Tinh giản bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính: Trung ương phải gương mẫu đi đầu

Tinh giản bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính: Trung ương phải gương mẫu đi đầu
12 giờ trướcBài gốc
Khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp cho ý kiến 12 nội dung, trong đó có 9 dự án luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 8.
Khái quát nội dung chính của Đợt 1 Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Kỳ họp diễn ra đúng theo kế hoạch với yêu cầu: đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân.
“Chúng ta phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ách tắc hiện nay mà cản trở cho sự phát triển kinh tế xã hội. Đảng có nghị quyết, Quốc hội thể chế hóa để Chính phủ chỉ đạo, điều hành cho thông. Tới đây, trong việc tinh giản bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, Trung ương phải gương mẫu đi đầu, sau đó đến địa phương. Chúng ta sắp xếp đơn vị hành chính cũng là đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo, điều hành tốt hơn nữa”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Trong sán nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố gồm An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc. Trong đó, có những tỉnh, thành phố sắp xếp khối lượng lớn đơn vị hành chính là: Hà Nội sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới, sau sắp xếp giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã; Hà Tĩnh sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp huyện và 23 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 16 đơn vị hành chính cấp xã mới, sau sắp xếp giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 7 đơn vị hành chính cấp xã; TP. Hồ Chí Minh sắp xếp 80 phường để hình thành 41 phường mới, sau sắp xếp giảm 39 phường.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các địa phương tập trung giải bài toán cán bộ, công chức cấp xã dôi dư khi sáp nhập; đề nghị 12 địa phương gấp rút chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, cái khó nhất của địa phương là Đại hội sắp đến mà khó nhất là sắp xếp cán bộ; nhập các xã, các huyện dẫn đến dôi dư cán bộ không có chỗ sắp xếp, trong khi giai đoạn trước sắp xếp chưa xong.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị 12 đại diện lãnh đạo các địa phương có mặt tại phiên họp phải khẩn trương triển khai các nội dung để đảm bảo triển khai công việc kịp thời, nhanh gọn, phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất và ổn định được tình hình, sau đó tập trung cho Đại hội Đảng bộ các cấp.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh công tác cán bộ thực hiện theo quy định của Đảng, cấp ủy Đảng lãnh đạo; đồng thời thực hiện đúng pháp luật tổ chức chính quyền địa phương như quy định “Chủ tịch Ủy ban Nhân dân không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân”.
100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tại phiên họp đã biểu quyết thông qua 12 Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố. Các nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, riêng Nghị quyết của tỉnh Sơn La có hiệu lực thi hành từ 1/2/2025.
Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trần Hương
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/tinh-gian-bo-may-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-trung-uong-phai-guong-mau-di-dau-157790.html