Hiện cả nước có hơn 1,7 triệu người lao động là viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm cả các đơn vị đã tự chủ tài chính. Ảnh: Lê Toàn
Mỗi năm, tối đa 68.000 viên chức hưởng lương từ ngân sách có thể mất việc
Chuẩn bị trình Quốc hội bấm nút tại Kỳ họp thứ chín vào tháng 5 tới, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi (Dự thảo) vừa được đặt lên bàn nghị sự của Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7.
Trước đó, Dự thảo đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ tám của Quốc hội, rồi tiếp tục được hoàn thiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đánh giá bổ sung về cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (trong đó có chế độ trợ cấp của việc thực hiện tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị) phục vụ Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Chính phủ cho biết, theo quy định hiện nay, viên chức và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Công chức không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nên không được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, các bộ, ban, ngành và địa phương giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước với lộ trình thực hiện là 5 năm.
Tuy nhiên, Chính phủ giải thích, hiện nay, phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ tài chính, nên số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước không nhiều. Do vậy, số người mất việc làm do sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị chủ yếu là công chức.
Chính phủ dẫn số liệu, hiện cả nước có hơn 1,7 triệu người lao động là viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm cả các đơn vị đã tự chủ tài chính. Khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với lộ trình thực hiện là 5 năm, sẽ có 20% viên chức hưởng lương từ ngân sách bị mất việc. Như vậy, mỗi năm chỉ có tối đa 4% viên chức hưởng lương từ ngân sách (68.000 người) có thể bị mất việc làm, chiếm một phần nhỏ trong tổng số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp (trên 1 triệu người/năm).
Mặt khác, trong tổng số 20% viên chức mất việc làm do sắp xếp tổ chức bộ máy, phần lớn là các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi. Do vậy, số viên chức nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp và số tiền phát sinh hỗ trợ đối tượng này hằng năm không nhiều, Chính phủ đánh giá.
Giảm thu khoảng 144 tỷ đồng, phát sinh chi 1.675 tỷ đồng mỗi năm
Theo quy định của Luật Việc làm hiện hành và Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng, thì không được bảo lưu. Nếu người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp vượt quá thời gian này, nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp, phần vượt quá sẽ không được cộng dồn hay bảo lưu cho những lần hưởng trợ cấp thất nghiệp sau này. Như vậy, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng.
Thảo luận tại Kỳ họp thứ tám, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định này. Ủy ban Văn hóa và Xã hội (cơ quan chủ trỉ thẩm tra Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi) cho rằng, việc giữ quy định này làm ảnh hưởng đến người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp dài, nhưng chưa từng hoặc ít khi hưởng trợ cấp thất nghiệp, vì họ có thể mất đi một phần quyền lợi đã đóng góp bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Điều này cũng gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng, sẽ mất đi những người lao động làm việc lâu năm, hoặc người lao động sẽ phối hợp với người sử dụng lao động trục lợi chính sách trợ cấp thất nghiệp. Quy định cũng sẽ khiến người lao động có tâm lý không mặn mà quay lại quan hệ lao động chính thức.
Tuy nhiên, thảo luận tại hội nghị đại biểu chuyên trách, một số ý kiến đại biểu đồng tình giữ quy định “thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì không được bảo lưu”.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phân tích, trong nền kinh tế hiện nay, khoảng thời gian tối đa được hưởng trợ cấp thất nghiệp như Dự thảo cũng đủ dài để người lao động có thời gian tìm kiếm công việc mới. Đồng thời, việc giới hạn thời gian tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng là động lực để người lao động cố gắng tìm việc trong thời gian đó, tránh tạo sự ỷ lại.
Báo cáo giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh giải thích, bảo hiểm thất nghiệp là quỹ ngắn hạn, phải đảm bảo sự chia sẻ, nên quy định hiện hành là phù hợp. Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ các nước cho thấy, tại Hàn Quốc, mức hưởng tối đa là 8 tháng; ở Nhật Bản và Đức, mức hưởng tối đa là 12 tháng; ở Thái Lan, mức hưởng tối đa là 6 tháng.
“Quy định như Dự thảo sẽ đảm bảo kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và là cơ sở để triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động cũng như người sử dụng lao động”, ông Thanh giải trình.
Tại báo cáo đánh giá tác động, về khả năng cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi thực hiện tổng thể các chính sách theo quy định mới tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Chính phủ cho biết, từ năm 2010 đến hết năm 2020, số thu luôn vượt số chi, hết năm 2020, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp gần 90.000 tỷ đồng. Năm 2021, 2022, do phải chi hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, nên số chi cao hơn số thu. Tính đến hết năm 2023, số tiền kết dư Quỹ trên 60.000 tỷ đồng.
Khi thực hiện các chính sách theo quy định mới tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ phát sinh một số chi phí ảnh hưởng đến cân đối Quỹ. Như, giảm thu do thực hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động là người khuyết tật tối đa khoảng 144 tỷ đồng/năm, đồng thời phát sinh tăng chi từ Quỹ mỗi năm khoảng 1.675 tỷ đồng.
Theo số liệu thu - chi bảo hiểm thất nghiệp và kết dư Quỹ khá lớn như hiện nay, Chính phủ nhận định, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, khi Quỹ có kết dư thấp hơn mức quy định, thì ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đảm bảo việc chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Đặc biệt quan tâm việc làm mới sau tinh gọn
- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này chưa có nhiều thông số về sắp xếp tổ chức bộ máy. Trước đây, chúng ta mới đề cập đến khoảng hơn 100.000 người khi sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy ở cấp trung ương. Bây giờ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy với cấp tỉnh và không có cấp huyện, thì con số có thể là 100.000 nhân với 2, hoặc là nhân với “n”, nhưng cũng chưa thấy cơ quan nào chính thức thông báo số người ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy này.
Đề nghị Bộ Nội vụ (cơ quan chủ trì soạn thảo) tiếp cận sâu hơn về nội dung liên quan đến việc phát triển kỹ năng nghề và bố trí việc làm chung cho các đối tượng, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng nghỉ sau sắp xếp. Bởi hàng trăm ngàn người này không phải là người cao tuổi, mà là những người đang vào độ tuổi chín về kinh nghiệm.
Quy định chặt chẽ về chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định, sau 2 lần từ chối nhận việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm giới thiệu mà không có lý do chính đáng, thì người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp này. Quy định như thế chưa chặt chẽ, bởi mỗi lần cách nhau 2 tuần, thì ít quá.
Tôi đề nghị phải 3 lần, mỗi lần cách nhau tối thiểu là 1 tháng và phải thông báo việc làm mới.
Ví dụ, có một việc làm nào đó giới thiệu cho người lao động, nhưng được khoảng 1 tháng, thậm chí chỉ 2 tuần, người được giới thiệu rất “dị ứng” công việc đó, không muốn đến chỗ làm, nhưng cứ tính số lần để cắt bảo hiểm của người lao động. Cho nên, nội dung này cần quy định lại cho chặt chẽ.
Nguyễn Lê