Tinh giản, người lao động cần chuẩn bị gì khi chuyển sang làm việc ở khu vực tư?

Tinh giản, người lao động cần chuẩn bị gì khi chuyển sang làm việc ở khu vực tư?
8 giờ trướcBài gốc
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Nhàn, Trường Đại học Thương mại nhận định, cuộc cách mạng tinh giản bộ máy thời gian qua đã diễn ra một cách rất quyết liệt. Sau giai đoạn một, Chính phủ hiện còn 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ. Giai đoạn hai đang diễn ra, dự kiến cắt giảm 50% đơn vị hành chính cấp tỉnh; giảm 60-70% cấp xã (từ 10.000 xã còn 2.500 xã); loại bỏ cấp huyện, chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp giảm 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và bỏ trung gian cấp huyện. Theo dự kiến của Bộ Nội vụ, sẽ có khoảng 100.000 cán bộ, viên chức, người lao động rời khỏi khu vực công.
Quá trình tinh giản biên chế sẽ tác động, tạo sự dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực tư nhân (Ảnh minh họa)
Dẫn theo khảo sát của Navigos Group, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Nhàn phân tích, thị trường lao động hiện nay đang chịu những tác động kép, gồm giai đoạn phục hồi sau Covid-19 và cuộc cách mạng chuyển đổi số ảnh hưởng bởi cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bối cảnh hội nhập quốc tế vẫn đang diễn ra một cách mạnh mẽ dù có nhiều rào cản. Trong bối cảnh đó, thị trường lao động có những thay đổi rõ rệt, những ngành nghề liên quan đến trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, năng lượng tái tạo có tốc độ tăng trưởng nhanh, đặt ra nhu cầu về lao động. Bên cạnh đó, xu hướng về sự phát triển việc làm bền vững cũng được chú trọng trong chính sách của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Nhàn, hiện nay doanh nghiệp đang chú trọng vào một số nhóm năng của ứng viên như giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ, tư duy phân tích, kỹ năng hợp tác, thích ứng với thay đổi, tư duy sáng tạo, tính bền bỉ, linh hoạt và nhanh nhẹn, hiểu biết về công nghệ. Với những lao động trong khu vực công sau khi tinh giản biên chế thường có kinh nghiệm quản lý và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp ở khu vực công, có kỹ năng tổ chức và quản lý công việc, giải quyết vấn đề một cách có hệ thống.
“So sánh với kỹ năng giải quyết vấn đề mà người sử dụng lao động đang cần hiện nay, đây là điểm mạnh của người lao động sau khi rời khỏi khu vực công. Kỹ năng giải quyết, giao tiếp một cách hiệu quả cũng là điểm mạnh của công chức, viên chức và người lao động ở khu vực công, nhờ quá trình họ cung cấp dịch vụ công cho người dân và các tổ chức. Tuy nhiên, những có kỹ năng còn lại, đặc biệt là ngoại ngữ cũng là khó khăn đối với những người lao động khi rời khỏi khu vực công để bước vào khu vực tư. Ở kỹ năng thích ứng với thay đổi - năng lực mà doanh nghiệp rất coi trọng khi tuyển dụng ứng viên, người làm việc ở trong khu vực công thường quen với môi trường làm việc ổn định. Đây cũng là khó khăn, áp lực khi họ bước vào bối cảnh công việc ở khu vực tư, có áp lực công việc cao hơn”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Nhàn nhận định.
Là người từng chuyển từ khu vực công sang khu vực tư nhân, TS. Doãn Hữu Tuệ - Tổng Giám đốc Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt cho biết, ông từng làm việc tại Ngân hàng Nhà nước gần 20 năm. Nhưng khi quyết định nghỉ việc nhà nước, dù được gợi ý vào nhiều vị trí lãnh đạo của các ngân hàng thương mại, nhưng sau cùng, ông quyết định làm trợ lý cho Tổng giám đốc một công ty về nông nghiệp. Ông cho rằng, vị trí này là cơ hội để ông được nhìn nhận, đánh giá toàn bộ hệ thống doanh nghiệp nhưng không phải chịu trách nhiệm của người điều hành khi vừa chuyển sang khu vực tư nhân.
Theo TS Doãn Hữu Tuệ, khu vực công và khu vực tư khác nhau hoàn toàn, trong đó sự khác biệt lớn nhất là vị thế của người lao động, đặc biệt những người từng có chức vụ khi làm việc ở cơ quan nhà nước khi chuyển sang khối tư nhân sẽ phải vượt qua được những rào cản tự tôn bản thân: “Người Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn luôn lấy người có địa vị ở cơ quan nhà nước ra làm gương, tôn vinh với dòng họ, xóm làng. Vấn đề này trở thành thói quen suy nghĩ của nhiều người dân, con cái sẽ định hướng vào nhà nước làm việc. Sống quen với môi trường được tôn vinh đó, khi chuyển ra khu vực tư nhân, chắc chắn sẽ sốc.
Nếu cứ giữ thói quen đi đâu cũng được tiền hô hậu ủng, được giới thiệu trang trọng thì không làm được ở khối tư nhân. Tôi nói thật, ban đầu ra ngoài tôi cũng sốc, bởi doanh nghiệp họ không cần biết mình có bằng cấp như thế nào, chức vụ trước đó ra sao, quan trọng nhất họ cần là đóng góp cho doanh nghiệp. Nhà nước thường đánh giá nhân sự theo cảm tính và định tính, doanh nghiệp đánh giá bằng định lượng, theo KPI”, ông Tuệ nói.
Để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho lượng lớn công chức, viên chức khi chuyển sang khu vực tư nhân trong quá trình tinh giản biên chế, Ths. Kiều Công Thược, Chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam (VNFUND) đề xuất, về mặt chính sách, nhà nước cần xây dựng khung pháp lý toàn diện về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo lại cho lao động khu vực công có nguy cơ mất việc, phát triển hệ thống bảo hiểm việc làm, trợ cấp tài chính khi chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó cũng cần có những chính sách tăng cường đầu tư vào đào tạo kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng số và kỹ năng mềm, thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động chính xác và kịp thời.
Về mặt tài chính, Ths Kiều Công Thược cho rằng, cần thành lập quỹ hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người lao động khu vực công cũng như cấp vốn vay ưu đãi hoặc quỹ hỗ trợ để giúp người lao động ổn định trong giai đoạn chuyển đổi nghề, hỗ trợ tiền lương tạm thời để người lao động có thời gian thích nghi với công việc mới; mở rộng đối tượng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ về pháp lý, thuế, tài chính nếu muốn khởi nghiệp…
Trong bối cảnh chuyển đổi nghề nghiệp, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức của người lao động về sự cần thiết của chuyển đổi nghề, thiết lập các trung tâm đào tạo và tư vấn hướng nghiệp cho lao động khu vực công. Ngoài ra, cần có các giải pháp đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu thực tế cũng như phát triển các chương trình đào tạo nghề linh hoạt và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin về việc làm và cơ hội khởi nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin để kết nối người lao động với nhà tuyển dụng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và tuyển dụng lao động chuyển đổi.
Nguyễn Trang/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/tinh-gian-nguoi-lao-dong-can-chuan-bi-gi-khi-chuyen-sang-lam-viec-o-khu-vuc-tu-post1190282.vov