Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 800 tỷ USD
Ngày 23/12, tại Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết năm 2024, kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ những biến động địa chính trị, địa kinh tế thế giới và các vấn đề nội tại của đất nước.
Đặc biệt siêu bão số 3 và cơn bão số 4 đã gây thiệt hại nặng nề, trên diện rộng đối với hệ thống hạ tầng năng lượng, công nghiệp, thương mại và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa phương.
“Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế nước ta đã phục hồi mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn”, ông Diên nói.
Cùng với cả nước, ngành Công Thương cũng đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: MOIT).
Nổi bật là đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp.
Điển hình là việc tham mưu với cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Điện lực, Luật Khoáng sản; ban hành các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, phát triển điện mặt trời áp mái tự sản xuất, tự tiêu dùng.
Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh, đạt mức tăng ngoạn mục trên 8% so với năm trước, vượt kế hoạch được giao và cao hơn nhiều mức tăng của các năm trước. Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng gần 10%, cao gấp hơn 3 lần mức tăng của năm 2023, khẳng định vai trò trụ cột quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
"Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới, khoảng 800 tỷ USD. Tăng 15% so với năm trước, vượt 2,5 lần kế hoạch được giao", ông Diên nói.
Thị trường trong nước duy trì tăng trưởng ở mức cao, giá cả cơ bản ổn định.
Thương mại điện tử duy trì đà phát triển 2 con số, trên 20%. Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam vượt mốc 25 tỷ USD, chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước và thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian ngắn kỷ lục (16 tháng). Từ đó góp phần mở rộng thêm “xa lộ” hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.
Đồng thời phòng vệ thương mại đạt kết quả tích cực. Xử lý thành công hầu hết vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại của các đối tác, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.
Cao điểm chống buôn lậu Tết Nguyên đán 2025
Về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 (khóa XIII) và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
"Khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các ngành công nghệ cao như chíp, bán dẫn, công nghệ AI…", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chú trọng thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở ngoài nước trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành công thương.
Tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các FTA với các đối tác tiềm năng, tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tổ chức bộ máy của Bộ giảm từ 28 đơn vị xuống còn 23 đơn vị, giảm 5 đơn vị, tương ứng 17,8%.
Trong đó, đặc biệt là việc đề xuất kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo Chính phủ.
“Đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn”, ông Diên nhấn mạnh.
Đồng thời, cần lưu ý các vấn đề liên quan đến xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý các dự án đầu tư trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Đặc biệt, cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đã được Bộ Công Thương ban hành, bảo đảm ổn định thị trường, phục vụ tốt nhu cầu nhân dân vui Xuân đón Tết.
Phạm Thị Thanh Loan