn tỉnh có 103 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã đã công khai địa điểm và hoạt động ngay để phục vụ người dân. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã được chuẩn bị và vận hành thử trước đó để việc trao đổi văn bản điện tử, kết nối và chia sẻ thông tin, dữ liệu ngay ngày đầu diễn ra thông suốt, không gián đoạn. Các địa phương bố trí trụ sở làm việc của các xã mới theo phương án chủ động, linh hoạt.
Các Trung tâm phục vụ hành chính công ở tỉnh Đồng Tháp hoạt động nhịp nhàng
Cán bộ phường Thới Sơn, tỉnh Đồng Tháp tiếp những công dân đầu tiên vào sáng ngày 1-7
Ông Phạm Công Thành, công chức Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thới Sơn, cho biết: “Vô mô hình mới, từ sáng đến giờ cũng có dân đến. Cán bộ, công chức phường Thới Sơn cũng được tập huấn tất cả các kỹ năng tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính cho người dân. Khi người dân đến làm thủ tục liên quan đến cán bộ, công chức nào thì Trung tâm chỉ đạo thực hiện tốt, không để người dân phiền hà. Từ sáng giờ Trung tâm hoạt động bình thường”.
Còn ông Nguyễn Văn Danh, người dân phường Thới Sơn, sau khi đến Trung tâm phục vụ hành chính công phường và được 2 cán bộ chuyên môn giải thích thắc mắc về tranh chấp đất đai, bày tỏ: “Mình thấy ở đây tiếp đón nồng hậu, giải thích về Luật Đất đai rất tốt, rất nhiệt tình. Dân đến đây mà được đối xử như vậy là tốt quá”.
Hầu hết các trụ sở UBND, công an xã, phường đều đặt ở vị trí trung tâm, thuận tiện cho người dân. Những ngày qua, Sở Khoa học và Công nghệ hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp (cũ) đã ban hành các văn bản và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành, địa phương về sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, lập danh sách đề nghị cấp đổi chứng thư chữ ký số, tài khoản các phần mềm dùng chung phục vụ xử lý công việc và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Đến nay, cán bộ, công chức xã, phường mới đều đã tạo tài khoản sử dụng các phần mềm dùng chung, nhằm đảm bảo giải quyết ngay công việc trên môi trường mạng. Các sở, ngành, địa phương cũng được hướng dẫn vận hành thử nghiệm các phần mềm dùng chung để đảm bảo việc triển khai, sử dụng hiệu quả và ổn định trước khi đưa vào sử dụng chính thức.
Các xã, phường đều bố trí công chức phục vụ người dân nộp hồ sơ trực tuyến
Trong những ngày qua, các Tổ công tác của tỉnh đã đi kiểm tra thực tế, đặc biệt tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công, để chỉ đạo, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị hành chính cấp xã mới. Nhờ vậy, ngay trong ngày đầu tiên vận hành hệ thống chính quyền 2 cấp, hầu hết các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã đã tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân, chuyển giao cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân, đảm bảo đúng thời gian quy định.
Trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Tháp sau ngày sáp nhập tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp
Tỉnh Đồng Tháp đã huy động, tận dụng tối đa các cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc và các nguồn lực khác hiện có để phục vụ vận hành thử nghiệm và chính thức chính quyền cấp xã sau sắp xếp, nhất là hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công. Đồng thời, sửa chữa, cải tạo trụ sở, cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị, phương tiện cần thiết khác để đảm bảo cho hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã mới từ ngày 1/7.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự, cơ sở vật chất và hệ thống công nghệ thông tin, Đồng Tháp đi vào vận hành chính quyền 2 cấp từ ngày 1/7, diễn ra thông suốt, không gián đoạn các thủ tục hành chính, mang lại sự thuận tiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Thuận lợi của tỉnh Đồng Tháp trong việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương được bố trí đảm bảo trình độ chuyên môn, có năng lực.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đã nhắc nhở cán bộ lãnh đạo cấp xã, phường ngay trong ngày sáp nhập tỉnh phải cố gắng nỗ lực, ở trọng trách mới phải hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao: “Trong không gian phát triển mới, hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền cấp xã, phải gần dân hơn, sát dân hơn, hiểu dân hơn; chăm lo, phục vụ người dân tốt hơn. Đây là mục tiêu, nhiệm vụ then chốt của các đồng chí trong quá trình công tác. Tỉnh ủy đặt niềm tin rất cao đối với các đồng chí được phân công công tác ở các xã, phường. Chúng tôi kỳ vọng trong một thời gian ngắn sẽ đón nhận được tin vui, thành công từ sự nỗ lực của các đồng chí. Một hành trình mới trên quê hương Đồng Tháp mới của chúng ta, chúng tôi mong trong hành trình này mỗi người dân Đồng Tháp (mới), dù ở bất kỳ đâu, tùy theo khả năng của mình, sẽ đoàn kết, chung vai, đồng lòng, góp sức để chúng ta làm nên thành công mới, đưa tỉnh nhà ngày một phát triển”.
Chư tăng, phật tử chùa Hưng Long, xã An Thạnh Thủy, tỉnh Đồng Tháp đọc kinh cầu Quốc thái dân an theo chủ trương của TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Ngày mai 2/7, tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức Kỳ họp thứ Nhất – Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, để thông qua phần nhân sự chủ chốt của HĐND, các Ban của HĐND, các cơ quan do HĐND, UBND tỉnh và các chức danh do đại biểu HĐND bầu. Tỉnh ủy Đồng Tháp đã thông báo về việc thay đổi trụ sở làm việc của Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Tháp kể từ ngày 1/7/2025 tại số 02, đường 30 tháng 4, phường Mỹ Tho, tỉnh Đồng Tháp.
Sáng 1/7, tất cả các chùa, tự viện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều cử 3 hồi chuông bát nhã, trống cầu Quốc thái dân an; tụng kinh và thực hiện nghi lễ tâm linh cầu an, khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc để cùng bước vào kỷ nguyên mới.
Dẫu rằng trong những ngày đầu thành lập tỉnh mới, lần đầu tiên vận hành chính quyền 2 cấp sẽ phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, bất cập, nhưng tin rằng sẽ sớm được khắc phục, ổn định hoạt động để tỉnh Đồng Tháp phát triển cùng với sự vươn mình đi lên của cả nước.
Chu Trinh-VOV/ĐBSCL
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/tinh-dong-thap-bat-tay-van-hanh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-tu-ngay-dau-tien-post1211471.vov